Theo đó, có tất cả 27 quy hoạch được Bộ Công Thương bãi bỏ. Đó là: Quy hoạch phát triển ngành đúc, dầu thực vật; phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát; công nghiệp dệt may... Bộ trưởng Bộ Công Thương giao Vụ Kế hoạch đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị quản lý chuyên ngành có quy hoạch thuộc diện bãi bỏ xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định đảm bảo công tác quản lý nhà nước hiệu quả, thông suốt. Thật lòng hoan hô Bộ Công Thương.
Đây là một trong các năm qua để lại nhiều dấu ấn về “cách mạng thủ tục”. Năm 2017, với quyết tâm cao nhất của Bộ đã cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh xóa bỏ 420/720 mã hồ sơ HS phải kiểm tra trước thông quan. Năm 2018, “cuộc cách mạng” thủ tục, giấy phép con lần thứ 3 này có nhiều bước cắt giảm mạnh mẽ những thủ tục hành chính (TTHC) gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp. Trở lại với quyết định bãi bỏ quy hoạch, ai cũng biết không quy hoạch thì khó phát triển cho đúng bài bản, nhưng mắc “hội chứng quy hoạch” thì thật là chỉ có ở Việt Nam. Quy hoạch “trên trời”, “dẫm” lên nhau và không thực thi được, tóm lại chỉ nằm trên giấy là “bệnh” quản lý của Việt Nam.
Theo thống kê Việt Nam, có gần 20.000 quy hoạch “liên hợp quốc” từ quy hoạch quốc gia, vùng lãnh thổ, tỉnh/thành phố, quận/huyện từ kinh tế - xã hội nói chung đến các lĩnh lực. Nhiều chuyên gia than trời rằng, chỉ riêng việc rà soát, thẩm định lại hiệu lực, tiến độ triển khai, sự tương thích giữa quy hoạch chi tiết với các quy hoạch cấp trên, sau đó phân loại, chuẩn hóa để tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đã là việc “không thể”. Không có Hội đồng hoặc một cơ quan chức năng nào có đủ năng lực để thẩm định các quy hoạch này. Rất “loạn” quy hoạch. Rất may, Luật Quy hoạch 2017 (Luật số 21/2017/QH14) có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, đã loại bỏ được khoảng 8.400 quy hoạch các cấp: quốc gia, vùng, tỉnh, huyện. Luật đi vào thực hiện sẽ đơn giản hồ sơ thủ tục cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong thực hiện các công trình, dự án.
Theo đó, chính thức bãi bỏ giấy phép quy hoạch, chứng chỉ quy hoạch; quy định chặt chẽ quy trình điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; bãi bỏ các giấy phép con liên quan đến quy hoạch: điều kiện kinh doanh cơ sở in, quy hoạch phương tiện giao thông vận tải...; hợp nhất quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và các quy hoạch hạ tầng khác trong một bản quy hoạch tỉnh. Như vậy, Bộ Công Thương một lần nữa “đi đầu” trong việc đưa Luật Quy hoạch 2017 vào cuộc sống, bằng quyết đáp kịp thời. Chúng ta đã và đang đi giữa “rừng luật” và “rừng quy hoạch”. Về luật, không ít văn bản ban hành vài năm đã sửa; về quy hoạch thì “trói tay”, không biết lối nào mà lần. Cuộc sống đang đòi hỏi bứt phá, không thể chấp nhận mãi tình trạng này.