Từ làng đúc đồng tới làng tái chế
Theo tìm hiểu của phóng viên báo PLVN, nghề đúc đồng, nhôm đã xuất hiện ở Mẫn Xá từ những năm 70 của thế kỷ trước. Những ngày đầu, người dân nơi đây chỉ đúc nhôm, đúc chuông đồng, nồi xoong, chụp đèn… Nhưng, người dân dần chuyển sang phân loại và tái chế nguyên liệu từ rác thải, máy móc cũ.
Cũng từ công việc này, nhiều hộ dân làng Mẫn Xá đã trở nên khá giả, thậm chí giàu có nhanh chóng. Tuy nhiên, “gật đầu chấp nhận” cho việc phát triển kinh tế, đại bộ phận người dân trong làng Mẫn Xá đã và đang phải sống chung với khói bụi và ô nhiễm. Nhiều người đã chết vì ung thư, làng ung thư đang ngày càng hiện hữu chính là cái giá mà họ phải trả cho sự phá hoại môi trường nghiêm trọng.
Theo ghi nhận, ngay từ cổng làng đã xuất hiện những “núi rác” lớn nhỏ, nằm la liệt, lấn cả đường đi. Những cuộn dây điện, cáp nằm im lìm “chờ” đốt, những thiết bị từ máy móc cũ bị tháo dỡ, cắt nham nhở và cả những làn khói bụi khét cháy bốc ra từ những mái lò tự chế khiến nhiều người ghé qua không khỏi thấy tức thở.
Ven đường vào làng, những cánh đồng cũng bị “đầu độc” không thương tiếc khi những vật liệu thừa bị bỏ đi như tro xỉ, bao nilong… vứt bỏ la liệt. Mương máng, kênh chứa nước phục vụ nông nghiệp thì “nhuộm” một màu đen của tro xỉ, bụi khói…
“Ai lần đầu đến đây cũng choáng váng vì tình trạng ô nhiễm. Người dân chúng tôi sinh ra và lớn lên ở đây cũng khó sống lắm, phải làm mọi cách để thích nghi, lâu rồi cũng thành quen. Nhiều nhà không chịu nổi đã phải chuyển đi”, bà Thanh, một người dân làng Mẫn Xá cho biết.
Được biết, thôn Mẫn Xá có khoảng gần 1000 hộ dân, trong đó có gần 500 hộ mở cơ sở tái chế nhôm, đồng, liên tục xả ra môi trường khí thải độc hại cùng các loại phế phẩm khác mà không hề qua xử lý. Nói là cơ sở tái chế nhưng thực tế những cơ sở này hầu hết chỉ là những mô hình tự phát với cơ sở vật chất lạc hậu, thủ công.
|
Văn Môn |
13h, chúng tôi có mặt tại một quán nước ven đường của làng Mẫn Xá, nhìn những người đàn ông dùng máy khò nhiệt cắt bỏ, tháo dỡ những tấm sắt từ những chiếc máy cày hỏng, những người phụ nữ dùng những chiếc que bằng sắt dài chừng 1 mét gẩy những sợi dây đồng ra khỏi đám cháy bốc khói đen kịt.
Những người dân nơi đây cho biết ngày đêm họ sống cùng khói bụi, rác thải đã trở thành quen thuộc, mỗi khi ra đường là phải chuẩn bị kính mắt, khẩu trang, mũ…
“Từ vỏ lon bia, chai, lọ cho tới máy móc thiết bị gì đi nữa miễn bằng đồng, nhôm thì ở đây chúng tôi cho vào lò tái chế hết. Biết là bụi bẩn, ô nhiễm nhưng vì miếng cơm manh áo cũng phải làm thôi. Ở làng này không biết làm nghề này thì chúng tôi biết làm gì sinh nhai đâu?”, một người dân vừa lọc phế liệu vừa nói.
Làng ung thư dần hiện hữu
Được biết, hàng năm ở Mẫn Xá có cả chục người qua đời vì căn bệnh ung thư, hàng nghìn người phải đi khám, chữa bệnh có liên quan tới đường hô hấp. Chưa có ai dám khẳng định, nguyên nhân của tình trạng trên là từ việc đốt rác thải tràn lan, tái chế đồng nhôm gây khói bụi mà ra nhưng chắc chắn đó là một trong lý do.
Nghề tái chế nhôm đồng, phế liệu đã mang lại nguồn thu nhập, ổn định kinh tế cho rất nhiều hộ dân và giải quyết vấn đề việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Trong khi các cơ quan chức năng vẫn đang xem xét, chờ đưa ra các giải pháp mang tính thực tế, tối ưu thì người dân làng Mẫn Xá vẫn ngày đêm phải bám vào “làng nghề ô nhiễm” để kiếm kế sinh nhai, ngày đêm xả khói bụi ra môi trường sống… Và quan trọng hơn, tình trạng ung thư ở đây đã trở nên đáng báo động.
Báo PLVN sẽ tiếp tục phản ánh trong các bài viết sau.