PV: Thưa ông, nhân Ngày Quyền của NTD thế giới năm 2016, Vinasta phát động chủ đề Ngày Quyền NTD Việt Nam năm 2016, với chủ đề “An toàn vệ sinh thực phẩm”, ông có thể chia sẻ lý do lại chọn chủ đề này?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Bà Amanda Long, Tổng giám đốc CI gửi thông báo cho các thành viên CI về chủ đề Ngày Quyền của NTD thế giới năm 2016 l: “Kháng kháng sinh” (ABR). Tiếp theo CI đưa ra mục tiêu cụ thể “Loại bỏ kháng sinh khỏi món ăn”, nhằm mục đích nâng cao nhận thức của NTD và yêu cầu các công ty thức ăn nhanh McDonald, Subway và KFC có cam kết toàn cầu dừng phân phối thịt từ động vật thường xuyên có chứa thuốc kháng sinh. Tình trạng lạm dụng kháng sinh dẫn đến các vi sinh vật thích nghi với thuốc kháng sinh gây bất lợi cho sức khỏe con người. Mục đích cuối cùng cũng là nhằm bảo đảm quyền được an toàn của NTD trong lĩnh vực thực phẩm.
Tại Việt Nam, ngày 10/7/2015 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1035/QĐ-TTg, lấy ngày 15/3 hàng năm là Ngày Quyền của NTD Việt Nam. Đây là một sự kiện quan trọng mà NTD hy vọng công tác bảo vệ quyền lợi NTD ở nước ta được tăng cường hơn.
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/9/2015 Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch tổ chức Ngày Quyền của NTD Việt Nam và đưa ra chủ đề Ngày Quyền của NTD Việt Nam năm 2016: “Quyền được an toàn của NTD”.Để hưởng ứng chủ đề Ngày Quyền của NTD Việt Nam và chủ đề Ngày Quyền của NTD thế giới, Vinasta đưa ra chủ đề “An toàn vệ sinh thực phẩm”.
PV: Hiện nay vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đang ở mức báo động, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Vệ sinh ATTP là vấn đề rất “nhức nhối” hiện nay, không chỉ làm cho NTD hoang mang, lo lắng mà ngay cả Quốc hội, Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm. Vì vậy tôi cho rằng đã đến mức báo động.
PV: Ông có đánh giá vệ sinh ATTP có phải vấn đề xã hội bức xúc cần được giải quyết?
Cuộc sống như đang thách thức chúng ta, từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông và nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên vệ sinh ATTP là vấn đề phải đối mặt hàng ngày, gây bức xúc xã hội, do những hậu quả trước mắt nó gây ra cho sức khỏe con người cũng như hậu quả lâu dài nó gây ra cho giống nòi. Ở góc độ tổ chức xã hội bảo vệ NTD tôi cho rằng đây là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài cần được tập trung giải quyết.
PV: Thưa ông, thực trạng và giải pháp vệ sinh an ATTP toàn thực phẩm hiện ra sao?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Tại diễn đàn Quốc hội đã “nóng lên”, cho thấy thực trạng vệ sinh ATTP ở nước ta đã đến mức nào. Mặc dù Nhà nước đã ban hành hệ thống pháp luật khá đầy đủ, lực lượng chức năng đã tăng cường thanh kiểm tra, hàng năm phát hiện, xử lý, ngăn chặn hàng trăm ngàn cơ sở vi phạm, trong đó có những vụ lớn, góp phần giảm thiệt hại cho NTD. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra cho thấy thực trạng vệ sinh an ATTP vẫn đáng lo ngại.
Theo tổng hợp số liệu từ cơ quan chức năng và báo chí, từ 2010 – 2015 cả nước xảy ra 1.030 vụ ngộ độc thực phẩm, 27.487 người mắc, 207 người tử vong. Năm 2015 so với năm 2014 giảm 22 vụ, giảm 237 người mắc và giảm 19 người tử vong. Ngộ độc tập thể tại các bếp ăn trong khu công nghiệp cũng rất đáng quan tâm, có vụ lên tới 400 – 600 người. Những vấn đề như sữa nhiễm melamine, thịt siêu nạc chứa hóa chất độc hại beta-agonist, bún, bánh phở có chất làm sáng quang học tinopal, tồn dư hóa chất trên một số loại rau củ, quả đã được Vinasta khảo sát phát hiện. Chỉ riêng thông tin chỗ này, chỗ kia người dân thành thị phải tận dụng sân thượng trồng rau sạch, phải tìm nguồn thực phẩm an toàn từ gia đình ở quê, cho thấy lòng tin của nhiều NTD vào hệ thống cung ứng không còn như trước. Điều đó cũng dễ hiểu, khi ngay cả cơ sở sản xuất rau an toàn cũng gian lận, siêu thị cũng nhiều vụ tai tiếng.
Thực phẩm từ “Từ trang trại đến bàn ăn” có an toàn hay không phụ thuộc vào tất cả các công đoạn, từ sản xuất, chế biến, lưu thông, phân phối và ngay cả khâu cuối cùng là sử dụng. Không phải nhà sản xuất, kinh doanh nào cũng thiếu trách nhiệm, nhưng cũng không ít người sản xuất, kinh doanh chỉ vì hám lợi mà thiếu lương tâm nghề nghiệp, thậm chí vô lương tâm khi sử dụng những hóa chất độc hại có khả năng gây bệnh hiểm nghèo, thậm chí chết người. Điều này báo chí đã phản ánh rất nhiều.
Chính vì vậy cần những giải pháp đồng bộ kịp thời để giảm thiểu những hậu quả gây ra cho sức khỏe con người do vi phạm những quy định về vệ sinh an ATTP dưới nhiều hình thức ngày càng tinh vi. Về hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực ATTP về cơ bản đã khá đầy đủ. Vấn đề là việc thực hiện và vào cuộc của cơ quan quản lý, cơ quan thực thi, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tổ chức chính trị, xã hội và NTD. Có như vậy mới hy vọng vấn đề vệ sinh ATTP từng bước được cải thiện, đem lại sự an toàn cũng như chất lượng cuộc sống cho NTD. Đó cũng là thông điệp mà Vianasta muốn gửi đi khi chọn chủ đề “An toàn thực phẩm” năm nay.
Xin cảm ơn ông!