Từ chỗ chán ngán kỳ nghỉ Tết dài, có 73,08% người được hỏi cho rằng kỳ nghỉ Tết chỉ nên gói gọn trong 5 ngày từ ngày 29 tháng 12 âm lịch đến hết ngày mùng 3 tháng giêng âm lịch; 4,64% nhất trí kỳ nghỉ Tết có độ dài 4 ngày từ 30 đến hết mùng 3...
Nói vậy để thấy, Tết Nguyên đán nên nghỉ bao nhiêu ngày là nghỉ như thế nào luôn là vấn đề được quan tâm. Hàng năm, cứ trước tết khoảng 2 tháng Bộ LĐ-TB&XH đề xuất phương án nghỉ tết và trình Thủ tướng phê duyệt.
Phương án nghỉ Tết thường không cố định, mỗi năm một khác nhau. Đơn cử như Tết Ất Mùi 2015, lao động được nghỉ từ 27 Tết, kéo dài 9 ngày trong khi Tết Mậu Tuất năm 2018, thời gian nghỉ Tết là 7 ngày bắt đầu từ 29 Tết, Tết Kỷ Hợi năm 2019 thời gian là 9 ngày từ 28 Tết đến hết mùng 6 do kết hợp với cả hai dịp cuối tuần và quy đổi làm bù.
Có thể thấy, khi lên phương án nghỉ Tết, Bộ LĐ-TB&XH chỉ đơn giản là cân đối số ngày nghỉ trước Tết và sau Tết để đảm bảo người lao động có một số ngày nghỉ ngơi phù hợp sau một năm lao động vất vả. Tuy vậy, chi tiết về tác động xã hội khác nhau giữa những phương án nghỉ Tết như thế nào thì phương án của Bộ không đề cập đến.
Bệnh viện quá tải vì Tết
Đó là thực tế mà Tết nào cũng thấy cho dù ngày nghỉ kéo dài 5,7 hay 9 ngày. Tết Kỷ Hợi 2019 năm nay, trong 5 ngày nghỉ tết (tính từ 29 Tết đến hết mùng 3), có hơn 3.442 ca khám, cấp cứu tai nạn do đánh nhau, 1.820 ca phải nhập viện điều trị/theo dõi và 11 trường hợp tử vong. 1.982 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, 488 ca nhập viện để điều trị/theo dõi, 3 ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu. 117 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông...
Theo Bộ Y tế, tính riêng ngày mùng 2 Tết, tổng số ca đến cấp cứu do đánh nhau đến khám là 734 trường hợp, số ca nặng phải nhập viện điều trị, theo dõi là 435 trường hợp. Số ca đánh nhau do rượu/bia trong ngày mùng 2 Tết là 98 trường hợp, có 97 trường hợp phải chuyển viện tuyến trên, có 1 trường hợp tử vong.
Cũng trong ngày mùng 2, tổng số ca khám rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn là 556 trường hợp, trong đó 159 trường hợp được xác định là ngộ độc/say rượu, bia, thậm chí có bệnh nhân nữ mới 19 tuổi đã bị ngộ độc rượu nặng do uống quá nhiều. Trong ngày mùng 2, cả nước có 7.280 trường hợp TNGT.
Số lượt TNGT phải nhập viện điều trị nội trú hoặc theo dõi là 2.794 trường hợp, chuyển tuyến trên điều trị 648 trường hợp. Tổng số ca tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện là 21 ca. Ngày mùng 2 tết có 18 trường hợp khám cấp cứu do pháo nổ, 3 trường hợp nhập viện do chất nổ khác...
Năm 2018, một con số do Sở Công Thương Hà Nội đưa ra là khoảng 200 triệu lít bia - rượu được tiêu thụ. Con số này tương đương 1/20 tổng số 4 tỉ lít bia - rượu tiêu thụ trong năm. Một con số quá ấn tượng bởi đó là chỉ riêng Hà Nội, còn nếu tính toàn quốc, sẽ khoảng 1 tỉ lít bia rượu đi qua dạ dày người Việt dịp nghỉ tết dài ngày. Doanh số ngành bia rượu tăng lên cũng tỉ lệ thuận với tình trạng ẩu đả vì say xỉn, tai nạn giao thông.
