Văn học kinh điển không dễ cạnh tranh
Trong khoảng 2 năm qua, sách văn học Việt Nam gần như khuynh đảo thị trường sách, Sự xuất hiện của các tác phẩm “Tết ở làng Địa Ngục” của Thảo Trang, “17 âm 1” của Doo Vandenis, “Rừng than khóc” của Thục Linh, “Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời” của Đức Anh, “Giải ngải ký” của Tống Ngọc, “Sĩ số lớp vắng 0” của Emma Hạ My…. đã tạo nên một trào lưu khiến rất nhiều đơn vị xuất bản đầu tư vào tác giả Việt. Trong khi đó, văn học hiện đại cũng để lại nhiều tác phẩm ấn tượng, với số lượng bán rất tốt trên các sàn Thương mại điện tử. Các tác phẩm này bám sát vấn đề của thời đại ngày nay, nên dễ đi vào đời sống văn hoá đọc.
Có thể thấy, cốt truyện của văn học cổ điển thường tiến triển không nhanh như tiểu thuyết hiện đại, hơn nữa chú trọng vào sự phát triển của nhân vật, khám phá các tình huống một cách kỹ lưỡng và chi tiết. Trong khi đó, văn học hiện đại và giải trí đương đại thiên về sự cô đọng và mạch lạc, thường được xây dựng với cốt truyện nhanh, hấp dẫn ngay từ đầu để đáp ứng nhu cầu tiếp thu thông tin nhanh chóng của người đọc.Văn hóa giải trí nhanh của thời đại mạng xã hội, góp phần khiến khả năng tập trung và thời gian chú ý của người đọc ngày càng giảm sút.
Đáp ứng độc giả hay đồng hành với độc giả?
Một số đơn vị xuất bản như Đông A, Quảng Văn, Phúc Minh Book hay Vitanova… vẫn đầu tư rất mạnh vào văn học cổ điển. Khác với các phương thức truyền thông thông thường, Vitanova thường xuyên có các hoạt động thúc đẩy nâng cao thẩm mỹ của việc đọc. Trong đó có những loạt bài viết phê bình văn học giúp độc giả nhìn nhận được giá trị văn chương cũng như vai trò của các tác phẩm trong lịch sử.
|
Rất nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng văn học kinh điển là liều thuốc tinh thần rất tốt (ảnh Hiền Anh) |
Chẳng hạn, đơn vị này đã giới thiệu một nhà văn lớn rất ít khi được dịch ở Việt Nam, Henry James (1843-1916) là một trong những nhà văn và nhà phê bình văn học quan trọng của văn học Mỹ và Anh cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Ông thường viết về những nhân vật người Mỹ đến châu Âu, với những cái nhìn sắc sảo vào những động lực tâm lý thầm kín và những xung đột giữa cá nhân và xã hội.
Phúc Minh Book chú trọng các nhà văn có giá trị lớn trong thế kỷ, những người định hình phong cách văn chương mới. Một đặc trưng của tủ sách đơn vị này là các bản dịch đầy đủ, với minh hoạ và bìa cứng. Không nhiều độc giả biết rằng Phù Thủy xứ Oz, một tác phẩm kinh điển trong văn học thiếu nhi, thực chất có một bản gốc rất dày dặn và phức tạp.
Cuốn sách ban đầu của tác giả L. Frank Baum không chỉ là câu chuyện phiêu lưu đơn thuần mà bao gồm các yếu tố xã hội và văn hoá... Qua thời gian, để tác phẩm dễ tiếp cận với trẻ em và khán giả đại chúng, nhiều phiên bản rút gọn và chuyển thể đã xuất hiện, tập trung vào những chi tiết nổi bật, dễ hiểu.
Các truyện ngắn đặc sắc của Scott Fitzgerald (tác giả của Gatsby Vĩ Đại) cũng được giới thiệu ở Việt Nam, nhưng không quá nổi bật do cạnh tranh lớn trên thị trường sách. Trong đó tập Truyện kì dị về Benjamin là một ví dụ điển hình. Câu chuyện nổi tiếng về về một người sinh ra trong hình dáng người già và dần trẻ lại theo thời gian, đã phản ánh sâu sắc những suy tư của Fitzgerald về thời gian, sự phù phiếm của tuổi trẻ và sự vô thường của cuộc sống.
|
Văn học kinh điển mở ra những thế giới phong phú với các câu chuyện và nhân vật đối diện với thử thách (Ảnh: Hiền Anh) |
Giá trị của Fitzgerald nằm ở khả năng nắm bắt những mặt đối lập và phức tạp của xã hội Mỹ thập niên 1920, thời kỳ mà ông gọi là "Jazz Age." Ông không chỉ ghi lại mà còn phê phán vẻ hào nhoáng phù phiếm của tầng lớp thượng lưu, từ đó đưa văn học Mỹ lên một tầm cao mới, với chiều sâu tâm lý và sự trăn trở về ý nghĩa của cuộc sống. Những câu chuyện của ông vẫn giữ nguyên giá trị về bản chất con người và xã hội hiện đại, để con người có thể thấy chính mình trong thời kỳ với nhiều biến động về kinh tế xã hội như bây giờ. Ngoài Fitzgerald, đơn vị này cũng giới thiệu tác phẩm “Thị trưởng trấn cầu đá” của Thomas Hardy - tác giả của “Xa đám đông điên loạn” rất nhiều độc giả Việt Nam yêu thích.
Rất nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng văn học kinh điển là liều thuốc tinh thần rất tốt, giúp con người mạnh mẽ hơn bởi vì nó mở ra những thế giới phong phú với các câu chuyện và nhân vật đối diện với thử thách, xung đột và đau khổ, qua đó mang đến những bài học sâu sắc về lòng kiên trì, nghị lực, và sức mạnh của ý chí. Chưa kể, các tác giả văn học kinh điển thường được xếp vào nhóm các vĩ nhân, mà ảnh hưởng của họ về mặt ý tưởng định hình nên thế giới sau này, như Edgar Allan Poe, Balzac, Jules Verne, Charles Dickens, Edith Wharton. Văn học cổ điển thường có không gian nghệ thuật rất rộng, nên mỗi tác phẩm đều chạm đến gần như mọi ngóc ngách của tinh thần. Tuy nhiên, các tác phẩm này luôn vượt qua “sự đọc tiêu thụ”, nên có lẽ cần sự đầu tư hơn nữa của các đơn vị xuất bản, trong việc hướng dẫn, đồng hành với người đọc để đạt được những trải nghiệm đọc có giá trị cao.