Theo ghi nhận của PLVN, nhiều đầu xe trên một số tuyến buýt ở Hà Nội như tuyến số 12 (Công viên Nghĩa Đô - Đại Áng), số 32 (Giáp Bát - Nhổn), số 26 (Mai Động - Sân Vận động Quốc gia Mỹ Đình)… đang xuất hiện dày đặc các tấm decal quảng cáo khổ lớn, với nhiều nhãn hàng đè lên phần cửa kính trên thân xe.
Hình thức quảng cáo trên đã gây ức chế, cản trở tầm nhìn của người ngồi trong xe bởi các ô cửa kính bị che kín, còn người đi đường đôi khi nhầm lẫn, không biết đó là phương tiện vận tải công cộng hay là xe riêng của các hãng sản xuất, phân phối hàng tiêu dùng.
Thực tế, quảng cáo trên xe buýt là một phương thức đem lại hiệu quả cao khi “di động” ngoài trời, dễ tiếp cận với số đông khách hàng và ít chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này lại gây bức xúc với hành khách đi xe vì họ đã chỉ trả một khoản tiền để mua vé và đáng được một chỗ ngồi sạch, thoáng tầm nhìn từ trên xe... Phần lớn những người ngồi trên xe buýt đều thấy bất tiện mỗi khi xe chuẩn bị đến điểm dừng vì tầm nhìn bị khuất, người xuống xe khó quan sát hai bên.
Nguyễn Quỳnh (sinh viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, khi đi xe tuyến số 32 (Giáp Bát - Nhổn), muốn xuống điểm dừng ở Bưu điện Cầu Giấy nhưng trước đó phải nhoài người lên ô cửa kính ít ỏi còn lại chưa bị dán quảng cáo để quan sát điểm dừng trước khi xuống xe. Giờ lên một số xe cứ như vào trong một cái hộp. Nhìn ra ngoài ô sáng, ô mờ vì decal quảng cáo. Có những giờ tan học, xe đông, xô đẩy đến ngộp thở, nên cảm giác ngại lên xe.
Việc quảng cáo trên thân xe buýt luật pháp không cấm, nhưng Khoản 2 Điều 32 Luật Quảng cáo năm 2012 có quy định: “Không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông. Sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông. Việc thể hiện biểu trưng, logo, biểu tượng của chủ phương tiện giao thông hoặc hãng xe trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông”.
Ngoài ra, luật còn quy định: “Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội” là một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo.
Thực tế, có không ít decal quảng cáo trên các thân xe buýt của Transerco bị bong tróc, biến dạng, lấm bùn đất nhưng vẫn di động theo xe khắp thành phố, gây mất mỹ quan đô thị.
Đáng nói, tình trạng quảng cáo vượt quá diện tích quy định thân xe đã từng diễn ra khá phổ biến cách đây 4 năm và cũng từng bị dư luận phản ứng. Sau đó, Transerco đã tiếp thu xử lý, nhưng gần đây lại tái diễn trên dàn xe của của Tổng công ty này.