Vì Tết mà nhiều gia đình cũng... không vui
Cũng theo khảo sát của công ty trong lĩnh vực điện toán-truyền thông nói trên thì hoạt động chủ yếu của người Việt Nam trong dịp nghỉ Tết là dành cho việc quây quần bên gia đình, người thân 41,33%; chỉ có 17,94% dành thời gian cho tụ tập bạn bè và 8,87% làm việc, trực thêm giờ... Thế nhưng cũng chính trong thời gian nghỉ Tết dành cho gia đình, người thân đó mà nhiều chuyện không vui đã xảy ra...
Trước hết đó là câu chuyện của những người phụ nữ, khi với họ Tết là dịp đày ải với bếp núc, chén bát ngập đầu. Thậm chí đã có người phụ nữ đã phải thốt lên: “Cứ nghĩ đến Tết là tôi muốn bỏ chồng!” vì theo chị lấy chồng 13 năm chị không hề được bước chân về nhà ngoại chúc Tết với trách nhiệm dâu trưởng trên vai.
Bên cạnh đó, nhà chồng chị có tập tục ăn uống xuyên khắp các ngày tết, từ ngày 30 cho đến tận trưa mùng 3. Chiếu nhậu luôn được trải sẵn ở một góc nhà. Trên đó là hũ rượu lớn, những món ăn được bày biện sẵn... Bởi thế với chị nếu như ngày Tết của người ta là thường xúng xính váy áo du xuân thì với chị là xắn tay áo lên và xác định ở trong bếp từ sáng đến trưa, trưa đến tận tối muộn.
Tiếp đó một vấn đề nữa làm đau đầu các ông chồng bà vợ đó là tiết mục lì xì ngày Tết. Vẫn biết rằng phong tục này không phải của người Việt (trong các sách Nam kinh mộng lục, Kim Bình Mai, Hồng lâu mộng... phong tục này phổ biến trong các đại gia tộc Trung Hoa phong kiến từ thời Minh, Thanh) nhưng chính người Việt đã và đang biến nó thành hủ tục với tư duy lì xì không phải vui là chính mà tài lợi là chính.
Không hiếm những câu chuyện trẻ con học tập bố mẹ rút tiền lì xì ra xem ngay trước mặt khách rồi bĩu môi chê ít, anh chàng sinh viên vì nghèo nên mất người yêu khi chỉ có thể lì xì em người yêu 5 ngàn đồng, rồi cô gái nọ mất điểm với bố mẹ chồng tương lai khi cô mừng tuổi họ 50 nghìn mà được nhận lại những 500 nghìn...
Đó là chưa kể những trào lưu mừng tuổi bằng tiền nước ngoài, bằng những miếng vàng đúc hình con giáp của năm đó. Vì vậy đối với lớp người nghèo, tục lì xì ngày càng trở thành vấn đề đáng lo nghĩ. Thậm chí có nhiều người ngày Tết không dám đi thăm bà con vì không kham nổi cái khâu lì xì. Rõ ràng là từ một phong tục mừng tuổi rất dễ thương nó đang tiếp tục diễn biến ngày càng xấu hơn, để trở thành hủ tục, gánh nặng...
Kỳ nghỉ Tết quá dài khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng
Năm 2017, Quỹ Tiền tệ thế giới IMF đưa số liệu ước tính rằng một ngày làm việc, nền kinh tế Việt Nam tạo ra 720 triệu đô. Như vậy nếu đem só tiền này soi chiếu với kỳ nghỉ Tết của hai năm gần đây nhất là 2018 và 2019 với lần lượt 7 và 9 ngày nghỉ có thể thấy nền kinh tế bị ảnh hưởng thế nào dù vẫn biết rằng kỳ nghỉ Tết kéo dài từ 7-10 ngày ở Việt Nam là do Chính phủ ấn định từ đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH.
