“Công lớn” thuộc về người làm sách?
Khoảng hai năm trở về trước, rất nhiều người hữu tâm đã lo lắng cho sự mất dần của văn hóa trước sự phát triển ồ ạt của các sản phẩm công nghệ số. Rất nhiều bạn trẻ đã chọn cách đọc lượt, đọc nhanh trên internet thay vì mua sách đọc. Tiểu thuyết, tác phẩm văn học, sách dạy làm người… dần được thay thế bằng các thông tin hấp dẫn hơn trên internet.
Tuy nhiên, trong vòng hai năm trở lại đây, thị trường sách đã có những chuyển biến đáng kể. Nếu như thời gian trước, với sự tấn công ồ ạt của công nghệ, nhiều nhà kinh doanh sách điện tử đã hào hứng dự báo trước sự phát triển mạnh mẽ của thị trường này tại Việt Nam thì nay, họ đã sớm thất vọng vì dấu hiệu chững lại của loại hình này. Thay vào đó, dù được dự báo sẽ bị thay thế dần, nhưng thời gian gần đây, sách in truyền thống có dấu hiệu hồi phục. Tại một hội thảo về sách tại đường sách Nguyễn Văn Bình, TP HCM mới đây, ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, việc xuất bản sách giấy ở Việt Nam đang có những tín hiệu lạc quan. Trong 6 tháng đầu năm 2016, ghi nhận từ hai hệ thống phát hành lớn nhất nước cho thấy sách giấy bán ra tăng hơn 20%. Về số lượng bản sách in thì năm ngoái (2015) tăng 11% so với năm 2014 trước đó.
Điều này có được phần lớn nhờ sự phát triển mạnh mẽ của phát hành tư nhân. Chính việc liên kết xuất bản giữa các nhà xuất bản và đơn vị phát hành tư nhân đã giúp tạo ra sự “phân công” hợp lý trong ngành xuất bản, từ đó phát huy thế mạnh của từng đơn vị, đem những đầu sách hay, đẹp đến với độc giả. Đặc biệt, hoạt động tích cực với tư duy trẻ trung của các nhà phát hành tư nhân trong vài năm trở lại đây đã đem lại làn gió mới cho ngành xuất bản. Điều này cũng thay đổi cái nhìn của độc giả đối với sách. Bên cạnh những nhà phát hành đã khẳng định tên tuổi của mình như Nhã Nam, Phương Nam, Fahasa, First News Trí Việt… thị trường sách mới đây đã xuất hiện thêm những gương mặt mới với nhiều hoạt động đầy tích cực: An Book, Sài Gòn Book… Nhiều đơn vị làm sách tư nhân đã liên tục có những quyển sách “best seller”, nhờ tư duy đề tài nhạy bén, năng động trong việc tìm kiếm nguồn sách, mua tác quyền, săn dịch giả giỏi…
Cần có thêm những hoạt động thu hút
Một ví dụ, quyển sách về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn đã từng được một nhà xuất bản đưa ra thị trường, nhưng số lượng bán ra không là bao. Đến khi First News tiến hành mua bản quyền và biến nó thành quyển sách “Điệp viên hoàn hảo X6” với hình thức hoàn toàn mới cùng với những hoạt động tương tác với tác giả Larry Berman và nhiều hoạt động khác đã biến quyển sách thành một trong những tác phẩm bán chạy nhất năm. Khi Trần Tiến ra mắt quyển hồi kí “Ngẫu hứng”, nhà phát hành quyển sách này đã đồng thời tổ chức những buổi du ca rộn ràng của ông ở nhiều miền. Chính nhờ vậy, quyển sách của Trần Tiến được độc giả hâm mộ nhạc ông thi nhau mua...
Mới đây nhất, Nguyễn Phong Việt đã ra mắt tập thơ thứ 5 “Về đâu những vết thương”. Cũng như 4 tập thơ trước, “Về đâu những vết thương” thu hút sự quan tâm của độc giả trẻ, đơn vị phát hành tập thơ, Sài Gòn Book cũng hy vọng sẽ tạo nên được “hiện tượng thơ” như các quyển trước. Không thể phủ nhận vai trò của nhà phát hành trong việc thổi bùng yêu thích của độc giả trẻ đối với tập thơ – điều trước đây tưởng chừng “bất khả thi” trong trường hợp này.
Các buổi ra mắt sách giờ đây đều được tổ chức với nhiều hình thức độc đáo: giao lưu với tác giả, tương tác với nhân vật, thậm chí có biểu diễn nghệ thuật, trò chơi có thưởng... Càng về sau, các hoạt động tương tác với độc giả ngày càng phong phú, hấp dẫn hơn với nhiều hình thức mới lạ. Ở thời đại mà thị trường sách có sự cạnh tranh mạnh mẽ trong nội bộ những người trong ngành và với những thiết bị công nghệ - thông tin, thì sự tự chuyển mình, sáng tạo ra những cách thức phát hành độc đáo, hợp thời là không thể thiếu.
Năm 2015, sự ra đời của đường sách Nguyễn Văn Bình đã góp thêm một nét văn hóa độc đáo, thanh lịch cho người dân thành phố. Từ đó, nhiều hoạt động liên quan đến sách, các triển lãm, ra mắt sách, hội thảo, tọa đàm, biểu diễn, khuyến mãi… đã diễn ra, thu hút nhiều người trẻ và du khách đến tham quan, thưởng lãm…
Thiết nghĩ, ở một môi trường năng động như TPHCM, việc các nhà làm sách đã tự điều tiết thị trường, kết hợp với nét đẹp văn hóa sẵn có của thành phố đã góp phần vực dậy văn hóa đọc ở TPHCM. Mong rằng, sẽ còn nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, mới mẻ hơn để văn hóa đọc tiếp tục phát triển mạnh mẽ, để người Sài Gòn vẫn giữ được thói quen đọc sách bền bỉ, để sách tiếp tục mở ra những cánh cửa tâm hồn, đem lại sự hướng thiện, nhân văn và yêu thương.