Vì sao đoàn thanh tra không lấy đúng mẫu C2, Rồng Đỏ nghi nhiễm chì để kiểm nghiệm?

(PLO) -Các cơ quan chức năng có “công tâm” trong việc kiểm nghiệm C2, Rồng Đỏ nhiễm độc chì? Các mẫu URC đem đi thử có nằm trong lô hàng bị nhiễm độc chì?
 Theo chuyên gia dinh dưỡng: Nên tạm dừng uống C2, Rồng đỏ cho tới khi có kết quả rõ ràng.
Theo chuyên gia dinh dưỡng: Nên tạm dừng uống C2, Rồng đỏ cho tới khi có kết quả rõ ràng.

Các cơ quan chức năng có "công tâm"?

Mới đây, Bộ Y tế đã yêu cầu lấy mẫu các sản phẩm trà xanh C2, nước tăng lực Rồng Đỏ trên cả nước để xét nghiệm.

Theo đó, việc lấy mẫu tại khu vực phía Bắc sẽ giao Cục An toàn thực phẩm, Viện Dinh dưỡng; khu vực miền Trung do Viện Pasteur Nha Trang phụ trách; khu vực miền Nam được Viện Y tế công cộng TP HCM lấy mẫu. Trong quá trình lấy mẫu và kiểm nghiệm, nếu phát hiện có bất cứ vấn đề gì bất thường liên quan sản phẩm, Bộ Y tế sẽ lập tức xử lý theo quy định.

Có thể nói, Bộ Y tế đang nỗ lực công tâm nhất bằng những biện pháp quyết liệt để đưa ra một kết quả khách quan giúp cho người tiêu dùng bớt băn khoăn, lo lắng về chất lượng của loại nước giải khát này.

Mặc dù vậy, người tiêu dùng làm sao có thể không lo lắng cho được, khi trong quá khứ, vào tháng 9/2015, cuộc thanh tra liên ngành về VSATTP đối với Công ty TNHH URC - Lô CN 22, KCN Thạch Thất - Quốc Oai (Hà Nội) do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tiến hành chỉ diễn ra “thần tốc” chỉ trong hơn 1 tiếng rưỡi, từ 10h10 phút đến 11h45 phút?!

Được biết, Công ty TNHH URC Hà Nội có cả trăm công nhân. Nếu làm theo đúng quy trình thì chỉ tính riêng phần việc kiểm tra giấy khám sức khỏe định kỳ và giấy xác nhận kiến thức ATTP của người lao động cũng mất một lượng thời gian không hề nhỏ.

Như vậy, dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng việc kiểm tra này chỉ là hình thức, “cưỡi ngựa xem hoa”?!

Người tiêu dùng làm sao có thể không lo lắng cho được khi tháng 10/2015, báo chí đã phanh phui một công trình nhà máy của Công ty TNHH URC Hà Nội thuộc Công ty URC Việt Nam xây dựng, có tổng mức đầu tư lên tới 38 triệu USD đã cơ bản hoàn thành và đi vào hoạt động nhưng khi kiểm tra lại phát hiện xây sai phép, không đúng quy hoạch cũng như có một số vi phạm về bảo vệ môi trường?!

Người dân không khỏi hoài nghi về sự “không nghiêm túc” của các cơ quan chức năng, bởi tại sao một nhà máy lớn như vậy xây dựng sai phép suốt thời gian dài nhưng không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời?!

Cũng tương tự, người tiêu dùng làm sao có thể không lo lắng cho được khi cuối năm 2015, Bộ Y tế vẫn khẳng định chỉ cấp phép cho nhập 3,5 tấn salbutamol – chất tạo nạo gây độc chết người, song thông tin từ phía Tổng cục Hải quan cho biết: Chỉ trong 9 tháng đầu của năm 2015 đã có 4,6 tấn salbutamol, cùng với 1,9 triệu bao tân dược có chứa salbutamol được nhập về. Con số chênh lệch khủng khiếp đó cho thấy công tác hậu kiểm cũng như sự quản lý của Bộ Y tế thực sự có phải đang “có vấn đề”?!

Quay lại vụ “nghi án” C2, Rồng Đỏ nhiễm độc chì, URC Việt Nam đã công bố kết quả xét nghiệm từ trong nước cho tới nước ngoài để chứng minh là sản phẩm của họ không nhiễm chì, nhưng URC có dám khẳng định: Những mẫu đem đi thử đó nằm trong cùng một lô hàng với những sản phẩm mà Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm Quốc gia (NIFC) đã kiểm nghiệm và cho ra kết quả bị nhiễm độc chì?

Hay sự thật là: Các mẫu đem đi thử không phải là mẫu nằm trong lô hàng bị nhiễm độc chì?

Và nếu các mẫu thử đó không cùng lô với mẫu mà NIFC đã kiểm nghiệm thì việc cho ra kết quả khác nhau lại là chuyện rất bình thường.

Văn bản được cho là biên bản lấy mẫu xét nghiệm của đoàn thành tra Bộ Y tế: Nguyên liệu và thành phẩm không cùng lô bị nhiễm chì.

Văn bản được cho là biên bản lấy mẫu xét nghiệm của đoàn thành tra Bộ Y tế: Nguyên liệu và thành phẩm không cùng lô bị nhiễm chì.

Các kết quả “sạch” của C2, Rồng Đỏ do Viện Dinh dưỡng hay trung tâm độc lập ở Singapore kiểm nghiệm mới đây có đủ cơ sở để xóa hết “tội danh” nhiễm độc chì của lô hàng C2, Rồng Đỏ sản xuất vào tháng 02/2016 đó không?!

