Vì sao đề xuất di dời “dinh Tỉnh trưởng” (Lâm Đồng) bị phản ứng dữ dội?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Việc Lâm Đồng thống nhất chọn phương án nâng dinh Tỉnh trưởng nằm ở đồi Dinh (điểm cao nhất trung tâm Đà Lạt) cao hơn so với vị trí ban đầu 28m để thực hiện tổ hợp khách sạn cao tầng đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận thời gian qua.
Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt có tuổi đời hơn 110 năm.
Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt có tuổi đời hơn 110 năm.

“Chèn” tổ hợp khách sạn vào di tích

Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt là công trình được người Pháp xây dựng từ trước năm 1910, gắn với lịch sử hình thành phát triển địa phương này. Đây chính là nơi sinh sống và làm việc của Thị trưởng Đà Lạt kiêm Tỉnh trưởng Tuyên Đức trước đây, nên người địa phương quen gọi là “dinh Tỉnh trưởng”.

Đây là tòa nhà đồ sộ tọa lạc trên đỉnh đồi hơn 1.500m, kiến trúc mang tính điển hình ở Đà Lạt, mật độ xây dựng công trình khoảng 10%, là nơi du khách có thể phóng tầm mắt bao quát cả TP. Cùng với rạp Hòa Bình, chợ Đà Lạt, khu dinh thự này là “chứng nhân” nhiều sự kiện lịch sử.

Theo Quyết định 704 về quy hoạch tổng thể Lâm Đồng, trong đó có quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình (TP Đà Lạt) tầm nhìn đến 2050, thì khu trung tâm Hòa Bình sẽ phải giải tỏa, dinh Tỉnh trưởng bị di dời để phục vụ quy hoạch, xây khu khách sạn cao tầng.

Theo phương án quy hoạch Lâm Đồng đưa ra, dinh Tỉnh trưởng sẽ được nâng lên cao 28m so với vị trí ban đầu. Phần dưới và xung quanh sẽ là tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ. Và “Bảo tàng Lịch sử Đà Lạt trong kiến trúc dinh Tỉnh trưởng (cũ) được bảo tồn nguyên vẹn”.

Theo đơn vị tư vấn, “dinh Tỉnh trưởng sẽ di dời khoảng 10m về hướng bắc nhìn về núi Lang Biang để tạo kết nối hài hòa với công trình khách sạn kết hợp thương mại dịch vụ ở phía nam lô đất”. Đồi dinh có diện tích 4,43ha, khi thực hiện công trình khách sạn sẽ có kết cấu 3 tầng chìm, 7 tầng nổi, mật độ xây dựng 30-70%, trên diện tích đất hơn 16.900m2, chiều cao tối đa 55m…

Theo một số nhận xét, như vậy, dinh Tỉnh trưởng có thể sẽ bị can thiệp sâu, làm mất đi giá trị di sản thật để dựng lại một di sản giả. Cách làm này cũng đồng nghĩa với việc sẽ phải chặt bỏ các cây cổ thụ, xóa sổ không gian xanh công cộng hiếm hoi còn sót lại nơi trung tâm Đà Lạt.

Thế nhưng, trong văn bản gửi Hội Kiến trúc sư Việt Nam, UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng: “Nếu như trước đây, dinh Tỉnh trưởng nằm lặng lẽ trên đồi thì bây giờ đồi dinh đến gần hơn, cởi mở hơn và rõ ràng hơn trong tâm trí mọi người. Công trình được giữ nguyên vẹn và nâng cấp trở thành một bảo tàng Đà Lạt ở điểm cao mới, mở cửa cho mọi người, bên cạnh đó còn mang đến cho người dân thêm các trải nghiệm tiện ích hiện đại từ dịch vụ khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ đến việc tham quan không gian, cảnh quan đặc sắc”.

