Trước đó, thực hiện văn bản của Văn phòng Chính phủ xử lý kết quả phản ánh của báo chí về các dự án lấp lấn biển ảnh hưởng đến Vịnh Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa đã quyết định thanh tra về việc chấp hành pháp luật với một số dự án (DA) trong đó có DA Alipu Resort do Công ty TNHH Toàn Hưng Nha Trang làm chủ đầu tư và DA Sao Mai Anh của Công ty TNHH Sao Mai Anh làm chủ đầu tư.
Theo Khánh Hòa, năm 2005, Vịnh Nha Trang được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) xếp hạng di tích quốc gia và được tỉnh này phê duyệt Đồ án quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Vịnh Nha Trang từ năm 2011.
Ngày 8/7/2015, Luật Tài nguyên, Môi trường Biển và Hải đảo có hiệu lực và tại khoản 1 Điều 79 Luật này có quy định: Kể từ thời điểm Luật này được công bố, giữ nguyên hiện trạng, không được phép đầu tư, xây dựng mới công trình trong phạm vi 100m tính từ mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền đến khi hành lang bảo vệ bờ biển được thiết lập.
Tuy nhiên, Luật này cho phép xây dựng công trình theo dự án đầu tư đã được quyết định đầu tư hoặc xây dựng công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng trước thời điểm Luật có hiệu lực.
Đáng chú ý, với hai DA nói trên, theo Khánh Hòa, DA Sao Mai Anh được UBND Khánh Hòa cấp chứng nhận đầu tư từ 26/5/2015; còn DA Alipu Resort được Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng từ 7/5/2015. Vì thế, theo tỉnh này, cả hai DA đều được quyết định đầu tư, cấp giấy phép xây dựng trước thời điểm Luật có hiệu lực, vì vậy không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 79 nói trên.
Với DA Alipu Resort và DA Sao Mai Anh, kết quả thanh tra của tỉnh Khánh Hòa công bố cho thấy hai DA này là một phần của DA Khu dịch vụ du lịch và thể thao Hồ Tiên được cấp giấy biên nhận đăng ký đầu tư và cấp giấy phép xây dựng từ năm 2015.
Nếu DA Alipu Resort có diện tích 14.710m2 , quy mô 114 phòng, ranh giới DA không thuộc vịnh Nha Trang; thì DA Sao Mai Anh có diện tích 8.170m2 , quy mô 63 phòng khách sạn và 7 căn biệt thự. Cả hai DA, theo tỉnh Khánh Hòa đều đã được phê duyệt báo cáo ĐTM theo quy định.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư hai DA đã thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp. Vi phạm này đã bị xử phạt hành chính và chủ đầu tư đã chấp hành xong quyết định xử phạt, không tái phạm.
Cũng theo kết quả thanh tra của tỉnh Khánh Hòa, cả hai DA hiện đã xây xong phần thô các hạng mục công trình và hiện đang hoàn thiện nội thất; chủ đầu tư sử dụng đất trong ranh giới DA được duyệt, không có việc đổ đất lấn biển.
Vì thế Khánh Hòa yêu cầu cho phép chủ đầu tư được tiếp tục triển khai xây dựng hoàn thiện công trình theo giấy phép xây dựng được duyệt, yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh việc xây dựng hoàn thành công trình để đưa hai DA vào hoạt động theo quy định.
Báo cáo Thủ tướng, tỉnh Khánh Hòa cũng cho rằng các DA này đã hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, được địa phương giao đất, cho thuê đất bàn giao trên thực địa và cấp “sổ đỏ”, giấy phép xây dựng theo quy định; các DA đều được cấp quyết định đầu tư hoặc cấp giấy phép xây dựng trước thời điểm Luật Tài nguyên, Môi trường Biển và Hải đảo năm 2015 được công bố nên không thuộc đối tượng bị cấm đầu tư, xây dựng mới công trình trong phạm vi 100m tính từ mực nước triều cao về phía đất liền như trong quy định của luật này.
Sau khi Khánh Hòa có kết quả thanh tra các dự án nói trên, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng có ý kiến với các nội dung báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa để có cơ sở báo cáo Thủ tướng xem xét, xử lý.