Vị thế pháp luật Việt Nam trên sân chơi hội nhập

(PLVN) - Trong hành trình hội nhập, pháp luật đóng vai trò vô cùng quan trọng khi Việt Nam tham gia sân chơi quốc tế. Năm 2019 là năm ghi nhiều dấu ấn quan trọng của hệ thống pháp luật Việt Nam, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế với vai trò “chủ công” của Bộ Tư pháp.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc (thứ ba từ trái sang) – Trưởng Đoàn công tác liên ngành của Việt Nam phát biểu tại Phiên họp xem xét Báo cáo quốc gia lần thứ 3 về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ngày 12/3/2019.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc (thứ ba từ trái sang) – Trưởng Đoàn công tác liên ngành của Việt Nam phát biểu tại Phiên họp xem xét Báo cáo quốc gia lần thứ 3 về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ngày 12/3/2019.

Về hợp tác pháp luật song phương, những ngày cuối năm 2019, Bộ Tư pháp hai nước Việt Nam và Campuchia đã tổ chức Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ hai vào ngày 04-05/12/2019 tại Campuchia.

Trước đó, Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Singapore về hợp tác pháp luật và tư pháp cũng tổ chức Phiên họp lần thứ 5 tại Bộ Tư pháp Việt Nam trong ngày 07/11/2019. Tiếp tục thúc đẩy hợp tác pháp luật, tư pháp với Liên bang Nga, ký kết Chương trình hợp tác với Bộ Tư pháp Cuba, Lào, CHLB Đức…

Trên bình diện khu vực, hợp tác pháp luật khu vực ASEAN luôn được chú trọng thực hiện. Trong năm 2019, Bộ tích cực chuẩn bị Năm Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, triển khai thực hiện Kế hoạch hội nhập ASEAN của Bộ Tư pháp đến năm 2025, đề xuất tổ chức Diễn đàn pháp luật ASEAN 2020...

Hợp tác với EU cũng được quan tâm đẩy mạnh với trọng tâm là triển khai thực hiện hiệu quả, đúng pháp luật Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam và triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Tiểu ban Quản trị tốt, Pháp quyền và Quyền con người của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Liên minh châu Âu... 

Trên bình diện toàn cầu, Bộ Tư pháp đã tập trung triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với các cơ quan của Liên Hợp quốc. Một trong những dấu ấn của hoạt động hội nhập pháp luật quốc tế năm 2019 vừa qua là việc chúng ta xây dựng và bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (Công ước ICCPR) tại phiên đối thoại của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp quốc. 

Dẫn đầu Đoàn công tác liên ngành của Việt Nam tham gia phiên bảo vệ này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc thẳng thắn chia sẻ: “Đáng tiếc là một số câu hỏi, vấn đề do Ủy ban Nhân quyền đưa ra dựa trên những thông tin không chính xác, không có cơ sở về khuôn khổ, chính sách về pháp luật và thực tiễn thi hành tại Việt Nam nhất là trong thời gian gần đây.

Sự khác biệt về cách tiếp cận đối với một số vấn đề giữa Đoàn Việt Nam và Ủy ban Nhân quyền cũng là một trở ngại lớn. Ví dụ có những hành vi, việc làm của một số cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam mà theo quy định pháp luật Việt Nam là vi phạm pháp luật, thậm chí là hành vi phạm tội được quy định tại Bộ luật Hình sự nhưng các thành viên Ủy ban Nhân quyền lại không chia sẻ như vậy; hoặc việc Ủy ban sử dụng thái quá các thông tin từ những nguồn thông tin không được kiểm chứng hoặc những thông tin đã lạc hậu khi đánh giá, nêu câu hỏi hoặc chính trị hóa các vấn đề quyền dân sự, chính trị dẫn đến không khí của phiên đối thoại đôi lúc căng thẳng”.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngọc luôn có niềm tin vào việc bảo vệ thành công Báo cáo vì mục tiêu và nội dung của Công ước cũng hoàn toàn phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc thúc đẩy và bảo đảm thực thi quyền dân sự và chính trị.

“Do vậy, trong quá trình tham gia bảo vệ, Đoàn công tác liên ngành luôn thể hiện tinh thần cầu thị, sẵn sàng đối thoại cởi mở, chia sẻ thẳng thắn với thành viên Uỷ ban Nhân quyền về những nội dung của Công ước cũng như thực tiễn thực hiện của Việt Nam với mong muốn làm tốt hơn, trách nhiệm hơn nghĩa vụ quốc gia thành viên của Công ước ICCPR” – Thứ trưởng đúc rút.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Hữu Huyên cho biết: Quan hệ hợp tác của Bộ với các đối tác quốc tế tiếp tục được tăng cường, mở rộng, đảm bảo phù hợp với chủ trương định hướng của Đảng về hợp tác với nước ngoài về pháp luật và tư pháp, góp phần hỗ trợ tích cực việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành trong năm 2019.

Từ đó, đạt được những kết quả nổi bật trong việc thắt chặt quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp với các quốc gia có quan hệ đặc biệt với Việt Nam là Lào, Campuchia và Cuba cũng như tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác chiến lược Nhật Bản, Pháp, Đức, EU... và tham gia tích cực vào các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ ASEAN để chuẩn bị cho năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020.

Ông Huyên “bật mí”, đi liền với tăng cường, mở rộng hợp tác là yêu cầu quản lý chặt chẽ hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật nhằm tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, vận dụng phù hợp với nước ta, đồng thời giới thiệu với bạn bè quốc tế về thành tựu hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc: “Kết quả thành công của Phiên bảo vệ một phần xuất phát từ sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt nội dung, tăng cường kỹ năng tham gia phiên bảo vệ; sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong Đoàn công tác liên ngành; và nỗ lực cố gắng của từng thành viên trong quá trình chuẩn bị cũng như tham gia bảo vệ tại phiên họp của Ủy ban Nhân quyền.

Bên cạnh đó, không thể không nói đến sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Chính phủ và Bộ Tư pháp cũng như các bộ, ngành trong suốt quá trình tổ chức thực hiện Công ước ICCPR cũng như xây dựng và tham gia bảo vệ Báo cáo ICCPR.

Đọc thêm