Vị trí xứng đáng của họ là trước vành móng ngựa

(PLO) - Tòa án Gia Lai vừa kết thúc phiên xét xử 4 bị cáo nguyên là cán bộ Trạm Kiểm dịch thực vật đặt tại cửa khẩu.
Vị trí xứng đáng của họ là trước vành móng ngựa

Họ bị cáo buộc “Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” với hành vi “thu khống” 1,7 tỷ đồng bỏ túi. Các doanh nghiệp buôn bán qua đây đều phải nộp phí “bôi trơn” hàng trăm triệu đồng khiến họ làm ăn thua lỗ và buộc phaỉ chọn cách đi vòng 500km để qua một cửa khác tại Bình Thuận. Đáng chú ý là những cấp trên phụ trách cái trạm này chối bỏ trách nhiệm không biết những gì đã xảy ra ở trạm, để cho sự lộng hành tiếp diễn trong 4 năm liền, dù cho các doanh nghiệp nhiều lần tố cáo, họ cũng không hề hấn gì khi các bị cáo khai trước Tòa là nhiều lần đưa tiền cho “sếp”  vài chục triệu đồng. Tất nhiên, các “sếp” này cho đó là sự bịa đặt của các bị cáo mà thôi.

Tương tự, vụ xử đại án Oceanbank tại Hà Nội đang diễn ra với các tình tiết bất ngờ, các “sếp” ở Lọc hóa dầu Bình Sơn khi bị triệu tập đến Tòa cũng đồng thanh phủ nhận việc họ nhận 19 tỷ đồng “chăm sóc” của ngân hàng từ lời khai của nữ bị cáo, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng. Không chỉ phủ nhận lời khai này, cho rằng đó là sự bịa đặt, họ còn đề nghị Tòa xem xét trách nhiệm hình sự với nữ bị cáo này tội vu khống.

Động thái phản ứng kiên quyết của các “sếp” này làm người ta nhớ đến thái độ của ông Ninh Văn Quỳnh, Kế toán trưởng PVN khi bị triệu tập đến Tòa theo lời khai của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã chuyển cho ông này hàng trăm tỷ đồng và ông cũng kiên quyết bác bỏ. Chỉ khi đứng trước vành móng ngựa với tư cách bị cáo thì ông này mới chấp nhận là mình đã nhận từ ông Sơn 20 tỷ đồng! Các diễn biến này cho thấy dường như chỉ khi đứng đúng vị trí của mình là trong vòng móng ngựa thì người ta mới chấp nhận một phần sự thật để mong có tình tiết giảm nhẹ là thái độ thành khẩn.

Hiện tại, ở TP Hồ Chí Minh một vụ việc đang gây nên sự bất bình trong dư luận xã hội là việc một số Cảnh sát giao thông chặn xe đòi tiền mãi lộ với bằng chứng không thể chối cãi là hình ảnh ghi lại được từ các camera. Lãnh đạo Công an thành phố nói rằng sẽ xử lý kiên quyết những Cảnh sát giao thông “làm luật” này. Tuy nhiên, dư luận cho rằng chỉ huy các đơn vị có những Cảnh sát giao thông như thế không thể vô can và họ cũng phải chịu trách nhiệm về việc quản lý cấp dưới này, đó là một đòi hỏi có cơ sở và cần làm nếu không muốn tình trạng ‘làm luật” tiếp diễn.

Đó là chuyện không lớn nhưng phải xử lý nghiêm khắc và đến nơi, đến chốn. Cũng tại TP Hồ Chí Minh có những việc lớn, rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông như công trình xây dựng tuyến Metro đội giá từ 19.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng và người ta tìm ra “thủ phạm” của việc đội giá, chậm tiến độ này là “thiếu kinh nghiệm”. Thì ra, có những thứ vô hình, không định tính, định lượng, định danh được có thể  trở thành “bị cáo” thay thế cho những con người thật sự trong việc điều hành, quản lý đô thị và xã hội khi để xảy ra những lãng phí, thất thoát và sai lầm! 

Đọc thêm