Vẽ đi ký ức

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Có những nỗi đau không thể nói thành lời, những ký ức chẳng thể cất lên tiếng, đó là câu chuyện của những bệnh nhân đang “mắc kẹt” trong các căn bệnh về tâm lý. Việc trị liệu bằng hội họa, hiện nay đã giúp đỡ rất nhiều người đối diện với nỗi sợ thầm kín bên trong của mình.
Hội họa giúp chữa trị tâm lý cho những người từng trải qua bạo lực gia đình, xâm hại tình dục,… (nguồn: everydayheath.com)
Hội họa giúp chữa trị tâm lý cho những người từng trải qua bạo lực gia đình, xâm hại tình dục,… (nguồn: everydayheath.com)

Một “thế giới” sáng tạo phi ngôn ngữ

Bẩm sinh mỗi con người đều có khả năng sáng tạo nghệ thuật, cảm thụ và chiêm ngưỡng cái đẹp, điều đó, được thể hiện qua bức tranh ở bên trong quần thể động Lascaux ở Pháp. Các hình ảnh này được vẽ từ thời kỳ đồ đá cũ, cách đây khoảng mười bảy nghìn năm, cho thấy ngay ở thuở sơ khai, con người đã có khả năng nghệ thuật.

Nghệ thuật ví dụ như hội họa, vào thời kỳ nguyên thủy, không phải để tạo ra công cụ săn bắn hay thức ăn, mà nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần của con người. Thực tế cho thấy, các bức tranh được vẽ ra đều xuất phát từ tình cảm mãnh liệt, nhằm phản ánh cái nhìn về thế giới của mỗi người.

Chính vì nghệ thuật có mối liên hệ chặt chẽ với tâm tư, tình cảm thầm kín của con người, nên nó trực tiếp tác động và đem những điều tích cực cho tinh thần. Khoa học đã nghiên cứu và chứng minh cho thấy một số lợi ích mạnh mẽ của nghệ thuật như hội họa, âm nhạc,… mang lại cho mọi người, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Như việc nghệ thuật kích thích phát triển hệ thần kinh giúp mở rộng, tái tạo và củng cố kỹ năng lãnh đạo. Ngoài ra, nó thật sự hữu ích khi giúp mọi người cân bằng cảm xúc.

Khi đến với thế giới hội họa, những người vẽ dù là chuyên nghiệp hay không chuyên, đều đắm mình vào trong một thế giới mới. Tại đó, không còn áp lực về kinh tế, tài chính, gia đình, học tập nữa, chỉ còn lại những gam màu vẽ, hình khối, đường nét và trí tưởng tượng được thỏa sức bộc lộ. Đôi khi, thậm chí không cần vẽ, chỉ cần xem tranh cũng có thể giúp người thưởng thức thư giãn và tăng khả năng sáng tạo.

Ví dụ như khi nhìn bức tranh “Hai thiếu nữ và em bé” của họa sĩ Tô Ngọc Vân, nhiều người có kiến giải, khi họ nhìn vào đôi mắt lo lắng của cô em trong tranh, họ liên việc cô bé đang muốn trò chuyện với chị gái để tìm lời khuyên. Nhưng theo ông Tô Ngọc

Thành – con trai danh họa Tô Ngọc Vân chia sẻ, bức tranh lại là hình ảnh hai người phụ nữ đang ngồi suy ngẫm về thân phận “phù dung sớm nở tối tàn” lênh đênh của mình. Điều đó cho thấy, nghệ thuật là một “lãnh địa” không biên giới, giúp con người sử dụng kinh nghiệm, vốn sống và trí tưởng tượng để lý giải.

Nhà văn William Faulkner đã từng có câu: “Trong nghệ thuật, bàn tay không bao giờ có thể tạo ra điều gì cao hơn điều trái tim có thể tưởng tượng”. Không chỉ giúp con người sáng tạo, nghệ thuật còn giúp giải phóng cảm xúc và đem lại cân bằng tinh thần. Đặc biệt, không ít họa sĩ mắc những bệnh về tâm lý, một điểm chung của họ là cùng có những tác phẩm không theo tiêu chuẩn, khả năng nảy ra ý tưởng thần tốc, độ nhạy cảm cao và trí tưởng tượng nổi loạn.

Vincent Van Gogh đã vẽ bức tranh “Đêm đầy sao” bằng cảm xúc mãnh liệt khi bị căn bệnh tâm thần dày vò. Ông nhìn những vì sao sáng rực trên bầu trời ở miền Nam nước Pháp và ấn tượng đến mức không thể kìm được mà phải vẽ ra.

lHội họa là một “thế giới” phi ngôn từ, giúp con người giải phóng cảm xúc và lấy lại cân bằng trong tinh thần. (tranh Gustav Klimt, nguồn: original.com)
lHội họa là một “thế giới” phi ngôn từ, giúp con người giải phóng cảm xúc và

lấy lại cân bằng trong tinh thần. (tranh Gustav Klimt, nguồn: original.com)

Như họa sĩ người Anh Raphael Vangelish đã tạo nên những kiệt tác nghệ thuật đường phố, đến từ những ám ảnh tâm lý về cuộc sống tù túng trong những căn hộ chật hẹp ở thủ đô London. Hay David Deweerdt là một họa sĩ người Bỉ mắc chứng tâm thần phân liệt, các bức tranh được anh vẽ trong mỗi đêm, nhằm giải phóng bản thân ra khỏi sự giày vò của căn bệnh tâm lý này.

