Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ thông qua gói dự luật chống độc quyền

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã thông qua năm dự luật chống độc quyền, ba trong số đó nhắm vào các công ty công nghệ lớn.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ mới đây đã thông qua gói dự luật cải cách sâu rộng chống độc quyền nhằm hạn chế quyền lực của các công ty công nghệ lớn.

Trong cuộc tranh luận kéo dài, bắt đầu vào giữa sáng ngày 23/6 và kéo dài đến sáng ngày 24/6, các thành viên Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã thông qua 6 dự luật nhằm vào các hoạt động kinh doanh của các hãng công nghệ khổng lồ của Mỹ như Google, Apple, Amazon và Facebook.

Dự luật thứ 6 nhằm chấm dứt khả năng độc quyền của các nền tảng công nghệ, được thông qua với số phiếu sít sao 21-20, hạn chế khả năng của các nền tảng công nghệ gia tăng ảnh hưởng khi kiểm soát cùng lúc nhiều lĩnh vực kinh doanh.

Chủ tịch Ủy ban tư pháp Mỹ Jerrold Nadler cho biết, các dự luật là cần thiết để bảo vệ một mạng internet mở, điều đó đã "mang lại những lợi ích to lớn cho người dân Mỹ và nền kinh tế của chúng ta".

Ông nói: "Một số ít các nền tảng trực tuyến đã trở thành người gác cổng cho phần lớn thị trường kỹ thuật số. Những nền tảng thống trị này có thể có động cơ và khả năng lạm dụng sức mạnh thị trường của họ để chọn người thắng và người thua trong số các công ty dựa vào nền tảng của họ để tiếp cận người dùng và khách hàng".

Nghị sĩ Pramila Jayapal cho biết dự luật sẽ góp phần giải quyết tình trạng bất công điển hình trong xung đột lợi ích khi một nền tảng sở hữu nhiều kênh kinh doanh và có quyền lực như "người gác cổng" để tạo lợi thế cho các dịch vụ của riêng mình hoặc gây bất lợi cho các đối thủ.

Trong khi đó, nghị sĩ đảng Cộng hòa Steve Chabot phản đối dự luật trên, cho rằng không nên can thiệp khi các doanh nghiệp chưa có hành vi phản cạnh tranh được xác định rõ ràng, nên để họ phát triển và tự thành công hoặc thất bại.

Theo kế hoạch, gói dự luật trên sẽ được đưa ra thảo luận tại phiên họp toàn thể Hạ viện Mỹ và giới phân tích nhận định các cuộc tranh luận chăc chắn sẽ gay gắt trong bối cảnh các đại diện của lĩnh vực công nghệ và các đồng minh đều phản đối mạnh mẽ.

Các công ty công nghệ lớn như Apple và Google đều cảnh báo về những hậu quả tiêu cực của gói dự luật đối với các dịch vụ phổ biến mà mọi người sử dụng. Sau khi qua Hạ viện, gói dự luật trên còn phải được Thượng viện chấp thuận và có chữ ký của Tổng thống Mỹ mới được triển khai.

Đọc thêm