Ứng xử sau va chạm giao thông: Đừng để “cả giận mất khôn”!

(PLO) - Va chạm giao thông là điều không ai muốn nhưng quan trọng là cách cư xử và xử lý tình huống của đôi bên như thế nào. Thực tế, với không ít vụ va chạm, lẽ ra người trong cuộc có thể xử lý một cách nhẹ nhàng thì sự việc lại bị đẩy lên tới mức đỉnh điểm chỉ vì phút nóng giận. Nâng cao ý thức, tránh “cả giận mất khôn” trong những trường hợp sau va chạm giao thông là hết sức cần thiết. 
Nhiều vụ án mạng đã xảy ra từ những ứng xử nóng giận sau va chạm giao thông.
Nhiều vụ án mạng đã xảy ra từ những ứng xử nóng giận sau va chạm giao thông.

Muôn hình vạn trạng kiểu ứng xử

Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra các vụ việc hành hung, cố ý gây thương tích xuất phát từ những vụ va chạm giao thông xảy ra trên đường phố. Khi xảy ra va quệt với phương tiện khác, nhiều người đã không ngần ngại sử dụng bạo lực để giải quyết. Sự mất kiềm chế này đã trực tiếp dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật. Vụ việc sử dụng hung khí đòi “xử” người va chạm ở thành phố Huế cách đây ít lâu là một ví dụ. 

Cụ thể, trưa 27/4, tại đoạn đường Bà Triệu, khu vực tiếp giáp với cầu Vỹ Dạ, thành phố Huế một chiếc xe ô tô mang BKS tỉnh Thừa Thiên - Huế đang lưu thông trên đường bất ngờ va quệt với xe máy. Vụ việc không gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng người điều khiển xe ô tô trong phút nóng giận đã lấy hung khí từ trong xe ra đòi “xử” các thanh niên đi xe máy. Đến khi thấy CSGT, người đàn ông trên lại có hành động vào trong xe ô tô đóng kín cửa “cố thủ” khiến giao thông tại đoạn đường trên bị ùn ứ, ách tắc. Chỉ đến khi lực lượng Cảnh sát cơ động được điều đến hiện trường để hỗ trợ thì vụ việc mới được xử lý. 

Trước đó, tháng 5/2017, Công an quận Cẩm Lệ, TP Ðà Nẵng cũng tiến hành bắt khẩn cấp đối tượng Ðinh Công Nguyên (SN 1991, trú phường An Khê, quận Thanh Khê, TP Ðà Nẵng) vì những hành động “cả giận mất khôn” khi va chạm giao thông. Trước đó, Ðinh Công Nguyên điều khiển xe máy lưu thông trên đường Trường Chinh (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Ðà Nẵng) đã va chạm với xe máy của anh Huỳnh Ðình Th. (SN 1980, trú phường Hòa An) đang chạy cùng chiều. Sau khi va chạm, hai bên xảy ra cãi vã, Ðinh Công Nguyên dùng dao bấm đâm nhiều nhát vào ngực anh Th. Thấy em mình bị hại, anh Huỳnh Ðình T. (SN 1975, anh ruột Th) đang điều khiển xe chạy từ phía sau, lao vào can ngăn, cũng bị Nguyên dùng dao đâm. 

Trái ngược với những vụ hung hăng, quá khích sau khi xảy ra va chạm, không ít vụ việc thay vì cãi chửi hay ẩu đả, người tham gia giao thông lại bắt tay nhau hòa giải. Câu chuyện của chị Vũ Thị Hồng (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm) là một ví dụ.

Nghe kể, vào khoảng tối muộn cách đây ít lâu, khi đi qua đường Võ Chí Công đoạn rẽ vào khu đô thị Ciputra, chị Hồng có va quệt với một chiếc xe Audi màu trắng. Lúc đó ô tô đang đi phía trước, lỗi là do chị Hồng đi quá nhanh nên không phanh kịp. Hậu quả là đã đâm tay lái vào cụm đèn hậu làm vỡ nát một phần đèn và làm xước phần rìa bên phải của chiếc ô tô.

Chị Hồng cho hay: “Đến bây giờ tôi vẫn còn cảm thấy thật may mắn vì gặp được người tốt. Khi va chạm xảy ra, anh chủ xe xuống đã hỏi ngay tôi có làm sao không rồi mới ngó nghiêng xem xe của anh ấy. Khi đó tôi liền bảo anh chủ xe cho xe tấp lùi vào lề đường rồi xin đền bù thiệt hại vừa gây ra. Vậy mà anh chủ xe chỉ cười nhẹ nhàng bảo không sao và còn hỏi han tôi rồi nói tôi cứ đi đi. Thật sự tôi cảm thấy rất bất ngờ trước cách xử lý nhã nhặn của anh chủ xe”.

Cần ứng xử văn minh

Khách quan nhìn nhận, việc sử dụng vũ lực để giải quyết sau va chạm giao thông là hành vi cần lên án. Thực tế cho thấy, đã có không ít những trường hợp mang thương tật không phải vì tai nạn mà do ẩu đả sau va chạm. Thậm chí, không ít đối tượng còn hủy hoại tài sản, lăng mạ người va chạm. Theo ông Nguyễn Ngọc Sinh, chuyên viên tư vấn luật, Công ty cổ phần Tư vấn ĐLS Việt Nam, tùy thuộc và diễn biến và các tình tiết, nhiều vụ va chạm giao thông tuy chưa đến mức truy cứu hình sự nhưng từ cách cư xử thiếu văn hoá đã biến họ gặp phải những rắc rối, liên quan đến pháp luật. Thậm chí nhiều trường hợp họ - những người “cả giận mất khôn” đang là bị hại nhưng vì quá nóng giận, hành xử theo kiểu côn đồ nên trở thành bị can, bị cáo.

“Có không ít vụ hậu va chạm giao thông, gây hấn và hủy hoại tài sản của nhau. Họ không biết rằng, nếu tài sản thiệt hại từ 2 triệu đồng thì có thể khởi tố hình sự về tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017). Và căn cứ vào việc xác định mức thiệt hại thực tế mà người phạm tội có thể bị nhận các mức hình phạt tương ứng” - ông Nguyễn Ngọc Sinh chia sẻ.

Theo chuyên gia xã hội học, PGS TS Trịnh Hòa Bình, ở các quốc gia phát triển, khi xảy ra những vụ va chạm giao thông, người ta thường đợi lực lượng chức năng đến giải quyết chứ không sa vào các cuộc cãi vã, có thể gây ảnh hưởng dẫn đến xung đột, mất trật tự xã hội. Nói cách khác, cần giữ thái độ bình tĩnh để xử lý vụ việc. Tuy nhiên, ở nước ta, thời điểm hiện tại, việc xô xát nên có sự vào cuộc của pháp luật. Luật phải đi trước một bước để có sự răn đe, điều chỉnh các hành vi vi phạm.

“Trước mắt, các cơ quan thực thi pháp luật cần phải xử phạt thật nghiêm minh các trường hợp vi phạm luật giao thông và cả các trường hợp vì va chạm, tai nạn giao thông mà hành hung người khác để răn đe các đối tượng có ý định vi phạm. Về lâu dài, cần hoàn thiện hệ thống văn bản, chính sách pháp luật cũng như tăng cường tính nghiêm minh trong công tác thực thi pháp luật” - PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh.

Đọc thêm