Lưu vực sông ô nhiễm nhất miền Bắc
Trên 5 lưu vực sông miền Bắc bao gồm: Sông Nhuệ - Đáy, sông Cầu, sông Hồng - Thái Bình - Đà, sông Mã - Chu và lưu vực sông Lam - La, Tổng cục Môi trường , Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã lắp đặt 185 trạm quan trắc. Theo báo cáo của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (QTMTMB), Tổng cục Môi trường, lưu vực sông Nhuệ - Đáy có chất lượng nước mặt kém nhất các lưu vực sông khu vực phía Bắc.
Kết quả quan trắc cho thấy, có 15/185 điểm quan trắc bị ô nhiễm nặng (chiếm 8,1%), xác định tại các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước trên lưu vực sông Cầu (2 điểm), lưu vực sông Nhuệ - Đáy (13 điểm).
Đoạn sông Nhuệ chảy qua TP Hà Nội vẫn không có kết quả khả quan hơn chỉ số năm 2019. Ô nhiễm cục bộ vẫn tiếp diễn từ điểm Phúc La tới điểm Cống Nhật Tựu.
Trên sông Đáy, đoạn chảy qua Hà Nội và Hà Nam, phần lớn các điểm quan trắc ghi nhận môi trường nước sông ở mức kém. Trên các sông nội thành Hà Nội, nước sông vẫn liên tục bị ô nhiễm và không có dấu hiệu được cải thiện.
Trung tâm QTMTMB khẳng định, nguyên nhân là do tiếp nhận nước thải sinh hoạt của TP Hà Nội, TP Thái Nguyên, TP Sông Công và nước thải làng nghề (tỉnh Bắc Ninh).
Lưu vực sông Nhuệ - Đáy có diện tích 7.665km2, chiếm 10% diện tích toàn lưu vực sông Hồng, thuộc địa phận của 5 tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Tổng số dân các tỉnh, thành phố nằm trong lưu vực sông xấp xỉ 12 triệu người, mật độ dân số trung bình khoảng 1.160 người/km2.
Theo báo cáo của Ủy ban lưu vực sông Nhuệ - Đáy, lượng nước thải chủ yếu vào lưu vực sông Nhuệ - Đáy là nước thải sinh hoạt, tiếp theo là nước thải làng nghề, cụm công nghiệp và khu công nghiệp. Mỗi ngày lưu vực sông Nhuệ - Đáy phải tiếp nhận khoảng 1.982 nguồn thải, với tổng lưu lượng nước thải xả khoảng 19.048m3/ngày đêm (ng.đ). Trong đó lưu lượng phát sinh từ sinh hoạt của người dân là 16.421 m3/ng.đ.
Tỷ lệ nước thải sinh hoạt thải ra sông Nhuệ - sông Đáy chiếm tỷ lệ rất lớn so với tất cả các nguồn thải khác gộp lại (lên tới trên 65%), cụ thể như TP Hà Nội thải sinh hoạt thải ra sông Tô Lịch là 150.000m3/ng.đ (chiếm 87%); còn các tỉnh còn lại đều chiếm trên 65%. Tất cả các nước thải sinh hoạt này, hầu hết đều không được xử lý và thải thẳng ra nguồn tiếp nhận và đi vào sông Nhuệ - sông Đáy.
Trong khi đó, lưu vực sông Nhuệ - Đáy đã có 46/50 cơ sở đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, không còn gây ô nhiễm nghiêm trọng, chiếm tỷ lệ 92%; 3/50 cơ sở cơ bản đã hoàn thành biện pháp xử lý triệt để, chiếm tỷ lệ 6%; còn lại 1/50 cơ sở chưa hoàn thành hoặc đang triển khai xử lý triệt để, chiếm tỷ lệ 2%; 16/18 cơ sở hoàn thành xử lý triệt để (chiếm tỷ lệ 88,88%); 2 cơ sở cơ bản đã hoàn thành biện pháp xử lý triệt để (chiếm tỷ lệ 4%) theo Quyết định 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Nước sông chỉ dùng cho giao thông
Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, nước sông lưu vực Nhuệ - Đáy bị ô nhiễm nặng, không đảm bảo để tưới tiêu, sinh hoạt. Môi trường nước sông được cải thiện dần khi chảy qua địa phận tỉnh Hà Nam. Tại đây, nước sông Nhuệ có thể sử dụng được cho mục đích giao thông thủy và các mục đích tương đương khác. Nước sông Nhuệ - Đáy ô nhiễm chảy vào các nhánh sông khác gây ô nhiễm, khiến cá nuôi của người dân ở Hà Nam nhiều lần chết hàng loạt.
Kết quả quan trắc ngày 3/3/2021 tại cống Nhật Tựu, sông Nhuệ có màu đen, mùi hôi, nồng độ ô nhiễm ở mức báo động 2 theo quy định bảo vệ môi trường của UBND tỉnh Hà Nam.
Ông Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, bình quân mỗi năm vẫn có từ 10 - 15 đợt nước thải từ Hà Nội đổ về gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và doanh nghiệp ở các tỉnh hạ lưu và đặc biệt Hà Nam là tỉnh tiếp nhận trực tiếp nguồn nước ô nhiễm từ sông Nhuệ.
Năm 2020, tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên sông Nhuệ - sông Đáy đã diễn ra 12 đợt. Nước sông bị ô nhiễm nặng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân và ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Tháng 9/2020, trên sông Châu đoạn chảy qua địa phận các xã Đinh Xá (TP Phủ Lý), xã Tiên Sơn (thị xã Duy Tiên) xảy ra tình trạng ô nhiễm trầm trọng, gây thiệt hại nặng nề cho người dân nuôi cá lồng trên sông.
Một câu hỏi đặt ra, nếu chỉ do nước thải sinh hoạt thì tại sao Hà Nam mỗi năm hứng chịu từ 10-15 đợt nước thải từ Hà Nội đổ về, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân?