Vạch trần thủ đoạn của đường dây mua bán hóa đơn 100 tỷ trái phép

(PLO) -Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC46, Công an Đà Nẵng) vừa thực hiện lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với bà Nguyễn Thị Phượng (SN 1960, ngụ phường Bình Thuận, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) về hành vi “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ, thu nộp ngân sách Nhà nước”. 
Đọc lệnh bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Thị Phượng và khám xét nhà, đồng thời phát hiện thêm nhiều hóa đơn của Công ty Quý Thịnh Phát
Đọc lệnh bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Thị Phượng và khám xét nhà, đồng thời phát hiện thêm nhiều hóa đơn của Công ty Quý Thịnh Phát

Phượng nằm trong đường dây mua bán hóa đơn “khống” có số tiền “khủng” được xác định lên đến hơn 100 tỷ đồng do Nguyễn Phương Toàn (1983, quê Cần Thơ, ngụ Tân Phú, TP.HCM) cầm đầu gây xôn xao dư luận những ngày qua…

Lập hàng loạt công ty “ảo”

Tháng 1/2013, Phượng thành lập Công ty TNHH Khoa Bình Minh, có địa chỉ đặt tại phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng, đăng ký với Sở Kế hoạch Đầu tư Đà Nẵng mua bán phụ tùng ô tô. Nhưng thực tế, nghề nghiệp chỉ là bức bình phong để  Phương mua bán hóa đơn trái phép cho các doanh nghiệp có nhu cầu. 

Theo kết quả điều tra, chỉ trong vòng 1 năm hoạt động, công ty Khoa Bình Minh ghi doanh số đến 10 tỷ đồng nhưng trên thực chất không có hoạt động kinh doanh nào. Phương tạm ngưng một thời gian. 

Đến đầu năm 2014,  Phượng cấu kết với Toàn thành lập thêm 2 Công ty Tâm Khang Nguyễn (đặt tại quận Sơn Trà) và Công ty Nguyên Gia Bảo (đặt tại quận Thanh Khê, Đà Nẵng), cũng hoạt động tương tự như công ty Khoa Bình Minh.

Đối tượng Nguyễn Phương Toàn
Đối tượng Nguyễn Phương Toàn 

Qua làm việc, Phượng khai nhận, 2 công ty Tâm Khang Nguyễn và Nguyên Gia Bảo sau khi đi vào hoạt động đến thời điểm bị bắt, đã xuất bán 745 tờ hóa đơn. Tuy nhiên, trong quá trình khám xét nhà Nguyễn Thị Phượng, lực lượng chức năng phát hiện thêm 10 cuốn hóa đơn GTGT (trong đó có 3 cuốn đã sử dụng) của Công ty TNHH 1 Thành viên Quý Thịnh Phát). 

Đáng nói, công ty Quý Thịnh Phát cũng tương tự, chỉ hoạt động một thời gian ngắn sau khi thành lập, rồi thông báo tạm dừng. Mỗi hóa đơn xuất ra, các công ty thu phí từ 5-7% trên giá trị hóa đơn. 

Về các thức lập các công ty “ma”, theo Toàn, đối tượng sử dụng nhiều CMND mua được ngoài thị trường rồi làm thủ tục uỷ quyền, chữ ký giả để hoàn thành các thủ tục yêu cầu. Sau đó, Toàn  giao các công ty này cho Phượng và Thu. 

Lợi dụng chính sách thông thoáng

Trong quá trình điều tra, người có tên trong CMND cho biết đã bị mất giấy tờ tùy thân và không có tham gia lập công ty. Cơ quan điều tra cũng tiến hành đối chiếu với một số chữ ký nhưng không thấy có sự giống nhau với các chữ ký đã đăng ký trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. 

Tại TP.Hồ Chí Minh, Toàn thành lập Công ty TNHH vận tải A.I.B, cũng chuyên xuất hóa đơn khống để hợp thức hóa đầu vào cho các công ty của Toàn và Phượng tại Đà Nẵng. 

Từ khi đi vào hoạt động cho đến lúc bị bắt, các công ty của Toàn không hề kinh doanh bất cứ lĩnh vực nào như đã đăng ký. Thay vào đó, dưới sự chỉ đạo của Toàn, 2 công ty này chuyên thực hiện hành vi in ấn, mua bán trái phép được xác định khoảng 1100 hóa đơn “khống”, với doanh số lên tới gần 100 tỷ đồng. 

Nguồn tin riêng của báo Câu chuyện Pháp luật còn cho thấy, doanh số mua bán hóa đơn “khống” vẫn chưa dừng lại ở con số đã nêu. Đặc biệt, những đơn vị tham gia mua hóa đơn đều có tên tuổi và đa phần hoạt động trong các lĩnh vực Nhà nước.

Tang vật
Tang vật

Liên quan đến vụ việc, theo PC46 Công an TP. Đà Nẵng, tính riêng từ năm 2015 đến nay, phòng đã khám phá hàng chục vụ mua bán hóa đơn trái phép với tổng số tiền lên đến gần 500 tỷ đồng.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Sơn, phó trưởng phòng PC 46 cho biết, thời gian gần đây việc “rộ” một số đối tượng lợi dụng lập công ty “ma” để trục lợi do thủ tục lập công ty khá đơn giản. Đơn cử như khi công ty đến lấy giấy phép kinh doanh chỉ cần được ủy quyền là có thể lấy được giấy phép một cách dễ dàng.

Bên cạnh đó, quản lý thuế cũng thông thoáng như: tự in hóa đơn và gần đây là doanh nghiệp không cần bảng kê khai chi tiết, cụ thể hàng tháng, hàng quý, mà chỉ kê tổng thể, khiến một số đối tượng lợi dụng phạm tội. Ngoài ra, công tác hậu kiểm của ngành thuế còn chậm nên việc phát hiện, phòng ngừa sai phạm rất hạn chế.

“Có cung ắt có cầu”, không ít người mua hóa đơn, các công ty, đơn vị mua hóa đơn ở các “dịch vụ” ở các công ty “ma” cũng có phần thuận lợi, hưởng lợi nên tiếp tay cho các công ty mua bán hóa đơn “đục nước béo cò”, thượng tá Sơn nói.

Trung tá Huỳnh Đức Tuấn, đội trưởng Đội 2 Phòng PC46 thông tin thêm, những vụ phát hiện công ty mua hóa đơn thời gian qua, hầu hết do công an phát hiện chứ đơn vị chức năng, ngành thuế chưa tiếp cận bởi còn thiếu một số biện pháp quản lý chặt chẽ. 

“Đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư khi cấp phép, cấp đổi, thay đổi chủ… phải có người đại diện pháp luật đến nhận và đối chiếu thật chặt chẽ, tránh một số trường hợp làm giả nhằm lợi dụng phạm tội. Trong quá trình quản lý thuế, đơn vị chuyên môn cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan chức năng để làm tốt công tác phòng ngừa, giám sát những đơn vị, doanh nghiệp đáng ngờ khi doanh số tăng đột biến, hóa đơn phát sinh doanh số lớn...”, trung tá Tuấn kiến nghị.

Đọc thêm