Sự việc trên cho thấy trước một tin đồn, hiện tượng nào đó xuất hiện thì báo chí chính thống cần vào cuộc ngay và làm sáng tỏ sự việc. Điều này có lợi hơn rất nhiều so với thái độ im lặng, mặc kệ tin đồn dù nó có nhảm nhí, khó tin làm hoang mang cộng đồng. Thứ nữa, đây cũng là sự thể hiện thái độ thành tâm, phục thiện của những ai đã nhẹ dạ, trót tin vào những sự xuyên tạc, bóp méo hoặc thổi phồng sự thật nhằm mục đích xấu của một số người. Và, đây cũng chính là bài học bổ ích khi tiếp cận thông tin trên mạng.
Việc này cũng là một kinh nghiệm quý báu giúp cho cái đầu tỉnh táo, biết phân biệt đúng sai, đặc biệt là cẩn trọng mỗi khi bấm phím bình luận về một vấn đề gì đó mà ta không chắc về độ xác thực của nó.
Nhân chuyện này, thiết nghĩ cần có những biện pháp tích cực ngăn chặn và cả chế tài nữa đối với những kẻ “dựng chuyện”. Ví dụ, người ta cắt ghép bài báo, hình ảnh rồi tung tin với các địa chỉ cụ thể như “sau khi tiêm vắc-xin 74 trẻ em ở... nhập viện, theo con số chưa chính xác thì hơn 30 trường hợp đã tử vong”, hoặc, “uống C2, Rồng Đỏ ở cổng trường, 12 học sinh tại... nhập viện”,... những chuyện dựng đứng như thế này cũng khiến nhiều người tin và gây hoang mang xã hội rất lớn.
Không thể phủ nhận tiện ích của mạng xã hội khi phát hiện hoặc thông tin ở mọi nơi, mọi lúc và cũng là một căn cứ để báo chí vào cuộc tìm hiểu, không ít bài báo đã được bắt đầu bằng sự phát hiện từ mạng xã hội. Tuy nhiên, trắng đen lẫn lộn, phải trái không minh có rất nhiều trong mạng xã hội, thiếu tỉnh táo là bị mắc lừa, bị lỡm như trường hợp của đoàn xe trên đây.
Chúng ta thường nói về “văn hóa đọc”. Điều đó không chỉ là thói quen đọc sách báo mà sự văn hóa đó thể hiện ở thái độ tiếp thu những thứ mà mình đã đọc và sự chuyển hóa tri thức đó vào bản thân mình. Vì vậy, sự thóa mạ, công kích, dè bỉu sẽ không thể hiện ra ngoài bằng lời nói, từ ngữ, câu chữ những người đọc có văn hóa.