Việt Nam làm chủ nhiều kỹ thuật hiện đại đạt trình độ thế giới trong lĩnh vực Y - Dược

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau 5 năm thực hiện, Chương trình Khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng” (mã số KC.10/16-20) đã làm chủ, ứng dụng và phát triển các kỹ thuật, KHCN tiên tiến trong lĩnh vực y dược.
Bệnh viện Bạch Mai thực hiện "sử dụng tế bào gốc tự thân từ mô mỡ và tủy xương trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính”.
Bệnh viện Bạch Mai thực hiện "sử dụng tế bào gốc tự thân từ mô mỡ và tủy xương trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính”.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết Chương trình KC.10/16-20 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức vừa qua, tại Hà Nội.

Sau 5 năm thực hiện, Chương trình triển khai 40 đề tài và 6 dự án, phân bổ đều ở các nội dung nghiên cứu. Trong đó có 41 công bố quốc tế, đào tạo 79 thạc sĩ, 7 bác sĩ nội trú và 49 tiến sĩ và đào tạo nâng cao trình độ KH&CN cho hơn 1.000 nhà khoa học tham gia nghiên cứu chính các đề tài cũng như các nhà khoa học khác cùng tham gia nghiên cứu.

Thông qua thực hiện Chương trình, các nhà khoa học trong lĩnh vực Y-Dược đã công bố 36 bài báo quốc tế uy tín, 223 bài báo khoa học trong nước và đăng ký 25 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích...

GS.TS Phạm Gia Khánh, Nguyên Giám đốc Học viện Quân Y - Chủ nhiệm Chương trình KC.10/16-20.

GS.TS Phạm Gia Khánh, Nguyên Giám đốc Học viện Quân Y - Chủ nhiệm Chương trình KC.10/16-20.

Theo GS.TS Phạm Gia Khánh, Nguyên Giám đốc Học viện Quân Y - Chủ nhiệm Chương trình, nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh góp phần cứu sống nhiều người bệnh với giá thành rẻ hơn so với đi nước ngoài điều trị như ghép phổi, truyền máu song thai, các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư, kỹ thuật chẩn đoán trước sinh, ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị.

Nhiều sản phẩm có chất lượng cao, giá thành rẻ hơn so với nhập khẩu như kim luồn tĩnh mạch, thuỷ tinh thể nhân tạo, sản phẩm điều trị Alzheimer, các kit chẩn đoán bệnh truyền nhiễm...

Cũng theo GS.TS Phạm Gia Khánh, hầu hết các nhiệm vụ tạo ra các giải pháp và công nghệ mới có kết quả đều được ứng dụng ngay trong thực tiễn, điển hình như: Sử dụng tế bào gốc tự thân từ mô mỡ và tủy xương trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đang được ứng dụng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai; Sử dụng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng trong điều trị một số bệnh máu và cơ quan tạo máu đang được ứng dụng điều trị Viện Huyết học truyền máu Trung ương;

Liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư như: Tế bào miễn dịch tự thân gamma delta Tvaf diệt tự nhiên điều trị ung thư phổi, Liệu pháp tế bào CAR-T điều trị bệnh bạch cầu lympho cấp có kết quả tốt trong thực nghiệm, sẽ được ứng dụng trong lâm sàng; Quy trình ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống hoặc người cho chết não đã được ứng dụng tại Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Việt Đức;

Sử dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị đột quỵ não hiện đang được áp dụng tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108; Ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử và kỹ thuật laser quang đông ở thai phụ mắc hội chứng truyền máu song thai và dải xơ buồng ối hiện đang được ứng dụng rất hiệu quả tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội…

Thành công ngành y tế gắn liền với thành công của chương trình KC.10

Tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đánh giá các nghiên cứu, kỹ thuật phát triển nhanh chóng, bắt kịp trình độ của thế giới. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cũng nhấn mạnh tới việc cần đổi mới phương thức quản lý trong giai đoạn tới, cụ thể giao toàn quyền cho các nhà khoa học lựa chọn người đủ năng lực tham gia nghiên cứu, phía cơ quan quản lý chỉ quản lý bằng sản phẩm, kết quả, sản phẩm đầu ra của đề tài.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết đề xuất lựa chọn những kết quả tốt nhất để khen thưởng nhằm khuyến khích hoạt động nghiên cứu, sáng tạo.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế đánh giá cao kết quả của Chương trình và cho rằng thành công ngành y tế gắn liền với thành công của chương trình KC.10.

Ông Quang cũng đề xuất cơ chế phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế để ngày càng nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng trong điều trị, phòng bệnh và đưa sản phẩm vào cuộc sống.

Ghi nhận những đóng góp từ Chương trình, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đánh giá cao và bày tỏ ấn tượng với những kết quả Chương trình đạt được. “Kết quả là những tâm huyết, đam mê của các thầy thuốc, chuyên gia, nhà khoa học vừa làm công tác chuyên môn vừa là những người nghiên cứu chuyên sâu", Thứ trưởng Tùng nhấn mạnh.

Vị Thứ trưởng cho rằng, Chương trình KC.10/16-20 đã đạt được những kết quả rất đánh khích lệ nhưng sẽ trọn vẹn hơn và mang ý nghĩa kinh tế- xã hội, nếu kết nối được nhiều hơn nữa với khu vực doanh nghiệp.

"Hiện nay Bộ đang triển khai Chương trình Phát triển thị trường KH&CN được Chính phủ phê duyệt và gợi ý để doanh nghiệp tham gia đồng hành cùng các nhà khoa học, các nhà khoa học nên quan tâm và tham gia Chương trình bởi đây là phương án tốt để đưa sản phẩm nhanh chóng ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống", Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói.

Định hướng giai đoạn tiếp theo, Thứ trưởng Tùng cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiến hành tái cơ cấu các chương trình KH&CN, trong đó có Chương trình KC.10.

Để nâng cao hiệu quả, Bộ đang thay đổi trong công tác quản lý như về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, cách thức quản lý thực hiện các chương trình. Bộ cũng đang tập trung xử lý, điều chỉnh các thông tư, hướng dẫn quản lý các chương trình để thực hiện tốt nhất chỉ đạo của Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho các nhà khoa học đam mê cống hiến, tập trung cao nhất cho chuyên môn và không bị khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.