Vi phạm trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư: Sẽ khởi tố, truy cứu trách nhiệm

(PLVN) - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà tại phiên giải trình của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về việc thực hiện pháp luật về quản lý kinh phí bảo trì nhà chung cư hiện nay, những vướng mắc, bất cập và giải pháp tháo gỡ, diễn ra hôm qua (24/4).
Hình minh họa
Hình minh họa

Xử lý nghiêm việc sử dụng kinh phí bảo trì trái quy định

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, tổng hợp số liệu của 40 địa phương có báo cáo đến thời điểm 31/3/2019 cho thấy, có 4.354/4.422 tòa chung cư, chiếm hơn 96% tổng số nhà chung cư đã đưa vào quản lý vận hành nhưng không có vướng mắc tranh chấp về kinh phí bảo trì phần sở hữu chung.

Tỷ lệ tranh chấp khiếu nại về kinh phí bảo trì phần sở hữu chung ở các địa phương có nhà chung cư trên cả nước chiếm tỷ lệ không lớn. Thống kê cho thấy có 11 địa phương có tranh chấp, khiếu nại. 

Cũng theo báo cáo của Bộ Xây dựng, riêng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hiện nay đang có khoảng 400 tranh chấp liên quan đến 2% quỹ bảo trì chung cư; đặc biệt có khoảng trên 50 chung cư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ quỹ bảo trì cho Ban quản trị.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên theo người đứng đầu Bộ Xây dựng, do một số chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án, chỉ chú trọng đến thu lợi nhuận từ việc bán căn hộ mà chưa quan tâm thích đáng đến nghĩa vụ sau bán hàng của mình nên không mở tài khoản riêng để quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung 2% và đưa khoản tiền này phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh của mình.

Sau khi bán căn hộ thì tìm lý do để trì hoãn việc tổ chức hội nghị nhà chung cư bầu Ban quản trị, hoặc khi thành lập được Ban quản trị thì tìm cách thoái thác trong việc bàn giao khoản kinh phí bảo trì này cho Ban quản trị…

Đưa ra giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng kiến nghị cần kiên quyết tổ chức cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp thành viên Ban quản trị sử dụng kinh phí bảo trì trái quy định.

Bộ Xây dựng cũng sẽ phối hợp với Bộ Công an tổ chức điều tra, khởi tố, truy tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là các hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung cư của nhà chung cư trái quy định của pháp luật.

Xem xét lại mức thu lần đầu 

Đặt câu hỏi với người đứng đầu Bộ Xây dựng, đại biểu (ĐB) Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) nêu vấn đề: kinh phí 2% trên tổng giá trị căn hộ được thu 1 lần, Bộ đề nghị giữ nguyên nhưng việc sử dụng qua thanh tra, kiểm tra kết quả thế nào? Thực chất sử dụng ra sao? ĐB Xuyền cũng cho rằng, Luật Nhà ở quy định chủ đầu tư có trách nhiệm bảo hành công trình trong 5 năm.

Vậy việc thu 1 lần của người dân trong 20 năm đầu đã hợp lý và có tạo gánh nặng cho người dân khi mua nhà hay không?  Chủ đầu tư có trách nhiệm bảo hành trong 5 năm đầu, mà hiện tại lại thu của người dân trong 20 năm thì có hợp lý hay không? 

Giải trình vấn đề trên, Bộ trưởng Hà cho biết, vừa qua kinh phí bảo trì 2% có tác dụng bảo đảm sự vận hành an toàn của tòa nhà chung cư theo thiết kế phê duyệt. Còn tại sao phải thu trong 20 năm đầu và thu trong 1 lần, tương đương 2% thì đây là mức thu khá ổn định và là kinh nghiệm thực hiện ở nhiều nước, nhưng cần tính lại thời gian thu thế nào cho hợp lý, vì 2% chưa đủ theo vòng đời của nhà chung cư.

Còn sau 20 năm, nếu cần thiết phải đóng góp thêm để sử hữu chung. “Tuy nhiên, chúng ta có thể xem xét lại mức thu lần đầu có thể 10-15 năm, nên Bộ Xây dựng ghi nhận để tính toán hợp lý hơn”, Bộ trưởng Hà cho hay.

Cũng băn khoăn về vấn đề này, ĐB Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) đặt câu hỏi về những số liệu Bộ Xây dựng báo cáo khi thời gian qua tranh chấp việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư có diễn biến phức tạp, kéo dài, tiềm ẩn nhiều điểm nóng về vấn đề an ninh trật tự. Nhiều nơi người dân còn căng băng rôn, khẩu hiệu. Đặc biệt các tranh chấp thường xảy ra ở những nơi có quỹ bảo trì lớn, có nơi lên đến hơn 30 tỷ. 

Đáp lời, Bộ trưởng Hà cho biết, đúng là ở một số chung cư mức thu 2% không phải nhỏ, có nơi vài chục tỷ trở lên, do vậy phải kiểm soát thế nào để chống lạm dụng tiêu cực thì văn bản quy phạm pháp luật đã nói rõ ràng, vấn đề là tổ chức thực hiện ra sao? Cưỡng chế thế nào?  Theo Bộ trưởng, nên để địa phương có tiếng nói để thấy tính khả thi của quy định pháp luật. “

Tranh chấp quỹ bảo trì thường xảy ra ở nhà chung cư có số thu lớn. Hiện chưa có số liệu về giá trị tranh chấp là bao nhiêu, có những tranh chấp chưa xử lý được; ai đúng ai sai cũng chưa rõ nên chưa đánh giá được thời điểm này”, Bộ trưởng Hà nói. 

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, liên quan đến phí bảo trì 2% hiện nay đang có hai luồng ý kiến. Ý kiến thứ nhất cho rằng nên bỏ việc thu phí bảo trì 2%, sau 5 năm tòa chung cư đi vào hoạt động thì mới thu quỹ này.

Ý kiến thứ hai cho rằng nên duy trì phí bảo trì 2% ngay từ đầu, tuy nhiên cần có cách quản lí, sử dụng hợp lí, tránh tình trạng quỹ bảo trì bị chủ đầu tư “om” lại hoặc bị Ban quản trị tòa chung cư sử dụng không đúng mục đích, thất thoát.

“Quan điểm của Bộ Xây dựng theo ý kiến thứ hai. Cần duy trì quỹ bảo trì ngay từ đầu, tuy nhiên cần có cách quản lí hiệu quả”, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản nói.

Sau phiên giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các ý kiến sẽ được tổng hợp, đánh giá, trước khi đưa ra phương án cuối cùng là có nên duy trì thu phí bảo chỉ chung cư 2% hay không; nếu duy trì, phương án sử dụng, quản lý, giám sát quỹ cũng sẽ phải được thực hiện chặt chẽ, tránh tình trạng tranh chấp như hiện nay xảy ra ở nhiều chung cư.

Đọc thêm