Vẫn tự tin ứng phó nợ công

(PLO) - Thừa nhận quy mô nợ công so với GDP đang ở mức gần với ngưỡng được Quốc hội cho phép, trong khi vẫn phải huy động vốn để đầu tư, đại diện Bộ Tài chính vẫn khẳng định Việt Nam có khả năng thu xếp, bố trí để chi trả các khoản vay nợ, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng vốn vay…
Nhiều hạn chế trong việc sử dụng vốn vay khiến nợ công tăng cao. Ảnh minh họa
Thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính ngày hôm qua 14/5.
Chủ động giảm áp lực trả nợ
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, năm 2014 khối lượng vốn vay nợ công cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đạt khá, đã huy động được 627,8 nghìn tỷ đồng, trên 98% vốn vay đã được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2013 là 15,2%; năm 2014 là 13,8% và năm 2015 dự kiến khoảng 16,1% (theo quy định là không quá 25%).
Lý giải về con số 16,1% của năm 2015 tăng hơn so với các năm trước đó, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết con số này phụ thuộc vào kỳ hạn khoản nợ phải trả, có thời điểm phải trả nhiều, trả ít. Ví dụ, số nợ cách đây 20 năm nhưng có thể đến năm 2015 mới đến kỳ hạn phải trả. 
“Hiện tất cả các khoản nợ đến hạn là trả, không bao giờ chúng ta để quá hạn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cân đối các khoản vay để dàn đều thời điểm trả nợ tránh áp lực đến ngân sách...”- ông Long cho biết. 
Được biết, năm 2014, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ động kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu nhằm giảm dần áp lực trả nợ ngắn hạn và giảm dần đảo nợ. Cụ thể, giảm mạnh và tiến tới ngừng phát hành tín phiếu và trái phiếu kỳ hạn ngắn, tập trung chủ yếu vào trái phiếu có kỳ hạn dài từ 5 năm đến 15 năm, bước đầu cơ cấu lại danh mục trái phiếu Chính phủ. 
Kết quả, trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm tăng từ 14% năm 2013 lên 27% năm 2014, kỳ hạn 10 năm tăng từ 4% năm 2013 lên 13% năm 2014, kỳ hạn 15 năm tăng từ 2% lên 6% năm 2014.
Xu hướng tăng nhanh
“Nợ công đang tăng nhanh, tiến đến sát ngưỡng Quốc hội cho phép, trong khi nguồn lực của chúng ta còn hạn chế nên vẫn cần thiết phải huy động vốn vay để đầu tư. Do đó, nợ công có quy mô lớn là điều không thể tránh khỏi...”- Cục trưởng Trương Hùng Long cho biết. 
Bên cạnh đó, ông Long cũng thừa nhận một loạt hạn chế trong quản lý và sử dụng vốn vay như, cơ cấu nợ chưa thực sự bền vững; công tác quản lý nợ công còn phân tán, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành và địa phương; việc huy động, sử dụng vốn vay còn dàn trải, chưa gắn kết chặt chẽ với các hạn mức nợ công; việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán tình hình thực hiện, chất lượng, hiệu quả dự án sử dụng vốn vay công chưa được thường xuyên, sâu sát; tổ chức thực hiện một số dự án còn bất cập; nhiều dự án chậm tiến độ, có dự án hoàn thành nhưng không đạt mục tiêu đề ra, một số chủ đầu tư được Chính phủ bảo lãnh chưa thực hiện đúng quy định; tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu, điều chỉnh các hợp đồng diễn ra khá phổ biến...
Theo ông Long, có 2 nhóm vấn đề cần quan tâm, đó là nhóm đi vay, kiểm soát nợ và nhóm sử dụng. Nếu như nhóm 1 liên quan đến cơ quan quản lý, cấp có thẩm quyền yêu cầu đặt ra là phải công khai, minh bạch các khoản vay thì nhóm 2 liên quan đến các Bộ, ngành, địa phương, chủ dự án, các thành phần kinh tế..., yêu cầu đặt ra là hiệu quả sử dụng vốn vay. 
“Vốn vay được sử dụng đúng mục đích, đưa vào các lĩnh vực thực sự cần thiết và được sử dụng một cách tiết kiệm sẽ làm cho kinh tế phát triển, tạo ra nguồn lực để trả nợ trong tương lai...”- ông Long phân tích.
Quản chặt nợ công
Ngày 14/2/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Nội dung Chỉ thị này chủ yếu tập trung vào việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, cụ thể: Quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới. 
Tính đúng, tính đủ nợ công theo quy định, đảm bảo trong giới hạn cho phép; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; khẩn trương cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay dài hạn để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. 
Đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công (bao gồm các loại rủi ro về tỷ giá, lãi suất, thanh khoản, tái cấp vốn và tín dụng). Tăng tính thanh khoản và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ; quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh; đối với cho vay lại theo hướng tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát và thu đủ nợ đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại. 
“Nợ công có quy mô lớn là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, an toàn nợ công lại phụ thuộc vào chính chúng ta”- ông Long khẳng định.

Đọc thêm