Tranh của David Deweerdt đều xuất hiện những con quái vật không mắt, không mũi hoặc hàng ngàn người quái dị đang ở bên cạnh. Tất cả những “ảo ảnh” ấy, đều không có thật trong thực tại, nhưng đó là những cảm xúc mãnh liệt mà David đang trải qua. Anh không thể nói thành lời, cũng không thể giãi bày, chỉ có thể bộc bạch qua những nét vẽ. Điểm chung của những họa sĩ mắc các căn bệnh về tâm lý này, đó là nhờ tài năng hội họa, mỗi lần vẽ, họ đều cảm thấy được giải phóng khỏi những cảm xúc tiêu cực bên trong cơ thể.

Trị liệu tâm lý cho mọi người

Chị Như Thủy – Thạc sĩ Trị liệu tâm lý ứng dụng Nghệ thuật thị giác đã từng chia sẻ, việc trị liệu bằng nghệ thuật, là khi con người thoát khỏi những từ ngữ hàng ngày, thứ mọi người khám phá được từ những bức ảnh, bức tranh luôn là duy nhất. Những đường nét và màu sắc đơn giản nhất cũng thường ẩn chứa một câu chuyện đằng sau. Trị liệu nghệ thuật mở ra một cánh cửa để trải lòng và giải tỏa căng thẳng.

Qua các hình ảnh, gam màu ở trong tranh hoàn toàn có thể thấy được nội tâm của người vẽ. Giống những bức tranh của Edvard Munch, như The Scream (Tiếng thét), Vampire (Ma cà rồng), The Silk Child (Đứa trẻ ốm),… đều là ám ảnh về cái chết, nỗi sợ hãi đã theo ông từ bé, khi mẹ ông và em gái mất sớm, còn ông thì thường xuyên chịu áp lực từ người bố sĩ quan quân đội. Gam màu những bức tranh của ông thường u tối, các nhân vật trung tâm gắn với cái chết và hình ảnh máu me đáng sợ.

Thông qua những bức tranh, các nhà trị liệu tâm lý sẽ phát hiện ra nỗi ám ảnh, câu chuyện của những người bệnh. Để từ đó, họ sẽ dùng hội họa, để hỗ trợ người bệnh giải phóng tâm lý tiêu cực, hòa nhập vào cuộc sống bình thường. Như câu chuyện của cô bé Iris Halmshaw người Anh mắc phải chứng tự kỷ từ khi còn rất nhỏ, cô bé trốn tránh giao tiếp với tất cả mọi người kể cả bố mẹ. Nhưng nhờ trị liệu bằng nghệ thuật, mà chủ yếu là hội họa, cô bé dần cởi mở hơn với gia đình, thậm chí thường xuyên nói chuyện cùng bố mẹ và chú mèo cưng trong nhà.

Không chỉ giúp phát hiện ra biểu hiện bất thường của tâm lý và chữa trị, hội họa còn hỗ trợ những người bị sang chấn tâm lý sau những biến cố, cú sốc kinh hoàng. Như việc một người bị đánh đập, xâm hại tình dục, bạo lực ngôn từ, thực chất rất khó để nói ra, vì điều đó khơi gợi lại các ký ức kinh khủng, mà họ chỉ muốn quên đi.

Mỗi bức tranh đều nói lên nội tâm của người vẽ thông qua gam màu và đường nét. (tranh Edvard Munch, nguồn: JL)

Mỗi bức tranh đều nói lên nội tâm của người vẽ thông qua gam màu và đường nét. (tranh Edvard Munch, nguồn: JL)

Nhưng càng trốn tránh, càng không chịu đối diện sự thật, những vết thương lòng lại “âm thầm” tích tụ và khiến tinh thần của nạn nhân ngày càng bất ổn hơn. Cho nên, liệu pháp trị liệu bằng hội họa, thường được các chuyên gia sử dụng, giúp các nạn nhân tự “kể” câu chuyện của mình. Những bức tranh của nạn nhân thường không hướng đến giá trị nghệ thuật phải đẹp, hay độc đáo, mà là nỗi ám ảnh của họ. Đó là những ký ức hằn sâu trong não bộ của họ, là nỗi sợ, là một thế giới méo mó, mất niềm tin cần được nói ra.

Lấy ví dụ về một vụ bạo hành gia đình ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra vào năm 2021, trong đơn tố cáo mẹ ruột và bố dượng của hai đứa trẻ, có một bức tranh được đính kèm. Bức tranh đó là hình ảnh hai đứa trẻ chỉ có thể che mặt trước đòn roi từ bố mẹ. Ban đầu, chúng đã không thể nói được với các chuyên gia tâm lý được mời đến, vì đó là một ký ức đau đớn, sợ hãi trong lòng hai em nhỏ, cho nên, các em chỉ có thể vẽ ra.

Tổ chức Hagar Quốc tế Việt Nam đã từng tổ chức triển lãm về phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em với tên gọi “Nảy mầm từ tro tàn”. Tại đó, có những bức tranh được một em nhỏ vẽ ra, kể lại câu chuyện về việc mẹ bị đánh và em đứng ra che chắn đòn roi cho mẹ.

Hay bức tranh của người phụ nữ bị mua bán, lạm dụng tình dục,… Tất cả bức vẽ ấy, không chỉ là thông điệp mong muốn chia sẻ, cảm thông của những số phận bất hạnh, mà đó còn là quá trình điều trị tâm lý của họ.

Như Ths. Đoàn Thị Hương, Chuyên gia tâm lý hỗ trợ, đã điều trị tâm lý cho nhiều nạn nhân bị bạo hành gia đình, xâm hại tình dục và mua bán, cho biết, vẽ tranh là một hoạt động bổ trợ trong quá trình điều trị tâm lý, những nỗi đau mà họ trải qua, nhiều khi không thể nói bằng lời nhưng qua những hoạt động nghệ thuật như thế này, sẽ giúp họ bộc lộ dễ dàng hơn.

Đọc thêm