Với những kỳ nghỉ kéo dài như vậy đồng nghĩa với việc thị trường chứng khoán đóng cửa trong thời gian ấy và hầu như các hoạt động giao dịch kinh tế khác đều tê liệt.
Nghỉ Tết mấy ngày là đủ? |
Chuyện thường thấy ở các doanh nghiệp trong dịp nghỉ Tết dài đó là: mất khách, mất đơn hàng vì nghỉ lâu quá, khách hàng sẽ tìm nguồn cung hàng khác; Nhà nước cho nghỉ Tết thì doanh nghiệp phải thực thi, nếu huy động người lao động làm việc thì doanh nghiệp phải trả lương ngoài giờ cho nhân viên, tối thiểu là gấp rưỡi, gấp đôi lương ngoài giờ theo luật, doanh nghiệp thiệt đơn, thiệt kép; việc quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ dài gây ra sức ì đối với người lao động...
Đó là chưa kể đến gánh nặng mà ngành giao thông phải gánh khi khi nhà nước ấn định kỳ nghỉ dài thì hầu như lao động đều xa quê đều có tâm lý trở về, kéo theo chuyện giá vé tăng chóng mặt, kẹt xe, tai nạn giao thông...
Còn nhớ, cuối năm 2017, Tổng cục Thống kê đưa ra con số, tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD. Tức là chỉ bằng 7% của Singapore; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào. Năng suất vốn đã thấp, cộng tư tưởng “nghỉ ngơi” sau tết, “tháng giêng là tháng ăn chơi”, “mùa lễ hội”… sẽ khiến tình hình sản xuất đình trệ.
Một tiến sĩ kinh tế đã từng tính toán, nếu quãng nghỉ tết dài 9 ngày thì thiệt hại là sẽ mất khoảng 2% GDP, tác động của kỳ nghỉ dài không chỉ là 7 hay 9 ngày mà có thể kéo dài 3 tuần gồm 1 tuần trước tết, tuần tết và tuần “khởi động uể oải” sau tết nên thiệt hại sẽ rơi vào khoảng 5% GDP...
Có nên cắt ngắn kỳ nghỉ Tết?
Để trả lời câu hỏi này cần phải trả lời câu hỏi trước đó là người lao động muốn và cần nghỉ Tết tối đa là bao nhiêu ngày để vừa đảm bảo nghỉ ngơi tái tạo sức khỏe cũng như sum vầy với gia đình, người thân.
Khảo sát của công ty trong lĩnh vực điện toán-truyền thông vào năm 2018 cho thấy có 73,08% người được hỏi cho rằng kỳ nghỉ Tết chỉ nên gói gọn trong 5 ngày từ ngày 29 tháng 12 âm lịch đến hết ngày mùng 3 tháng giêng âm lịch. Như vậy, thời lượng ngày nghỉ Tết không nên kéo dài quá 5 ngày.
Thậm chí có đề xuất cho rằng nên quy định “cứng” số ngày nghỉ tết là 4 ngày từ 30 Tết đến hết mùng 3 Tết. Còn lại, nếu muốn nghỉ thêm người lao động và doanh nghiệp cần thỏa thuận với nhau về số lượng ngày nghỉ làm sao để lao động vẫn được nghỉ ngơi; lao động ở xa được tạo điều kiện để về quê sum họp với gia đình, nhưng cùng với đó sản xuất không bị đình trệ quá lâu.
Nhưng cũng có quan điểm khác cho rằng bản chất của vấn đề không phải là nghỉ bao nhiêu ngày mà cần có giải pháp để người lao động tăng năng suất lao động, chuyên nghiệp trong quá trình sản xuất, cần xóa bỏ tư duy “nghỉ dài”, “chơi xuân” vốn chỉ tồn tại trong sản xuất nông nghiệp lạc hậu.