VBF vận dụng tùy tiện quy định phong đẳng cấp vận động viên bóng rổ

(PLVN) - Viện lý do quy định về việc phong đẳng cấp vận động viên cũ đã lỗi thời, không còn phù hợp, Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam (VBF) đã có kiểu vận dụng quy định này một cách "linh hoạt", thậm chí tùy tiện trong việc phong đẳng cấp cho các VĐV khiến giới chuyên môn và các VĐV bức xúc, hoài nghi về sự thiếu minh bạch.
Theo Quyết định 829, thể thức thi đấu 3x3 không có nhưng nhiều VĐV vẫn được phong cấp (hình minh họa)
Theo Quyết định 829, thể thức thi đấu 3x3 không có nhưng nhiều VĐV vẫn được phong cấp (hình minh họa)

Sai... không đồng đều

Như đã phản ánh, việc VBF phong đẳng cấp cho các VĐV từ trước tới nay vẫn căn cứ vào Quyết định 829/2006 do Ủy ban Thể dục Thể thao ban hành ngày 5/5/2006 về việc phê duyệt tiêu chuẩn phong cấp VĐV các môn thể thao.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Thuận thì nhiều VĐV của các địa phương này sau khi đạt thành tích cao tại giải bóng rổ nằm trong khuôn khổ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 8 (năm 2018) lại không được VBF công nhận và không được xét phong đẳng cấp. 

Theo Tổng cục Thể dục - Thể thao, việc thay thế tiêu chuẩn để phong cấp VĐV là cấp thiết
Theo Tổng cục Thể dục - Thể thao, việc thay thế tiêu chuẩn để phong cấp VĐV là cấp thiết

Cụ thể, đại diện VBF là Tổng thư ký Lê Hoàng Anh đã ký các văn bản từ chối phong cấp cho các VĐV đạt thành tích ở giải bóng rổ thuộc khuôn khổ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 8 vừa diễn ra cuối năm 2018 tại Hà Nội với lý do tiêu chuẩn phong đẳng cấp VĐV bóng rổ được ban hành kèm theo Quyết định 829 đang có hiệu lực thi hành không quy định VĐV đạt giải tại Đại hội Thể thao toàn quốc được phong đẳng cấp.

Do đó Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam chưa có cơ sở để xét phong đẳng cấp cho các VĐV tham gia Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 8 đạt huy chương.

Lý do là theo Quyết định 829 thì VĐV đạt thành tích tại các giải: Hạng nhất nam, nữ; Trẻ nam, nữ; Hạng nhì nam, nữ và các giải tương đương mới đủ tiêu chuẩn phong cấp VĐV.

Đại hội Thể thao toàn quốc không nằm trong cơ cấu giải được quy định tại Quyết định 829, cho nên VĐV bóng rổ dù có đạt thành tích cao tại đại hội cũng không được công nhận và xét phong đẳng cấp.

Ngày 5/9/2019 vừa qua, VBF lại ban hành Quyết định phong cấp số 283a/QĐ-VBF phong cấp Kiện tướng cho 15 VĐV; phong Cấp 1 cho 21 VĐV theo đề nghị của Liên đoàn Bóng rổ TP Hồ Chí Minh. Các VĐV này đều có thành tích và giành Huy chương tại các giải: Giải Vô địch quốc gia, Giải Vô địch Trẻ quốc gia, Giải Vô địch 3x3 quốc gia. Trong số đó, chỉ có Giải Vô địch trẻ quốc gia là nằm trong hệ thống giải được quy định tại Quyết định 829 khi xem xét phong đẳng cấp cho VĐV. 

Để “chữa cháy” cho tình huống này, trong phần các căn cứ để phong cấp, VBF đã “thòng” thêm phần “căn cứ vào điều lệ giải thi đấu”. Vậy nhưng điều lệ giải thi đấu là các quy định của một giải thi đấu, áp dụng cho các đội bóng, VĐV tham gia giải thi đấu đó. Điều lệ giải không phải là văn bản quy phạm pháp luật, vì vậy, việc căn cứ vào điều lệ giải để phong cấp là sai và thiếu cẩn trọng.

Vận dụng tùy tiện

Căn cứ để phong cấp VĐV bóng rổ cho đến thời điểm này vẫn là Quyết định 829 được ban hành ngày 5/5/2006. Theo quyết định này thì chỉ có Vô địch trẻ nam - nữ toàn quốc là được phong cấp, tuy nhiên theo các quyết định đã được ban hành thì các giải không nằm trong Quyết định 829 là giải Vô địch quốc gia, giải Vô địch 3x3 quốc gia vẫn được phong cấp (thời điểm ban hành Quyết định 829 chưa xuất hiện thể thức bóng rổ 3x3). 

Theo giải thích từ phía VBF, Quyết định 829 đã lỗi thời, không còn phù hợp và khi chưa có tiêu chuẩn mới thì “vận dụng để phong cấp, bảo vệ quyền lợi cho VĐV”, điều này hoàn toàn có thể hiểu và thông cảm cũng như ủng hộ nếu mang lại quyền lợi thực sự cho các VĐV bóng rổ. 

Vậy nhưng sự “vận dụng” đó lại có tính chất tùy hứng, “vận dụng” đối với giải này nhưng lại không áp dụng với giải khác, mặc dù quy mô, tầm cỡ và trình độ của các giải tương đương nhau. Đối với các địa phương, Đại hội Thể thao toàn quốc tổ chức 4 năm 1 lần với trình độ chuyên môn tương đương cấp vô địch.

Tấm huy chương ở đại hội có thể coi là tấm huy chương Olympic của Việt Nam. Trước đây, căn cứ vào trình độ chuyên môn của đại hội, VBF đã từng quyết định phong đẳng cấp cho các VĐV đạt thành tích tại các kỳ Đại hội lần thứ 6 (năm 2010) và lần thứ 7 (năm 2014).

Giới chuyên môn cho rằng, việc áp dụng tùy hứng của một số cá nhân trong Liên đoàn VBF như trên đã phủ nhận toàn bộ sự cố gắng của nhiều địa phương và VĐV bóng rổ trên cả nước. Sự “tiền hậu bất nhất” này của Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam cũng làm thất vọng những người làm chuyên môn, VĐV cống hiến cho môn bóng rổ./.

Đọc thêm