Vấn nạn giả mạo nghệ sĩ trên mạng: Nguy cơ “nhờn luật” do xử lý “nhẹ tay”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Vấn nạn nghệ sĩ bị mạo danh, tung tin đồn nhảm trên mạng xã hội vẫn diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa được xử lý. Điều này dẫn đến nguy cơ đáng lo ngại về tình trạng “nhờn luật” trên cộng đồng mạng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mới đây, nghệ sĩ Lệ Thủy bày tỏ bức xúc khi tên tuổi bà bị nhiều kênh trên mạng xã hội sử dụng để dựng chuyện “câu view”. Theo đó, hàng chục kênh YouTube đăng video với nội dung như “nghệ sĩ Lệ Thủy hát ca ngợi Thiền am bên bờ vũ trụ”, “Lệ Thủy hát tặng Tịnh thất Bồng Lai”... kèm giọng ca cải lương được xưng là “Lệ Thủy” thể hiện bài hát. Những clip này thu hút hàng ngàn lượt like, hàng trăm lời bình luận, trong đó có không ít bình luận tiêu cực hướng về nữ nghệ sĩ.

Theo nghệ sĩ Lệ Thủy và gia đình, tiếng hát trong clip hoàn toàn không phải của Lệ Thủy mà chỉ là giọng hát không chuyên “nhái” giọng. Nghệ sĩ Lệ Thủy và gia đình rất bất bình trước hành vi giả mạo, bôi nhọ danh dự này nên đã tố cáo sự việc đến cơ quan chức năng. Sau khi tiếp nhận đơn của nghệ sĩ Lệ Thủy, Sở TT&TT TP HCM đã nhanh chóng vào cuộc xác minh, phát hiện có 5 đường dẫn trên YouTube đăng tải nội dung liên quan, hiện có 2 kênh đã xóa. Thanh tra Sở đang tiếp tục xác minh, tìm ra chủ các kênh YouTube vi phạm để lên danh sách và có hướng xử lý.

Có không ít trường hợp nghệ sĩ bị giả mạo trên mạng, như trường hợp nghệ sĩ Phi Nhung, khi mới qua đời bị một trang Facebook mạo danh lên đính chính là “Phi Nhung còn sống”, đồng thời phát sóng một clip cũ chị hát và giao lưu khán giả để khiến khán giả nhầm lẫn. Sự việc này khiến nhiều người hâm mộ hoang mang, còn gia đình Phi Nhung thì phẫn nộ và đau lòng.

Chưa nói đến câu chuyện giả mạo hình ảnh, tên tuổi nghệ sĩ để đi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, chỉ riêng những hành vi mạo danh nghệ sĩ để “câu view” trên mạng cũng đã gây ra rất nhiều hệ lụy. Đó là sự ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, sự bôi xấu đến danh dự, uy tín, xáo trộn cuộc sống bình an của các nghệ sĩ; gây ồn ào, hoang mang trong dư luận, gây mất trật tự xã hội. Dù các sự việc này diễn ra nhiều nhưng xử lý thì không bao nhiêu. Ngay cả các hành vi giả mạo để bôi nhọ, xúc phạm uy tín, nhân phẩm nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng chưa được xử lý đến nơi đến chốn.

Hiện nay, hầu hết các sự việc tương tự đều được xử lý dựa theo quy định của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội, mức phạt trung bình là 7,5 triệu đồng đối với cá nhân, 14 triệu đồng đối với tập thể vi phạm phát ngôn trên các phương tiện thông tin truyền thông. Bên cạnh đó, còn nhiều quy định khác của pháp luật có thể vận dụng để xử lý, tùy thuộc vào các hành vi vi phạm và mục đích giả mạo. Như quy định tại khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với nhiều hành vi, trong đó có đưa thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc và xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 cũng có quy định hành vi giả mạo trên Facebook để xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác có thể bị phạt tiền lên đến 30 triệu đồng. Nếu hành vi gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn có thể bị phạt tù lên đến 2 năm.

Cạnh đó, việc các cá nhân tự ý sử dụng hình ảnh nghệ sĩ để giả mạo còn có thể bị xử lý theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của bản thân. Việc sử dụng hình ảnh của người khác đưa lên mạng xã hội mà chưa có sự đồng ý của họ có thể bị phạt từ 10 – 20 triệu đồng tuỳ tính chất của hành vi vi phạm.

Nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý các hành vi vi phạm chưa được rốt ráo. Nhiều đối tượng gây hành vi sai trái vẫn “lọt lưới”, mức độ xử phạt hành chính một số hành vi “không bằng” mức lợi nhuận thu được từ hành vi giả mạo, nên hiện tượng mạo danh trên mạng vẫn diễn ra rầm rộ. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ đáng lo ngại là “nhờn luật” trong cộng đồng mạng.

Đọc thêm