Vì sao huyện Triệu Sơn hành xử bất nhất trong tiêu chí mời thầu?

(PLVN) -  Để làm rõ thêm thông tin về việc UBND huyện Triệu Sơn “định hướng” cho doanh nghiệp trúng thầu, phóng viên báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục tìm hiểu và phát hiện, cùng là những gói thầu có tính chất giống nhau, nhưng UBND huyện Triệu Sơn lại có những tiêu chí mời thầu khác nhau với nhiều điểm bất thường, nghi vấn.

Ngày 14/04 được sự đồng ý của chủ đầu tư là UBND huyện Triệu Sơn (Thanh Hoá). Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Bảo Nhật đăng tải mời thầu hai gói thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. 

Gói thầu thứ nhất, gói số 3: Thi công xây dựng công trình (bao gồm cả chi phí nghiệm thu đóng điện và vật tư thu hồi) thuộc dự án: Di chuyển đường điện phục vụ GPMB dự án đường nối TP Thanh Hoá với Cảng hàng không Thọ Xuân, đoạn từ cầu Nỏ Hẻn đến đường tỉnh 514 (đoạn đi qua địa phận huyện Triệu Sơn). Theo thông báo mời thầu (TBMT) số 20200430585 với giá trị gói thầu là: 28.041.766.000 đồng.

Gói thầu thứ hai, gói số 3:  Thi công xây dựng công trình (bao gồm cả chi phí nghiệm thu đóng điện và vật tư thu hồi) thuộc dự án: Di chuyển đường điện phục vụ GPMB dự án đường nối TP Thanh Hoá với Cảng hàng không Thọ Xuân, đoạn từ đường tỉnh 514 đến đường vào Cảng hàng không Thọ Xuân (đoạn đi qua địa phận huyện Triệu Sơn). Theo TBMT số: 20200430585 với giá trị gói thầu là 27.673.768.000 đồng.

Tuy cùng là những gói thầu có tính chất giống như gói số 06 (báo PLVN đã thông tin ở bài trước Thanh Hoá: UBND huyện Triệu Sơn “định hướng” cho doanh nghiệp trúng thầu), nhưng lần này bên mời thầu lại thay đổi tiêu chí một cách khó hiểu:

Cụ thể, về hợp đồng tương tự. Hồ sơ mời thầu của hai gói số 03 yêu cầu 02 hợp đồng tương tự trong thời gian 03 năm gần đây và phải là hợp đồng di chuyển các đường điện để phục vụ GPMB. Còn gói số 06 trước đây thì chỉ yêu cầu 01 hợp đồng có thời gian từ 2014 trở lại đây (07 năm)?

Một chủ doanh nghiệp cho biết: tiêu chí mời thầu trên là bất hợp lý, mặt khác trong yêu cầu hợp đồng tương tự phải là hợp đồng di chuyển các đường điện để phục vụ GPMB sẽ gây hạn chế sự tham gia của các nhà thầu khác cũng có kinh nghiệm thi công xây lắp các công trình đường điện, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

Về thang điểm xét: Bên mời thầu đưa ra thang điểm: Tỷ trọng điểm về kỹ thuật (K) là 70%. Tỷ trọng điểm về giá (G) là 30%. Tuy nhiên, theo mục 5.3 “phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá” của mẫu hồ sơ mời thầu xây lắp áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, ban hành kèm theo Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT thì tỷ trọng điểm về kỹ thuật cộng với tỷ trọng điểm về giá bằng 100%, trong đó tỷ trọng điểm về kỹ thuật (K) từ 10% đến 15%. Tỷ trọng điểm về giá (G) từ 85% đến 90%. 

Ông Phạm Văn Thường, Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng huyện Triệu Sơn.
 Ông Phạm Văn Thường, Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng huyện Triệu Sơn.

Trao đổi với phóng viên báo Pháp luật Việt Nam về lý do tại sao lại điều chỉnh những tiêu chí mời thầu như trên, ông Phạm Văn Thường, Giám đốc Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng huyện Triệu Sơn cho biết: "chúng tôi đưa ra tiêu chí vẫn theo luật quy định là từ 3 năm đến 5 năm".

Trước thông tin BQLDA huyện Triệu Sơn cố tình thay đổi tiêu chí mời thầu gói số 03 khác gói số 06 để “dọn đường” cho một doanh nghiệp thân cận trúng thầu, ông Phạm Văn Thường phủ nhận thông tin trên và cho biết thêm: "không ai chủ ý việc đấy cả, đây là đấu thầu công khai chứ không có lý do nào cả, còn vì sao thay đổi về thang điểm và số năm thì tôi sẽ làm việc lại với bên tư vấn rồi thông tin cho báo chí sau".

Trước sự “bất nhất” trong cách mời thầu giữa các gói thầu có tính chất tương tự của UBND huyện Triệu Sơn, ông Đ.A.T - chủ một doanh nghiệp về xây dựng kiến nghị: "Để tạo điều kiện cho các nhà thầu được tham gia cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong đấu thầu theo Luật đấu thầu, chúng tôi đề nghị UBND huyện Triệu Sơn thực hiện mời thầu theo đúng quy định của nhà nước, như vậy sẽ có nhiều nhà thầu tham gia cạnh tranh tiết kiệm hơn cho ngân sách nhà nước".

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc này.

Theo Chỉ thị 03/CT-BKHĐT ngày 24/5/2019 về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực vi phạm trong đấu thầu, tại mục 1 điểm a, b nêu rõ: "Đối với công tác lập HSMT/HSYC được lập theo đúng mẫu tại các thông tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành. Không tự ý chỉnh sửa quy định nêu trong các mẫu HSMT/HSYC hoặc đưa ra các yêu cầu không phù hợp. 

HSMT/HSYC được lập phải khách quan, công bằng, thu hút sự tham gia rộng rãi của các nhà thầu. Tuyệt đối không đưa ra các nội dung mang tính định hướng, tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu hoặc cản trở sự tham gia của nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng; không đưa ra các tiêu chí đánh giá có tính chất cục bộ, địa phương mà chỉ nhà thầu tại địa phương đó mới đáp ứng được".

Đọc thêm