Văn hóa & Pháp luật

Văn hóa số giúp môi trường số phát triển lành mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Văn hóa trong xã hội thực hình thành qua hàng trăm năm, hàng nghìn năm. Còn xã hội số mới chỉ đang hình thành trong vài chục năm trở lại đây. Vì vậy, văn hóa số cũng mới chỉ đang hình thành và rất cần được quan tâm, bồi đắp để khẳng định tầm quan trọng trong sự phát triển môi trường số của thời đại 4.0.
Trong thời đại của cách mạng công nghệ 4.0, khi con người ngày càng phụ thuộc vào Internet thì việc xây dựng văn hóa số là vô cùng cần thiết.
Trong thời đại của cách mạng công nghệ 4.0, khi con người ngày càng phụ thuộc vào Internet thì việc xây dựng văn hóa số là vô cùng cần thiết.

Môi trường văn hóa số góp phần định vị giá trị Việt Nam

Báo cáo Digital 2022 ghi nhận tính đến tháng 2/2022, có 72,10 triệu người Việt Nam dùng internet, tương ứng với tỷ lệ thâm nhập là 73,2% dân số. Với số lượng người dùng internet tăng trưởng nhanh chóng, không gian mạng đang tạo ra một xã hội ảo tồn tại song song với xã hội thực. Rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ - đối tượng có thể hấp thụ nhanh chóng về công nghệ, mong muốn được tham gia và sử dụng internet hàng ngày để không bị lạc hậu so với xã hội.

Trong bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện trong thời gian tới, trong đó nội dung “xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

“Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh...” .

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021

Theo Cẩm nang Chuyển đổi số - Bộ Thông tin & Truyền thông, văn hóa trong xã hội thực hình thành qua hàng trăm năm, hàng nghìn năm. Còn xã hội số mới chỉ đang hình thành trong vài chục năm trở lại đây. Vì vậy, văn hóa số cũng mới chỉ đang hình thành, đó là các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của con người trong môi trường số.

Từ những thông tin trên, có thể thấy, với đặc tính truyền tải nhanh và số lượng người dùng internet đông đảo như vậy, nếu biết tận dụng cơ hội, chúng ta có thể nhanh chóng truyền tải những giá trị tư tưởng, văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, theo đúng định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước đến đông đảo quần chúng nhân dân.

Với mục đích là tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam, ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định số 874/QĐ-BTTTT về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.

Một năm sau khi được ban hành, Bộ Quy tắc ứng xử đã bắt đầu được các cơ quan, tổ chức lấy làm cơ sở để triển khai thực hiện và phổ biến nội dung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và đặc thù của cơ quan, tổ chức mình.

Trong hai năm xảy ra đại dịch COVID-19, công chúng được chứng kiến sự ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đã diễn ra nhanh hơn. Đó là sự ra đời của những mô hình “Nhà hát cách ly”, “Dàn giao hưởng tại nhà”; có cơ hội trải nghiệm bảo tàng kỹ thuật số; thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật trực tuyến; tham gia các sàn giao dịch sách trên mạng, đọc sách online; hoặc ngồi tại nhà vẫn có thể tìm kiếm tài liệu trên các thư viện số… Nhờ ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào các hoạt động của mình, không ít đơn vị, cá nhân đã triển khai nhiều chương trình, dự án văn hóa tạo được tiếng vang.

Có thể nói, với môi trường văn hóa số nếu biết khai thác lợi thế có thể giúp lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc vượt ra ngoài giới hạn thời gian, không gian. Bởi vậy, xây dựng văn hóa số nói chung và văn hóa số trong lĩnh vực văn hóa nói riêng là điều chúng ta cần sớm triển khai một cách đồng bộ, có chiến lược lâu dài, góp phần định vị và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Đối mặt với thách thức để xây dựng văn hóa số lành mạnh

Trong thời đại kỷ nguyên số, vấn đề xây dựng và bảo vệ được nền văn hóa tiên tiến, mang bản sắc riêng biệt của dân tộc đang đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đang phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức khó giải quyết, như lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, cạnh tranh quốc tế và cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng cũng sẽ diễn ra quyết liệt, phức tạp hơn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, xã hội số, văn hóa số... vừa đem lại những cơ hội, vừa tạo ra thách thức mới trong việc xây dựng và phát triển văn hóa”.

Việc ra đời Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội sẽ góp phầnđẩy lùi những thông tin xấu , độc, giáo dục nhân cách con người.

