Tạo điều kiện để người khuyết tật được bình đẳng về các quyền
Nếu như trước đây, quyền của NKT chỉ được quan tâm ở mức độ bảo đảm cho họ có được mức sống tối thiểu và được chăm sóc về y tế, thì hiện nay, trong điều kiện kinh tế, xã hội phát triển hơn, việc chăm lo đến quyền của NKT chính là việc phải tạo điều kiện thuận lợi cho NKT được bình đẳng các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phát huy khả năng của mình để ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng và tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội.
Việc chăm sóc đến quyền lợi của NKT ngày nay có thể kể đến: quyền được tham gia giao thông của NKT, khả năng tiếp cận với các công trình công cộng của NKT thông qua việc xây dựng các phương tiện, công trình hỗ trợ cho họ, đặc biệt là tại trụ sở của các cơ quan nhà nước, các địa điểm vui chơi công cộng, nhà ga, sân bay, trạm chờ xe bus hay các điểm vệ sinh công cộng… Việc Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Công ước quốc tế về các quyền của người khuyết tật năm 2007 là một cơ sở pháp lý vững chắc để các nước tiến hành các chương trình, dự án liên quan đến việc tăng cường và củng cố quyền của NKT trên phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế.
Tại Việt Nam, theo thống kê, hiện có khoảng 7 triệu NKT, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó NKT nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 10% NKT thuộc hộ nghèo. Ở Việt Nam, NKT là một trong những nhóm đối tượng xã hội được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm trong quá trình phát triển. Hỗ trợ NKT khắc phục khó khăn, hòa nhập xã hội, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước là trách nhiệm pháp lý của Nhà nước, xã hội. Để tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ NKT, Nhà nước đã ban hành và từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật tạo hành lang pháp lý toàn diện thực hiện mục tiêu hỗ trợ NKT trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Hay nói cách khác, pháp luật nói chung, trong đó bao gồm pháp luật về bảo đảm quyền của NKT là phương tiện cụ thể hóa chủ trương, chính sách, quan điểm của Đảng về bảo đảm quyền con người, quyền của NKT.
Việt Nam đã ký kết Công ước về quyền của NKT năm 2007 (Công ước CRPD), qua đó cũng thể hiện được tinh thần, ý thức trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam đối với việc bảo đảm, thực thi quyền con người, quyền của NKT. Điều đó cũng phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với NKT. Luật NKT năm 2010 là văn bản quy phạm pháp luật quy định về lĩnh vực NKT của Việt Nam, trên tinh thần NKT luôn được xã hội chăm sóc và giúp đỡ, khẳng định mọi thành viên, bao gồm cả NKT đều được Nhà nước bảo đảm quyền công dân như nhau và đều được hưởng các thành quả chung của sự phát triển xã hội. Năm 2019, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trợ giúp NKT; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về NKT; đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động trợ giúp NKT; phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội đối với các tổ chức của NKT; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức của NKT…
Nâng cao vai trò của pháp luật trong bảo đảm quyền của người khuyết tật
Tuy nhiên, qua quá trình thực thi pháp luật, thực tiễn cho thấy, dưới góc độ pháp lý vẫn tồn tại một số vấn đề cần quan tâm liên quan đến quyền của NKT hiện nay như: khái niệm về khuyết tật chưa đầy đủ (theo luật hiện hành khái niệm NKT tiếp cận theo mô hình y tế và không bao gồm tất cả các dạng khuyết tật nên vẫn còn hẹp so với Công ước CRPD); chưa bảo đảm tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế và phục hồi chức năng cho NKT (các chính sách BHYT đối với NKT và danh mục các loại thiết bị hỗ trợ được BHYT chi trả hiện nay còn tương đối hạn chế); chính sách về quyền có việc làm, bảo đảm thu nhập cho NKT còn có điểm chưa hợp lý (thực tế cho thấy, tâm lý không muốn nhận NKT vào làm việc là tâm lý chung của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp); bảo đảm quyền về giáo dục của NKT còn một số thách thức (một số rào cản liên quan đến tiếp cận trường học, tiếp cận phương tiện học tập vẫn còn hiện diện, hệ thống các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập chưa có được nhiều nguồn lực từ Nhà nước và xã hội)…
Để hoàn thiện pháp luật vì quyền của NKT, trong thời gian tới cần nâng cao vai trò của pháp luật trong bảo đảm quyền của NKT. Đơn cử như: tiếp tục tập trung hoàn thiện và đồng bộ hơn nữa hệ thống pháp luật trong bảo đảm quyền của NKT trên cơ sở quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như tinh thần Công ước CRPD, việc xây dựng pháp luật phải được tiếp cận từ góc độ bảo đảm quyền của NKT trong tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; tiếp tục nghiên cứu một cách thấu đáo các quy định của Công ước CRPD để tiếp nhận, nội luật hoá một cách đầy đủ, toàn diện các quyền của NKT theo lộ trình thích hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước; nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật trong bảo đảm quyền của NKT, trong đó việc thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, nhất là những quy định về quyền của NKT cần phải trở thành thói quen ứng xử phổ biến trong tổ chức và hoạt động của cán bộ thực thi pháp luật.
Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý các hành vi xâm phạm quyền của NKT; tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và thực thi pháp luật, chính sách đối với NKT, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ kĩ thuật trong triển khai các giải pháp bảo đảm quyền của NKT, nhất là tại những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quyền con người, quyền của NKT nhằm nâng cao nhận thức xã hội về trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội trong bảo đảm quyền của NKT với vị trí là người được thụ hưởng quyền thay vì là được ban ơn, thương hại...
Ngày Quốc tế NKT (International Day of Persons with Disabilities) vào 3/12 hàng năm đã được công bố kể từ năm 1992 bằng Nghị quyết số 47/3 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, nhằm mục đích đảm bảo hạnh phúc của NKT trong mọi lĩnh vực của xã hội, đồng thời nâng cao nhận thức về tình trạng của NKT trong mọi khía cạnh của đời sống chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa. Trong suốt 32 năm qua, cộng đồng NKT đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Họ không chỉ vượt qua những rào cản về thể chất và tinh thần, mà còn đóng góp tích cực vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, văn hóa đến chính trị. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần chúng ta chung tay giải quyết, như việc nâng cao vai trò của pháp luật trong bảo đảm quyền của NKT.
Người khuyết tật và vấn đề tham gia hòa nhập xã hội
Một yếu tố quan trọng trong sự tham gia xã hội là mức độ phân biệt đối xử của xã hội mà NKT phải đối mặt. Có 42,7% người được hỏi tin rằng trẻ khuyết tật nên đi học cùng các trẻ em khác, trong khi 24,0% quan điểm cho rằng trẻ khuyết tật nên học trường chuyên biệt. Tỷ lệ người trả lời trẻ em khuyết tật nên đi học ở trường bình thường thay đổi tùy thuộc vào các đặc điểm của người trả lời. Trên 46% những người dưới 30 tuổi tin rằng trẻ khuyết tật nên đi học trường bình thường, so với 38,5% những người trên 60 tuổi.
Về quan điểm của người sử dụng lao động, có khoảng 55% số người được hỏi cho rằng người sử dụng lao động của họ sẽ không thuê những NKT. Tỷ lệ này không khác nhiều theo đặc điểm cá nhân nhưng thay đổi theo vùng. Vùng Đồng bằng sông Hồng có trên 60% người được hỏi cho rằng người sử dụng lao động của họ không thuê NKT, so với 45,5% tại Đồng bằng sông Cửu Long có cùng quan điểm này.
Về việc liệu những NKT có nên kết hôn hay không, đa phần người trả lời đều đưa ra câu trả lời là phụ thuộc từng hoàn cảnh. Dưới 10% câu trả lời cho thấy NKT không nên kết hôn.
Về quan điểm NKT nên sống trong cơ sở bảo trợ hay sống chung ở cộng đồng, có trên 45% người trả lời theo hướng NKT nên sống ở cơ sở bảo trợ. Một chỉ tiêu quan trọng khác về thái độ đối với trẻ em khuyết tật là liệu trẻ em trai và trẻ em gái có quyền tiếp cận như nhau đến đồ chơi, sách, truyện tranh không, mà điều này là rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Hầu như không có sự khác biệt giữa trẻ em khuyết tật và trẻ em không khuyết tật có sách, truyện tranh và đồ chơi. Tuy nhiên, lại có sự khác biệt theo khu vực sống. Chỉ có 27,4% trẻ em khuyết tật sống ở vùng nông thôn được tiếp cận với đồ chơi, sách và truyện tranh so với 46,6% trẻ em khuyết tật sống ở khu vực thành thị.
(Lược trích ấn phẩm Việt Nam điều tra quốc gia người khuyết tật 2016, Nhà Xuất bản Thống kê)