“Viện nghỉ dưỡng” không phép tự ý san lấp đất trồng lúa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chưa được giao đất, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa có giấy phép xây dựng (GPXD),… nhưng Cty Tiến Mạnh vẫn tự ý san lấp đất trồng lúa để xây dựng “BV đa khoa, Viện nghỉ dưỡng và Nhà ở đô thị” tại phường Hội Hợp.
Dự án “BV đa khoa, Viện nghỉ dưỡng và Nhà ở đô thị” tại phường Hội Hợp không phép đã gần hoàn thiện.
Dự án “BV đa khoa, Viện nghỉ dưỡng và Nhà ở đô thị” tại phường Hội Hợp không phép đã gần hoàn thiện.

Vi phạm nghiêm trọng

Theo hồ sơ, tháng 2/2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định (QĐ) 438/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư cho Cty CP Đầu tư phát triển xây dựng Tiến Mạnh (trụ sở Khu hạ tầng kỹ thuật tái định cư Hợp Thịnh, huyện Tam Dương) thực hiện “dự án BV đa khoa, Viện nghỉ dưỡng và Nhà ở đô thị” tại phường Hội Hợp với diện tích 25,278ha.

Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý, Cty này đã mua gom nhiều diện tích đất trồng lúa của người dân tại xứ đồng Gò Quân để thực hiện dự án.

Theo phản ánh, từ cuối 2020, chưa được giao đất, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa có GPXD nhưng Cty Tiến Mạnh đã tự ý san lấp đất trồng lúa để thi công xây dựng. Địa điểm xây dựng dự án không phép này nằm sát QL2, chỉ cách trụ sở UBND phường Hội Hợp vài trăm mét, nhưng chính quyền địa phương lại không phát hiện, không lập biên bản, không xử lý vi phạm... Mãi đến 18/1/2021, khi khu nhà BV không phép đã đổ mái tầng 1 và khu nhà ở đã đổ sàn mái tầng 3 thì UBND phường mới lập biên bản, yêu cầu dừng thi công.

Thực tế, công trình không dừng thi công mà vẫn tiếp tục được triển khai. Hơn 1 tháng sau, tại buổi làm việc ngày 26/2/2021, đại diện Sở TN&MT xác nhận Cty Tiến Mạnh chưa được Nhà nước giao đất; việc tổ chức xây dựng công trình là trái quy định. Kiểm tra tại thực địa, Sở TN&MT ghi nhận Cty Tiến Mạnh đã xây dựng công trình BV với diện tích 3.182,9m2, đã xây dựng đổ sàn mái tầng 3, đang dựng cột đổ tầng 4. Công trình “nhà ở cán bộ, nhân viên” đã xây dựng 18 căn với diện tích 1.350m2, đã đổ sàn mái tầng 4, tổng diện tích đã san nền khoảng 9.000m2.

Dù bị yêu cầu dừng thi công nhưng Cty Tiến Mạnh vẫn tiếp diễn vi phạm. Và mãi đến 22/3/2021, UBND phường mới làm tờ trình gửi Chủ tịch UBND TP Vĩnh Yên đề nghị xử phạt Cty này. Sau một thời gian, UBND TP ra QĐ xử phạt Tiến Mạnh số tiền 40 triệu đồng về hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có GPXD.

Sao không buộc khôi phục tình trạng ban đầu?

Ngoài xây dựng công trình không cần phép, Cty Tiến Mạnh còn có hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa sang đất phi nông nghiệp.

Sau khi tham mưu cho TP xử phạt hành vi xây dựng không phép, ngày 11/6/2021, UBND phường Hội Hợp lập biên bản xác định Cty Tiến Mạnh còn có vi phạm chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa để xây dựng công trình tại xứ đồng Gò Quân.

Ngày 17/6/2021, ông Nguyễn Văn Khước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký QĐ xử phạt Cty Tiến Mạnh số tiền 420 triệu đồng.

Theo một số người dân địa phương, vi phạm của Cty Tiến Mạnh kéo dài, chính quyền yêu cầu dừng thi công nhưng vẫn cố tình vi phạm; thể hiện sự coi thường pháp luật; cần xử lý nghiêm. Thế nhưng tại QĐ xử phạt, UBND tỉnh không yêu cầu Cty Tiến Mạnh trả lại hiện trạng đất trồng lúa ban đầu mà chỉ buộc Cty này hoàn thiện thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định.

Theo ghi nhận của PV, sau khi bị UBND tỉnh xử phạt, chính quyền địa phương tiếp tục lập nhiều biên bản, liên tục yêu cầu dừng thi công nhưng Cty Tiến Mạnh vẫn tiếp tục hoàn thiện dự án. Đến nay dự án đã xây dựng xong, đang sơn hoàn thiện 2 khối nhà BV cao khoảng 6 tầng, cùng các dãy nhà ở.

LS Nguyễn Đức Hùng (PGĐ CTy Luật TNHH TGS, Đoàn LS Hà Nội), cho biết: Theo Điều 208 Luật Đất đai năm 2013, Chủ tịch UBND cấp xã (ở đây là phường Hội Hợp) có trách nhiệm phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình lấn, chiếm đất, sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có vi phạm khôi phục tình trạng của đất trước khi vi phạm. “Nếu Chủ tịch UBND cấp xã thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai; tùy vào tính chất, mức độ vi phạm và thiệt hại thực tế xảy ra; có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, theo LS Hùng.

Đọc thêm