Trước đó, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho rằng, phương án kiến trúc lại khu vực dinh Tỉnh trưởng được đa số ý kiến đồng thuận, lựa chọn, cũng như được UBND tỉnh, Tỉnh ủy Lâm Đồng lựa chọn. Theo như ý tưởng này, sẽ làm lộ rõ hơn nữa vị trí đồi dinh và hướng đến một “ngọn đồi mới” thông qua việc đan cài một dự án khách sạn L’Hotel du Printemps Eternel phía dưới công trình dinh Tỉnh trưởng (cũ) với vườn thực vật, không gian hội nghị, trung tâm sự kiện, thương mại, nhà hàng, lưu trú.

Mô hình quy hoạch dinh Tỉnh trưởng khi bị “chèn” thêm vào hệ thống khách sạn.

Mô hình quy hoạch dinh Tỉnh trưởng khi bị “chèn” thêm vào hệ thống khách sạn.

Đề xuất thiếu thuyết phục

Trước bản quy hoạch mang tính “mất nhiều hơn được” nêu trên, nhiều chuyên gia và người dân đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm không đồng tình. Theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, khu vực đồi dinh có vị trí khá đặc biệt, là đỉnh đồi cao nhất ở trung tâm Đà Lạt, cũng là nơi hội tụ nhiều yếu tố đắc địa. Màu xanh và hình dáng đồi dinh đóng vai trò “một viên ngọc quý giá, kiến tạo không gian đặc sắc của khu vực trung tâm TP. Đừng để không gian TP bàng hoàng vì sự đổi thay này, vì Đà Lạt là nơi hệ thống di sản đã trở thành “linh hồn””.

Theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nếu nói nâng dinh Tỉnh trưởng lên 28m để “tôn vinh” cũng là không thỏa đáng. “Ý định đưa một công trình xưa không hội tụ tiêu biểu về mặt phát triển lịch sử - kinh tế - chính trị - xã hội - văn hóa lên cao như “một đền thờ tôn vinh” tại ngay trung tâm đô thị là khó thỏa đáng”.

Vì mục đích trân trọng, bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên để xây dựng TP di sản Đà Lạt, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị UBND tỉnh và Sở Xây dựng Lâm Đồng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến phản biện của các chuyên gia, kiến trúc sư trong cả nước; không xây công trình khách sạn trên đồi dinh Tỉnh trưởng.

Một LS thuộc Đoàn LS TP HCM còn chỉ ra “lỗ hổng” pháp lý trong đề xuất của Lâm Đồng. Theo Thông tư 01/2017/BTN-MT quy định định mức sử dụng đất xây dựng cơ sở văn hóa, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở thể dục thể thao; thì việc thay đổi mục đích sử dụng đất đồi dinh, từ đất “xây dựng cơ sở văn hóa” sang đất “hỗn hợp” trong Quyết định 229 ngày 12/2/2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng là không có cơ sở pháp lý.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, tác giả của nhiều tượng đài nổi tiếng ở Đà Nẵng nêu ý kiến: “Đà Lạt không chỉ là di sản của tỉnh Lâm Đồng mà là của cả nước ước mơ. Người dân đến Đà Lạt để được hưởng không khí, cảnh trí và xem lại lịch sử qua các kiến trúc”.

Ông Hoàng Công Minh (61 tuổi, ngụ phường 6, TP Đà Lạt) đồng quan điểm: “Dinh Tỉnh trưởng là một công trình mang tính biểu tượng của TP, tôi và nhiều người dân Đà Lạt luôn tự hào và yêu quý. Di tích thì phải gắn liền với lịch sử, có nơi có chốn, nếu di dời đi nơi khác thì sẽ mất đi ý nghĩa của nó”.

Anh Lê Ngọc Hiếu (30 tuổi, sinh ra và lớn lên tại phường 1, TP Đà Lạt) chia sẻ: “Với những người trẻ như tôi, chắc chắn sẽ tiếc, buồn khi toà nhà và cảnh quan khu vực đồi dinh bị thay đổi”.

Sau khi phương án nâng dinh Tỉnh trưởng được đưa ra và nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia, người dân, hiện số phận của công trình kiến trúc độc đáo này vẫn chưa được quyết định.

Đọc thêm