Thói quen đọc sách của người làng đã ăn sâu vào tiềm thức của họ. Và chính nơi này đã trở thành một trung tâm văn hóa, chứa đựng biết bao điều thú vị cho người dân, nó vừa là nơi khơi nguồn trí tuệ, vừa là nơi giải trí lý tưởng.
Lạ với những đầu sách quý ở thư viện làng
Ông Lương Văn Tăng (76 tuổi), từng là nhà giáo, nhà báo, chiến sĩ, hiện là Chủ nhiệm thư viện sách nhà Văn hóa thôn Bình Vọng cho biết: “Năm 1998, Hội Người cao tuổi thôn Bình Vọng có nhận được sự chỉ đạo của Hội Người cao tuổi cấp Trung ương về việc tổ chức nhiều hoạt động để nâng cao đời sống tinh thần cho người dân trong thôn, trong đó có thành lập thư viện. Từ ý tưởng này, chúng tôi đã nghĩ ngay đến việc thành lập một thư viện sách”.
Việc làm này đã nhận được sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình của người dân. Không lâu sau, một gian trong đình làng đã trở thành phòng đọc sách. Ngay tháng đầu tiên, tủ sách đã có hơn 500 cuốn sách do người dân mang tới, trong đó có cả những cuốn đã long bìa, rách nát… Mọi người đã tập hợp lại và chọn lọc những cuốn sách hợp lý, đồng thời đọc trên loa truyền thanh của thôn tên những gia đình ủng hộ sách để động viên, khích lệ họ.
Theo lời kể của ông Tăng, thư viện Bình Vọng đã phát triển đến nay được hơn 17 năm. Ban đầu, đây mới chỉ là tủ sách phục vụ đời sống tinh thần của riêng các cụ cao tuổi trong thôn. Sau đó, nhận thấy nhu cầu đọc sách, tìm hiểu thông tin của mọi người trong thôn là rất lớn, Hội Người cao tuổi Bình Vọng đã kêu gọi mọi người góp sách và phát triển thành thư viện của toàn thôn.
Ông Tăng cho biết thêm: “Tính đến nay, thư viện Bình Vọng đã có hơn 10.000 đầu sách. Trong đó, có nhiều đầu sách quý, chưa kể các đầu báo, tạp chí. Để có thêm vốn sách, chúng tôi làm đơn gửi lên UBND xã đề nghị gửi thư cho tất cả bà con sống tại địa phương, những người địa phương sống tại thành phố và đi làm ăn xa để mọi người biết đến và tham gia hoạt động quyên sách, xây dựng nên thư viện”.
Ban Chủ nhiệm Thư viện cũng có nhiều dự án gửi thư cho người địa phương sống tại nước ngoài. Và mỗi một năm, hội bà con xa xứ đầu tư sách gửi cho thư viện Bình Vọng, theo ước tính của vị Trưởng ban Chủ nhiệm thư viện này thì “số sách hàng năm nhận được nếu quy về tiền là khoảng hơn 20 triệu/ năm”. Ba năm trở lại đây, cái “bồ tri thức” Bình Vọng ngày một “to ra” với số lượng sách có giá trị lên đến hàng trăm triệu và chất lượng sách được nâng lên.
Sau gần 20 năm hoạt động, một tủ sách nhỏ trong đình đã trở thành thư viện rộng hơn 50m2 đặt tại tầng 1 của nhà văn hóa. Thư viện gồm hai phòng khá rộng rãi và thoáng mát nằm ở tầng 1 nhà văn hóa. Phòng quản lý sách kê một chiếc máy vi tính để tra cứu đầu sách, chia thành các lĩnh vực sách thiếu nhi, truyện tranh, sách văn học - nghệ thuật, sách khoa học - kỹ thuật, sách chính trị - xã hội… được xếp gọn gàng, ngay ngắn trên các giá sách. Phòng đọc có một bàn dài phục vụ người dân ngồi đọc báo, tạp chí.
Nói về điều tự hào nhất của ông Tăng về thư viện do chính mình làm Chủ nhiệm, ông chia sẻ: “Điều tôi tâm đắc nhất là 2 thư mục có chuyên đề: Chủ tịch Hồ Chí Minh và “Người Bình Vọng viết về làng Bình Vọng”. Đây là những tài liệu đáng quý, thể hiện lòng tự hào, tình yêu quê hương, đất nước của người dân chúng tôi. Chưa kể có nhiều cuốn sách về lịch sử mà cũng chỉ có riêng thư viện của chúng tôi mới có”. Điều đặc biệt, đây là thư viện thôn đầu tiên có báo mới phục vụ nhu cầu thông tin của bà con mỗi ngày.
