Từ hôm nay, Thông tư 22 của Bộ Khoa học - Công nghệ quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường sẽ có hiệu lực. Thông tư này được xem là công cụ quan trọng kiểm soát chất lượng, hạn chế gian lận tuổi vàng.
Theo đó, hàm lượng vàng trong trang sức, mỹ nghệ vàng 24k không nhỏ hơn 99,9%, 20k không nhỏ hơn 83,3%, 18k không nhỏ hơn 75%... Giới hạn sai số của kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng trong sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ như sau: vàng có hàm lượng từ 99,9% trở lên là 0,1%, vàng hợp kim có hàm lượng từ 80% đến dưới 90% là 0,2%, vàng hợp kim có hàm lượng dưới 80% là 0,3%; vật liệu hàn bằng hợp kim vàng nếu có sử dụng phải có độ tinh khiết tối thiểu tương đương với hạng được công bố của sản phẩm vàng trang sức...
Tuy nhiên, khoảng vài tuần trước khi thông tư có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng nhỏ lẻ và kể cả Hội Mỹ nghệ kim hoàn TPHCM cũng có văn bản kiến nghị dời thời gian thi hành thông tư 22 để các tiệm vàng tiêu thụ hết các sản phẩm còn tồn đọng.
Và mặc dù các doanh nghiệp có than vãn, kiến nghị nhưng Thông tư 22 vẫn chính thức có hiệu lực kể từ hôm nay. Bởi, trên thực tế, thời gian quay vòng một sản phẩm vàng nữ trang chỉ là 45 ngày, trong khi các doanh nghiệp đã có 8 tháng kể từ khi Thông tư 22 ban hành đến khi có hiệu lực. Trong khoảng thời gian này, doanh nghiệp thừa sức tái sản xuất các sản phẩm theo quy chuẩn mới. Đó là chưa kể chẳng doanh nghiệp nào lại dại dột “ôm” sản phẩm vàng trong vòng 8 tháng liền để bị chôn vốn.
Trao đổi với báo giới tại cuộc họp ngày 28/5, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Ngoại hối Ngân hàng Nhà nước cho biết: Mục tiêu quản lý chất lượng vàng theo Thông tư 22 khi triển khai áp dụng sẽ bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chính đáng.
Như vậy, có thể thấy rằng, thời gian để các doanh nghiệp sắp xếp để thực hiện theo đúng những quy định tại Thông tư 22 đã có. Và việc các doanh nghiệp đồng loạt phản ứng chính sách khi hiệu lực thi hành cận kề mà không được chấp nhận cũng là chuyện dễ hiểu.
Được biết, hiện có hơn 10.000 đơn vị tham gia sản xuất, kinh doanh nữ trang, trong đó nhiều đơn vị làm gia công nhỏ tại nhà, không đăng ký kinh doanh. Thực tế thời gian qua cho thấy, tuổi vàng là do các chủ tiệm tự quyết định và không ai có thể kiểm soát. Ví dụ như, vàng 18 tuổi - tỷ lệ vàng ròng chính xác phải là 75%, nhưng trên thực tế các tiệm vàng, các doanh nghiệp kinh doanh chỉ áp dụng tỷ lệ vàng ở mức phổ biến 65 - 68%, một số nơi tỷ lệ vàng chỉ còn 54 - 60%. Do đó, người mua vàng trang sức và người bán lâu nay thường “thống nhất” với nhau việc mua đâu phải bán đó và sản phẩm khi bán bị hạ giá rất nhiều, chỉ còn khoảng 40 - 50% giá trị lúc mua.