Việc ra đời Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội sẽ góp phầnđẩy lùi những thông tin xấu , độc, giáo dục nhân cách con người.

Trong bài viết “Giải pháp bảo vệ an ninh tư tưởng – văn hóa trong kỷ nguyên số”, PGS.TS Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ rõ cùng với những cơ hội mà kỷ nguyên số tạo ra, công tác bảo vệ an ninh tư tưởng - văn hóa hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức cơ bản như: các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị triệt để sử dụng thành tựu về khoa học, công nghệ để gia tăng các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, nội dung chống phá trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại..., trong đó, chúng coi phá hoại về nền tảng tư tưởng - văn hóa là mặt trận quan trọng; nhiều nội dung chương trình, phim ảnh của các dịch vụ OTT (là những dịch vụ gia tăng trên nền mạng Internet - PV) nước ngoài tràn vào Việt Nam có những nội dung phản cảm vi phạm quy định pháp luật, đạo đức, văn hóa, thuần phong, mỹ tục Việt Nam…

Có thể khẳng định rằng, việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành là rất kịp thời, cần thiết, mang ý nghĩa tích cực, hướng tới chuẩn mực chung, tôn trọng pháp luật, nhằm tạo lập “bộ áo giáp” để mọi người dùng mạng xã hội nâng cao trách nhiệm đồng thời có thể tránh được những cạm bẫy, hay sự vi phạm pháp luật. Bộ Quy tắc không mang tính chất bắt buộc hay có chức năng xử phạt, tuy nhiên nó khuyến khích mọi người hành xử đúng trên mạng, có ý thức thay đổi, điều chỉnh hành vi, đạo đức khi tham gia “thế giới ảo” để góp phần xây dựng hoàn thiện môi trường mạng an toàn, lành mạnh.

Thực tế, đã có nhiều quy định pháp luật để quản lý môi trường mạng, nhất là Luật An ninh mạng (ban hành ngày 12/6/2018, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019), nhưng chỉ có biện pháp chế tài đủ mạnh xử lý nghiêm minh, kịp thời, đủ sức răn đe mới có thể ngăn chặn những sai phạm, nhất là những người liên tục tái phạm. Điều ấy giúp mỗi người dân khi giao tiếp, hành động trên “mạng ảo” có thể nhận rõ trách nhiệm, quyền lợi, giới hạn của mình để thực hiện đúng, tốt những quy định mà pháp luật đề ra. Lẽ tất nhiên, một khi thực tế “đi trước”, phát sinh những điều mà pháp luật chưa điều chỉnh kịp thời thì việc bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, những quy định “mềm” để quản lý chặt chẽ, tạo điều kiện tốt cho sự phát triển lành mạnh, bền vững là điều cần nhận diện, sớm triển khai.

Như quan điểm của TS. Nguyễn Tri Thức – TS. Trần Văn Thư, Tạp chí Cộng sản - Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong bài viết “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội: “Thể chế mềm” bảo đảm quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh phù hợp chuẩn mực đạo đức, pháp luật và thông lệ quốc tế”: “Có như thế, quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm, thái độ của mỗi công dân đã được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam quy định mới không quá đà dẫn đến lộng ngôn, loạn ngôn, vi phạm pháp luật, gây tác động tiêu cực đến an ninh xã hội, thuần phong mỹ tục, đến sự phát triển lành mạnh của đất nước. Có như thế, những người sử dụng mạng xã hội, nhất là những người có tích xanh, mới không bị lóa mắt mà làm điều phạm pháp, mặc nhiên xúc phạm sức khỏe, danh dự, vu khống, làm nhục công dân khác, đi ngược lại các giá trị đạo đức tiến bộ, công bằng xã hội”.

Nêu giải pháp bảo vệ an ninh tư tưởng – văn hóa trong kỷ nguyên số, PGS. TS. Lê Hải Bình nhấn mạnh cần có những giải pháp đồng bộ, toàn diện để tranh thủ cơ hội và vượt qua thách thức để bảo vệ nền tư tưởng, văn hóa xã hội chủ nghĩa gắn với truyền thống và bản sắc dân tộc, với những giải pháp cơ bản: các cơ quan Đảng, Nhà nước tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ an ninh tư tưởng - văn hóa trong tình hình mới; nâng cao nhận thức của người dân, nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp trong xây dựng và bảo vệ nền tư tưởng - văn hóa Việt Nam; phát huy vai trò xung kích, đi đầu của đoàn viên, thanh niên trong bảo vệ an ninh tư tưởng - văn hóa…