Văn phòng Công chứng Hai Bà Trưng (Hà Nội): Dấu hiệu giả mạo trong công chứng một hợp đồng chuyển nhượng đất

(PLVN) - Báo PLVN nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Đào (SN 1961, ngụ thôn Cam, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) với nội dung: Bà kết hôn với ông Nguyễn Văn Thời (SN 1957) năm 1983. Trong quá trình chung sống, vợ chồng bà được cấp sổ đỏ diện tích 346m2 tại thôn Cam.

Theo bà Đào, mặc dù chồng bà chết từ ngày 20/2/2014 và đã có Giấy chứng tử của UBND xã Cổ Bi, nhưng gần đây bà liên tiếp bị một Ngân hàng cho người đến yêu cầu phải bàn giao nhà và đất mà bà đang quản lý, sử dụng cho Ngân hàng. “Tôi bất ngờ, hỏi thì họ nói vợ chồng tôi đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Văn phòng Công chứng Hai Bà Trưng”, bà Đào cho biết.

Bà Nguyễn Thị Đào cho rằng vợ chồng mình đã bị giả chữ ký
Bà Nguyễn Thị Đào cho rằng vợ chồng mình đã bị giả chữ ký

Bà Đào liên hệ với Văn phòng Công chứng Hai Bà Trưng và được cấp bản Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (số công chứng: 4953-2016. Quyển số: 04TP/CC-SCC/HĐGD) với lời chứng của công chứng viên: “Ngày 14/10/2014. Tại Văn phòng Công chứng Hai Bà Trưng, TP Hà Nội; địa chỉ: Số 36, ngõ 61, phố Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Tôi Đặng Ánh, công chứng viên Văn phòng Công chứng Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Chứng nhận: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất này được giao kết giữa: Bên A: Ông Nguyễn Văn Thời, sinh năm 1957, mang số CMND số 011152759 do Công an TP Hà Nội cấp ngày 18/7/2012. Vợ là bà Nguyễn Thị Đào, sinh năm 1961, mang CCCD số 001161007646 do Cục Cảnh sát ĐKQL cư trú và DLQG về dân cư cấp ngày 23/9/2016. Cả hai cùng đăng ký hộ khẩu thường trú tại: xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội.

Bên B: Ông Lưu Văn Quang, sinh năm 1968, mang CMND số 013130879 do Công an TP.Hà Nội cấp ngày 14/6/2012…”.

“Chồng tôi đã chết năm 2014, không thể ký tên vào hợp đồng xác lập ngày 14/10/2016. Chữ ký của tôi trong hợp đồng cũng là giả mạo. Không biết bằng cách nào mà Văn phòng Công chứng Hai Bà Trưng có thể “dựng” được chồng tôi chết cách đó hơn hai năm lên để ký và điểm chỉ vào hợp đồng bán nhà được?”, bà Đào nói.

Luật sư Hà Huy Từ (Công ty Luật Hà Huy - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), đánh giá: Điều quan trọng, cơ bản nhất trong vụ việc của bà Nguyễn Thị Đào, là cơ quan chức năng cần xác định chính xác tổ chức, cá nhân nào có lỗi; từ đó mới xác định được trách nhiệm của người gây ra lỗi. Người đó là công chứng viên hay là tổ chức, cá nhân khác; hay có sự cấu kết giữa công chứng viên và tổ chức, cá nhân. 

Nếu có căn cứ cho rằng có thông tin, tài liệu sai sự thật đã được sử dụng trong Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì cơ quan chức năng phải tiến hành xác minh, làm rõ cá nhân nào là người đã cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; cá nhân nào đã sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng…

Cơ quan chức năng xác định công chứng viên đã thực hiện hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Công chứng năm 2014 thì công chứng viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. 

Công chứng viên là người có lỗi thì theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 38 Luật Công chứng quy định: Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng. Công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật; trường hợp không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.  

Đọc thêm