Bảng nội quy thư viện thôn Bình Vọng |
Những người nhiệt huyết với thư viện làng
Mặc dù đây mới chỉ là thư viện cấp cơ sở nhưng thư viện Bình Vọng lại hoạt động khá chuyên nghiệp. Trong phòng sách, các giá, tủ đựng sách được sắp xếp rất khoa học, dễ nhìn, được ghi chú cẩn thận từng lĩnh vực, giúp người dân tiện tra cứu, tìm sách.
Theo ông Lương Văn Tăng, để duy trì hoạt động của thư viện không thể không nói tới vai trò của đội ngũ cộng tác viên gồm 115 người là các thành viên trong Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học… Trong đó có 15 thành viên nòng cốt, đó là các nhà giáo về hưu, có chút kiến thức thì là nghiệp vụ thư viện, quản lý 7 đội trực thư viện liên tục 7 ngày trong tuần.
“Có nhiều người đã cộng tác rất lâu với thư viện như ông Lưu Kim Thiện, bà Dương Thị Lộ. Họ đều là những người có nhiệt huyết và trách nhiệm. Bên cạnh đó, hiện nay chúng tôi cũng có một số cộng tác viên là người trẻ tuổi”- Chủ nhiệm chia sẻ.
Để tiện cho việc trao đổi thông tin rộng rãi, người dân nơi đây đã mang sách đến thư viện để mọi người dùng chung. Số sách do người dân mang đến càng nhiều và đây thật sự là một nét văn hóa đẹp.
Chỉ tay về phía những giá sách chứa đựng những hàng sách được xếp ngay ngắn, ông Tăng tự hào: “Ngay đến những giá sách này cũng là bà con trong thôn bảo nhau quyên góp. Để khích lệ mọi người, chúng tôi có đề tên những người có công đóng góp lên đầu mỗi kệ sách. Hiện nay, thư viện thôn Bình Vọng đã có hơn 10 giá sách to nhỏ, từ giá gỗ đến các tủ kính để chứa đựng hơn 10 vạn đầu sách”.
Nâng cao văn hóa đọc của người dân
Thư viện làng đã trở thành nơi gặp gỡ giao lưu của người dân và là một kho báu vô giá, là tủ tri thức cho các cháu, các em học sinh trong làng, xã đến tra cứu, tìm hiểu thông tin. Đây là kho tàng tri thức cũng như là nơi giải trí cho các em học sinh, vì nơi đây đến 40% sách báo là dành cho các em.
“Trung bình mỗi tháng có gần 1.000 người đến thư viện đọc, mượn sách, trong đó 40% là người cao tuổi, 50% là thanh, thiếu niên. Đã có gần 700 đầu thẻ đọc sách được cấp. Hai ngày thứ năm và chủ nhật trong tuần thì bà con đặc biệt là các em học sinh có thể đến đây mượn sách mà không hề mất một đồng phí”- Chủ nhiệm thư viện cho biết.
Từ lâu, thư viện thôn Bình Vọng đã trở thành báu vật của làng quê thanh bình này. Đọc sách đã trở thành thói quen đối với người dân trong thôn. Có người đi làm đồng về, dựa cái cuốc nghỉ ngơi là cầm luôn một tờ báo đọc để lấy thêm thông tin, có người bán hàng tranh thủ đi sớm để vào đọc sách hoặc tra những thông tin về cách chữa bệnh, hay nấu ăn hoặc nhiều thông tin quý báu khác, rồi cùng nhau chia sẻ cho nhau những tri thức quý giá mà mình vừa khám phá được. Có thể nói, thư viện thôn Bình Vọng còn là nơi gắn kết tình cảm thôn quê.
Nâng niu một quyển sách quý trong tay, bà Nguyễn Thị Nhung (60 tuổi), một bạn đọc thường xuyên trong thôn cho hay, chiều nào bà cũng tới thư viện đọc sách. “Đây chính là bồ tri thức của làng chúng tôi. Từ ngày có thư viện, xóm làng yêu đọc sách, người dân nâng cao kiến thức, trẻ em ham học hơn, tỷ lệ đỗ vào các trường đại học cao hơn. Xã hội hoá, hiện đại hoá đất nước về mặt kinh tế, đồng thời cũng phải nâng cao trình độ văn hoá, tư tưởng cho người dân. Có như vậy, đất nước mới phát triển bền vững được”, bà chia sẻ.