Đoàn thanh tra Bộ Y tế lấy mẫu không liên quan lô C2, Rồng Đỏ nhiễm độc chì?

Trước thông tin nguyên liệu axit citric và sản phẩm: Trà xanh hương chanh C2 và Nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng Đỏ của Công ty TNHH URC Việt Nam có hàm lượng Chì vượt giới hạn cho phép, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã chỉ đạo Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội lấy ngẫu nhiên 5 mẫu Trà xanh hương chanh C2 và 5 mẫu Nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng Đỏ đang lưu thông trên thị trường.

Để thực hiện việc này, đoàn thanh tra do bà Lương Thị Phương Lan, Phó Trưởng phòng Công tác thanh tra, Cục An toàn thực phẩm làm trưởng đoàn đã lập biên bản lấy mẫu 02 sản phẩm: Trà xanh hương chanh C2 và Nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng Đỏ cùng sản xuất ngày 10/5/2016, giao Viện Dinh dưỡng thuộc Bộ Y tế kiểm nghiệm và 02 mẫu phụ gia thực phẩm (nguyên liệu).

Điều đáng nói là mẫu thành phẩm này mới sản xuất ngày 10/5/2016, không cùng lô với 2 mẫu NIFC kiểm nghiệm nhiễm độc chì vượt ngưỡng trước đó (cụ thể, sản phẩm C2, Rồng Đỏ NIFC kiểm nghiệm nằm trong lô hàng sản xuất vào ngày 4 và 19/2/2016).

Thêm vào đó, 02 mẫu phụ gia thực phẩm Citric Acid Anhydrous mà đoàn thanh tra lấy cũng không cùng lô với nguyên liệu C2, Rồng Đỏ nhiễm độc chì vượt ngưỡng trước đó. Cụ thể, mẫu mà đoàn thanh tra Bộ Y tế lấy là lô sản xuất tháng 12/2015, hạn sử dụng 12/2018 và một lô sản xuất tháng 2/2016, hạn sử dụng 2/2019, trong khi nguyên liệu nhiễm độc chì mà NIFC kiểm nghiệm thuộc lô sản xuất tháng 7/2015, hạn sử dụng 7/2018.

Như vậy, liệu có phải đoàn thanh tra của Bộ Y tế cố tình lấy một mẫu vừa mới sản xuất không liên quan đến lô hàng bị nhiễm độc chì kiểm tra?

Do đó, dù chưa có kết quả kiểm nghiệm đợt thanh tra toàn diện trên toàn quốc tới đây nhưng không ít người cũng có thể dự báo về một kết quả kiểm tra hàm lượng chì “vô cùng sạch” sẽ được đưa dồn dập trong các ngày tới hòng làm lệch hướng sự việc?!

Chưa kể tới việc “nghi án” hối lộ 1 tỷ đồng cho 2 cán bộ cơ quan chức năng thuộc Bộ Y tế mới đây dấy lên để làm sai lệch kết quả kiểm nghiệm càng khiến người dùng không khỏi băn khoăn: Liệu có những cái bắt tay trong bóng tối để cho ra những kết quả “đẹp” như mong muốn hay không?

Những câu hỏi này có lẽ sẽ khó có câu trả lời chính xác. Khi vấn nạn an toàn thực phẩm bẩn đang trở “quốc nạn” như hiện nay, sau “nghi án” C2, Rồng Đỏ nhiễm độc chì này, người tiêu dùng Việt có thể lại phải thêm một loại thức uống nữa vào danh sách những thực phẩm cần cân nhắc trước khi đưa vào cơ thể.

Bởi như một chuyên gia kiểm định đã từng nói: “Khi ra các kết quả khác nhau kiểu gì người dùng cũng nghi ngờ, như tôi, tôi cũng băn khoăn: Có sự trung thực trong các kết quả kiểm nghiệm hay không? Công tác quản lý của URC có vấn đề hay không? Tại sao để xảy ra tình trạng: sản phẩm lúc tốt, lúc không đạt, anh có kiểm tra định kỳ để có điều chỉnh cho phù hợp hay không? Không thể để xảy ra tình trạng ngày nay đạt, ngày mai không đạt được…”.

Nhất là khi chì là một kim loại nặng, rất độc, người dùng hoàn toàn không nên dung nạp chì vào cơ thể dù chỉ là một chút ít.

PGS.TS.BS Đỗ Thị Kim Liên hiện đang công tác tại Hội Dinh dưỡng Việt Nam, nguyên trưởng Khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc Gia khi trao đổi với Chất lượng Việt Nam từng nhấn mạnh: “Với đồ uống, thức ăn đưa vào cơ thể mà có chì thì tôi không chấp nhận được”.

Theo bà Liên, với mức độ hàm lượng chì vượt mức như trong nguyên liệu sản xuất C2, Rồng Đỏ (kết quả kiểm nghiệm của NIFC là 0,84 mg/l), có thể sẽ gây ngộ độc cho con người, đặc biệt trẻ em thích sử dụng các loại nước đóng chai.

Vì vậy, vị chuyên gia dinh dưỡng này khuyên: “Trước mắt, người dùng phải tạm dừng lại để chờ xét nghiệm cho rõ ràng, xác nhận xem hàm lượng chì ở trong sản phẩm đó ở ngưỡng như thế nào”.

Uống C2, Rồng Đỏ để rồi phải lo lắng và đặt ra nhiều câu hỏi như trên hay tẩy chay, “nói không với C2, Rồng đỏ” đó là quyền của mỗi người tiêu dùng. Nhưng thiết nghĩ, là một người tiêu dùng thông minh, mỗi người dân nên đưa ra cho mình một quyết định sáng suốt nhất để đảm bảo sức khỏe – vốn quý của chính mình.

Đọc thêm