Vì sao thị trường chứng khoán đạt đỉnh?

(PLO) - Tại buổi tọa đàm “VN-Index cao nhất 9 năm, chứng khoán Việt Nam trước những kỳ vọng mới” vừa được tổ chức, nhiều vấn đề đã được các chuyên gia kinh tế, chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán phân tích, mổ xẻ…
Nhiều chuyên gia đánh giá sự ổn định trong điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh minh họa
Nhiều chuyên gia đánh giá sự ổn định trong điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh minh họa

Thị trường chứng khoán (TTCK) 6 tháng đầu năm 2017 đạt được nhiều kết quả tích cực khi cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đều có sự tăng trưởng vượt bậc. Đến đầu tháng 7, chỉ số VN-Index đã đạt mức đỉnh trong 9 năm trở lại đây, tăng khoảng 17% so với đầu năm 2017 và HNX-Index tăng hơn 23%. 

Đánh giá về bức tranh kinh tế vĩ mô có tác động như thế nào tới TTCK, ông Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết: TTCK Việt Nam đã có những khởi sắc dựa trên nền tảng chính sách rõ ràng, kinh tế hội nhập sâu rộng. Trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký, không chỉ ký về thuế mà còn nhiều cam kết về mặt nhà nước như bảo hộ, đầu tư, chống tham nhũng. 

Chính phủ đã có những nỗ lực vượt bậc trong việc khuyến khích doanh nghiệp tư nhân, cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN). 700 DNNN đã cổ phần hoá mà chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu phải lần lượt lên sàn. Khả năng vốn hoá sẽ tăng lên, sự hấp dẫn cũng tăng lên. Nhiều doanh nghiệp rất hấp dẫn như Sabeco, Habeco. Kinh tế dựa vào rất nhiều những ngành công nghệ chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, ngành này dựa chủ yếu vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi FDI chiếm trên 50% sản lượng công nghiệp Việt Nam, chiếm trên 71% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó Samsung chiếm rất lớn.

Còn TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế cho hay: Chúng ta đứng trước một nghịch lý, đó là chứng khoán thì cao nhất 9 năm nhưng tăng trưởng kinh tế thì thấp nhất trong vài năm gần đây. Trong khi đó thông thường khi kinh tế tăng, chứng khoán tăng. Vậy thì đâu là ảo, cái nào ảo? 

“Tôi cho rằng kinh tế tăng trưởng thấp có rất nhiều lý do và được các chuyên gia nói rất nhiều rồi. Ở đây tôi muốn nói về việc chứng khoán tăng nhanh. Theo quan sát của tôi, trước hết chứng khoán tăng nhanh là do khối ngoại mua ròng. Khối ngoại này mua thì có nhiều lý do, vì M&A hay nhiều lý do khác nữa. Thứ hai là do chúng ta thực hiện nhiều biện pháp tích cực như nới room, chúng ta bãi bỏ toàn bộ trần quy định cứng nhắc cho các nhà đầu tư ngoại, từ đó tạo ra động lực cho sự phát triển của chứng khoán”, TS Phong nói.

Cũng theo ông Phong, thị trường vàng hiện nay không thực sự hấp dẫn, thậm chí giá xuống thấp. Thị trường ngoại tệ cũng không hay vì Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá trung tâm hàng ngày. Các ngân hàng hiện nay đang tăng rất nhanh về dư nợ; Tín dụng tiêu dùng và tín dụng cho bất động sản tăng mạnh. Cho vay bất động sản gắn liền với lãi suất thấp sẽ là một cơ hội tốt cho các đại gia lập dự án để vay. Đây là những yếu tố giải thích một phần cho tăng trưởng kinh tế nhanh, nhưng không phải là ảo bởi từ giờ tới cuối năm xu hướng tăng sẽ còn tiếp tục. 

Dưới góc độ chuyên gia tài chính, ngân hàng, ông Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ: Gần đây, có một số ý kiến tăng trưởng tín dụng đến 20% sẽ đẩy kinh tế nước ta đến mức dư thừa tín dụng. Chúng ta nên cẩn trọng về vấn đề tăng trưởng tín dụng. Việc giảm lãi suất theo tôi nghĩ là có tác động.

Theo ông Hiếu, lãi suất điều hành giảm 0,25% là lãi suất sử dụng trên hệ thống liên ngân hàng. Trong khi đó, các ngân hàng hiện không cho nhau vay nhiều, do đó việc sử dụng lãi suất điều hành có tác động nhưng không nhiều.  Còn lãi suất cho vay giảm 0,5% cho các lĩnh vực ưu tiên dĩ nhiên chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế nhưng rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực đó là vừa và nhỏ, vốn đã rất khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng. Vì vậy, dù lãi suất có giảm thì cũng rất khó khăn trong việc cho vay bởi các ngân hàng còn phải trả lời cổ đông về bài toán rủi ro-lợi nhuận. Rủi ro cao thì lãi suất phải cao. 

“Tôi cho rằng lãi suất không có tác động nhiều nên tôi không xem việc giảm lãi suất là nới lỏng chính sách tiền tệ. Tỷ giá từ đầu năm tới giờ ổn định giúp vững niềm tin của người dân và doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.

Nếu FED tăng lãi suất tháng 9 hay tháng 12 tới, lãi suất đồng USD trong nước sẽ tăng. Lãi suất Libor hiện ở mức 1,2%, nhưng con số này có thể tăng tiếp. Rất nhiều khả năng sẽ có một số vốn sẽ tuồn ra nước ngoài để tìm kiếm mức sinh lời cao hơn. Do đó, chúng ta sẽ có áp lực về tỷ giá.  Ngoài ra, nhập siêu từ giờ đến cuối năm nay sẽ cao hơn, có nhiều áp lực hơn. Đến thời điểm nào đó thích hợp thì tôi cho rằng cần điều chỉnh tỷ giá, điều chỉnh lãi suất đồng USD...

Tại hội nghị, các chuyên gia, các nhà quản lý đã phân tích, đánh giá những khó khăn, thuận lợi của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay. Theo các chuyên gia, chỉ số VN-Index không dừng ở mốc 800 điểm mà còn có thể cao hơn nữa. Với quyết tâm của Chính phủ, đến năm 2019 Việt Nam sẽ có một thị trường chứng khoán đại diện cho nền kinh tế. 

Đọc thêm