Còn nhớ, khi phiên tòa xử vụ tai nạn giao thông thảm khốc do lùi xe trên cao tốc ở Thái Nguyên gây rúng động dư luận thì vẫn có những những trường hợp lùi xe trên cao tốc, thậm chí có cả xe container hoặc chạy ngược đường liên tục xảy ra.
Mới đây, hội Phết ở Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) bị cơ quan văn hóa và chính quyền yêu cầu không tiến hành nghi thức tranh phết cầu may do trước đó đã xảy ra tình trạng lộn xộn và trò chơi này tỏ ra rất bạo lực. Hàng trăm thanh niên đã bao vây Ban tổ chức, đòi được cướp phết gây ra cảnh náo loạn, lực lượng giữ gìn trật tự lễ hội phải ra sức ngăn cản, vất vả lắm thì trật tự mới được vãn hồi.
Ngoài chuyện hình như tính bạo lực của việc tranh cướp phết “cầu may” đã vượt ra khỏi phạm vi là một trò chơi thì đã có biểu hiện một sự coi thường và bất chấp mệnh lệnh của chính quyền, ngang nhiên vi phạm pháp luật.
Một diễn biến khác, thể hiện sự bất chấp với các quy định của cấp trên, coi thường dư luận, đó là hàng đoàn xe biển xanh ở Hậu Giang đi dự lễ thôi nôi của cháu nội một vị Bí thư huyện ủy thuộc tỉnh này.
Cán bộ còn thế huống chi là dân, quán triệt đến nơi, đến chốn, cảnh báo sẽ bị xử lý nghiêm, đã có nhiều trường hợp trước đó sử dụng xe công không đúng mục đích bị xử lý, mang tai, mắc tiếng với nhân dân, làm xấu đi hình ảnh của cán bộ công quyền, thế mà không lấy đó làm bài học, cứ tái diễn cái hành vi trêu ngươi thiên hạ.
Đáng chú ý hơn, đây là việc rất riêng của một gia đình là thôi nôi cho một đứa trẻ, chỉ khác ở chỗ đứa trẻ đó là cháu nội một đương kim Bí thư huyện ủy. “Nịnh không trong sáng” lộ liễu đến thế là cùng!
Hình như có một não trạng là khi thực hiện một hành vi bất chấp lệnh cấm hoặc ngược với các quy định là sự thể hiện thì phải. Ví dụ như việc cấm đốt pháo thì những người đốt pháo lại “tự hào” với hành vi của mình trước mọi người không dám đốt.
Tết vừa qua đã có rất nhiều nơi đốt pháo mà chính quyền sở tại không xử lý được hoặc làm ngơ. Hoặc như việc cấm biếu xén, quà cáp trong dịp lễ tết, sử dụng xe công đi lễ chùa, cấm đi lễ trong giờ hành chính, cấm tổ chức hội thảo, hội nghị ở các địa điểm nghỉ mát, “phối kết hợp” tham quan, du lịch…
Cấm cứ việc cấm, còn thực hiện hay không là một chuyện khác, người ta tỏ ra thích thú khi thực hiện một hành vi bị cấm đoán và điều này trở nên phổ biến như một hiện tượng xã hội. Đáng lo lắm thay!