Vì sao đề nghị điều chỉnh quy hoạch dự án khu đô thị mới An Phú - An Khánh?

(PLVN) - Để đảm bảo quyền lợi người dân, chủ đầu tư xin hoán đổi vị trí công viên qua một vị trí khác trong dự án nhằm tái định cư tại chỗ cho các hộ dân. Lý do, vị trí quy hoạch công viên hiện tại nằm ở nơi đắc địa, được xem là “đất vàng”; nếu buộc các hộ dân tại đây di dời để đầu tư công viên sẽ gây thiệt hại cho người dân.
Quy hoạch khu vực

Quy hoạch từ 20 năm trước đã “lỗi thời”

Trước đó, quy hoạch dự án Khu đô thị mới An Phú – An Khánh (quận 2, TP HCM) có chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh Nhà (nay chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà - HDTC) thực hiện năm 1999. Một số vị trí công viên theo quy hoạch trước đây, hiện nằm ở nơi đắc địa được xem là “đất vàng”; và công viên cây xanh theo quy hoạch vẫn nằm trên giấy, chưa được đền bù giải phóng mặt bằng, chưa được đầu tư xây dựng, chưa là công viên trên thực tế.

Ngày 9/1/2017, Văn phòng UBND TP có Thông báo số 15 truyền đạt kết luận của Chủ tịch UBND TP về điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000, 1/500 và chỉ tiêu dân số dự án đầu tư hạ tầng cơ sở Khu đô thị An Phú – An Khánh.

Theo Văn bản này, Chủ tịch TP đồng ý chủ trương điều chỉnh tổng thể quy hoạch dự án, nhưng trên nguyên tắc không làm giảm diện tích các công trình hạ tầng xã hội như cây xanh, công viên, trường học, y tế.

Tại Văn bản số 2059 ngày 18/5/2017 của UBND quận 2 gửi UBND TP HCM về điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu đô thị An Phú – An Khánh thể hiện, dự án Khu đô thị An phú – An Khánh triển khai từ những năm 1998 nhưng đến nay nhiều hạng mục công trình cơ bản như hạ tầng xã hội, công viên cây xanh vẫn chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch được duyệt, nguyên nhân chủ yếu là do chưa hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Cũng theo văn bản này thì quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 của dự án được phê duyệt từ 20 năm trước, đến nay không còn phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện tại, không phù hợp các đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 của 5 phân khu ở đã được duyệt và triển khai xây dựng thực tế giai đoạn 2007 – 2011.

UBND quận 2 cho rằng tiến độ bồi thường trong các năm qua rất chậm, nguyên nhân chính do người dân không đồng thuận với tỷ lệ hoán đổi trước đây. Và do thiếu quỹ nền tái định cư tại chỗ nên người dân không đồng thuận giao đất di dời. Đến nay, tổng diện tích đất chưa thu hồi khoảng 16,6ha, với 437 hộ dân.

Nên điều chỉnh quy hoạch, dành “đất vàng” cho người dân 

Vị trí đất HDTC xin hoán đổi nằm trong quy hoạch công viên, mới chỉ là công viên trên giấy, trên thực tế chưa có công viên bởi chưa được đền bù giải tỏa, chưa được đầu tư xây dựng, hiện người dân vẫn đang sinh sống trên khu đất này.

Do chưa có công viên trên thực tế nên HDTC muốn hoán đổi vị trí quy hoạch công viên sang nơi khác để lấy đất tái định cư tại chỗ cho người dân. Việc hoán đổi này không làm thay đổi kết cấu hạ tầng, ngược lại được cho là còn đem lại lợi ích to lớn cho người dân vì được tái định cư tại chỗ ngay trên nền đất có giá trị cao.

Theo Phương án đền bù giải toả 1518/CV-APAK ngày 27/12/1999, việc bố trí nền tái định cư theo từng lộ giới tuỳ thuộc vào vị trí đất thu hồi và chỉ ưu tiên bố trí tái định cư tại chỗ khi tại vị trí đền bù quy hoạch là nền đất.

Tuy nhiên, hiện trên thực tế, một số hộ mặt tiền Lương Định Của có đất bị đền bù nằm tại vị trí quy hoạch công viên, trạm y tế, chung cư theo phương án; sẽ không được bố trí tại chỗ; mà sẽ được bố trí vào một vị trí khác có lộ giới 18m, trong khi quỹ đất nền còn lại phần lớn có lộ giới 14m, nên không thuyết phục dân trong công tác đền bù thu hồi mặt bằng.

Theo HDTC, những hộ dân đang sinh sống tại khu vực có quy hoạch là đất công viên cây xanh trước đây nhưng chưa được giải phóng mặt bằng, đa số có nguyện vọng được tái định cư tại chỗ; vì bây giờ các vị trí này có giá trị thực tế tăng rất cao. Nếu giải toả trắng và di dời đến vị trí giá trị đất thấp hơn sẽ rất thiệt thòi cho các hộ dân và không nhận được sự đồng thuận, gây khó khăn cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

“Về bản chất, đất công viên cây xanh mới chỉ có trong quy hoạch, người dân vẫn sinh sống trên vị trí đó. Sau khi đền bù giải tỏa xong, việc hoán đổi vị trí quy hoạch công viên cây xanh không làm thay đổi kết cấu dự án, diện tích cây xanh không mất đi, sau khi điều chỉnh thì diện tích cây xanh vẫn như vậy. Còn người dân thì không bị chuyển đến nơi đất có giá trị thấp hơn, mà được bố trí tái định cư ngay trên phần đất của mình có giá trị cao”, đại diện HDTC nhận định. 

HDTC cho rằng đã dành lại toàn bộ lợi nhuận trong mấy năm qua để bỏ ra 2.000 – 3.000 nghìn tỷ đồng hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các hộ dân với giá cao hơn để tạo được sự đồng thuận trong dân sớm bàn giao mặt bằng và mở rộng đường Lương Định Của có chiều dài hơn 1 km, bàn giao Khu II của Sở GTVT TP HCM đầu tư hạ tầng thông thoáng như hiện nay, làm cho giá bất động sản khu vực này tăng chóng mặt.

Có ý kiến nhận xét việc bố trí tái định cư tại chỗ là hài hòa giữa lợi ích của người dân, DN và địa phương, tạo được sự đồng thuận trong dân. Do đó, đề xuất của HDTC được cho là phù hợp với tình hình thực tế, được ủng hộ, UBND TP HCM cần xem xét, tạo cơ chế thông thoáng cho HDTC. Làm như vậy sẽ tránh được tình trạng 20 năm trôi qua nhưng công viên vẫn nằm trên giấy, không thể thực hiện vì thiếu mặt bằng, người dân thì bị “trói chân tay” vì vướng quy hoạch.

Đọc thêm