Vắng nhân chứng quan trọng, hoãn xử vụ nhắn tin khủng bố Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh

(PLO) - Liên quan đến vụ nhắn tin đe dọa Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh, hôm qua (26/9), TAND tỉnh Bắc Ninh đã mở phiên tòa xét xử Nguyễn Trọng Phương (SN 1980, ở quận Ba Đình, Hà Nội) về tội “Khủng bố” và Trần Anh Thuận (SN 1981, ở  TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) về tội “Không tố giác tội phạm”. 
Bị cáo Phương và Thuận tại tòa
Bị cáo Phương và Thuận tại tòa

“Ghen tức” trong chuyện làm ăn

Theo cáo trạng, Phương thành lập Cty TNHH Song Lộc Miền Bắc và để vợ  (tên Dung) đứng tên giám đốc với ngành nghề chính là kinh doanh vật liệu xây dựng và khai thác cát, sỏi. Quá trình làm ăn, Phương giúp cho anh Ngô Thành Sơn (SN 1980, Chủ tịch HĐQT Cty Trục vớt luồng hạ lưu) xin được dự án nạo vét sông Cầu (từ Km0 đến Km30) trên địa phận Bắc Giang. 

Tuy nhiên, giữa Phương và anh Sơn bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn. Tháng 9/2015, công ty của Phương xin UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép được nạo vét  và tận thu sản phẩm trên sông Đuống đoạn từ Km0 đến Km14 thuộc địa phận xã Cao Đức đến xã Đại Lai, huyện Gia Bình và xã Đào Viên, huyện Quế Võ (Bắc Giang) nhưng không được do việc hút cát gây sạt lở bờ sông. Trong khi công ty của anh Sơn được cấp phép nạo vét sông Cầu thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang.

Tháng 11/2016, Phương biết anh Sơn và Trần Anh Thuận (bạn Phương, là Phó Giám đốc điều hành Cty Xuất nhập khẩu và Vận tải Khánh Nguyên) có xảy ra mâu thuẫn trong việc san lấp mặt bằng Khu công nghiệp Quế Võ 2 nên nảy sinh ý định nhắn tin đe dọa, khủng bố tinh thần Chủ tịch, Công an tỉnh Bắc Ninh nhằm mục đích khiến hai người này sợ hãi mà chấp nhận cho các công ty được khai thác cát trên sông Đuống, trong đó có công ty của gia đình Phương. Nếu có điều tra, xử lý người nhắn tin đe dọa thì người bị nghi vấn là anh Sơn.

Bắt tay vào thực hiện kế hoạch, Phương bảo Thuận mua điện thoại mới, sim khuyến mại để nhắn tin đe dọa Chủ tịch, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh. 

Theo lời Phương,  Thuận không được sử dụng điện thoại và sim khuyến mại trên ngoại trừ những lúc nhắn tin đe dọa. Khi gửi những tin nhắn đe dọa ấy, Thuận phải đến khu vực nhà Sơn ở nhằm mục đích khi CQĐT định vụ thì sẽ hướng nghi ngờ vào Sơn.

Lấy “vụ Yên Bái” để đe dọa lãnh đạo tỉnh 

Ngày 18/1, Phương gọi điện hỏi Thuận đã nhắn tin đe dọa chưa, Thuận nói dối là “đã cho anh em làm rồi”. 5 ngày sau, Phương tự nhắn tin đe dọa Chủ tịch, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh.

Tài liệu điều tra thể hiện, chiều 23/1, Phương đi ô tô về Văn Giang (Hưng Yên) đón em họ. Ngồi bên ghế phụ, Phương mượn em họ điện thoại, gọi cho vợ nhờ tìm giúp số điện thoại của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh trong điện thoại của mình để ở nhà. Phương bảo em họ chở mình lên TP. Bắc Ninh, đi xe lòng vòng quanh khu vực nhà anh Sơn rồi ra cổng chính bệnh viện phụ sản Bắc Ninh kích hoạt điện thoại và sim khuyến mại, nhắn 10 tin với nội dung đe dọa, khủng bố tinh thần gửi tới số điện thoại của Chủ tịch và Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh: “… Ông chỉ là thằng quan địa phương thôi. Tốt nhất ông đừng động đến tôi…”; “Ông còn gây khó dễ cho dự án của tôi thì ông xác định là như vụ Yên Bái”…

Trên đường trở về Hà Nội, Phương ném điện thoại vừa nhắn tin xuống sông Đuống.

Sau khi liên tiếp nhận được các tin nhắn đe dọa, khủng bố tinh thần, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh đã có đơn đề nghị Công an tỉnh Bắc Ninh điều tra, xử lý đối tượng gửi tin nhắn trên. Gần 2 tháng sau, Phương nhắn tin cho Thuận “khoe chiến tích” nhưng không ngờ sau đó, Thuận lại cho anh Sơn xem các tin nhắn này. Anh Sơn đã đổi lấy điện thoại của Thuận mang ra cơ quan công an nộp. Ngày 31/3, Phương và Thuận bị bắt khẩn cấp.

Ngày 26/9, các bị cáo bị TAND tỉnh Bắc Ninh đưa ra xét xử. Tuy nhiên, phiên tòa đã vắng 2 trong 3 số nhân chứng được triệu tập hợp lệ. Đại diện VKS  có ý kiến cho rằng anh Ngô Thành Sơn là người làm chứng rất quan trọng nên đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa. Sau khi hội ý, HĐXX đồng ý với đề nghị này và tuyên bố hoãn phiên tòa. 

Đọc thêm