* “Hải Phòng mang tiếng oan “định giá “bèo” đất công”
Theo tài liệu mà PLVN thu thập, những thông tin trên là chưa chính xác. Diện tích 88 ha đất ruộng ở huyện ngoại thành Thủy Nguyên đã bị “thổi phồng” là “đất vàng”. Phương án đưa trụ sở cũ của VKSND TP vào quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư BT chỉ là ý tưởng ban đầu, dự kiến. Khi trình lên Thủ tướng, khu đất này không có tên trong danh sách.
88 ha đất nông nghiệp bị “thổi” thành “đất vàng”
Một thông tin trên mạng gần đây cho rằng “để xây dựng 2 chung cư HH3-HH4 Đồng Quốc Bình (với giá hơn 1600 tỷ), Hải Phòng đã bố trí một quỹ đất gồm 7 khu với tổng diện tích 99 ha để thanh toán cho nhà đầu tư Hoàng Huy”.
Thông tin trên mạng liệt kê danh sách các khu đất gồm: “Thứ nhất, trụ sở cũ của Quận ủy - UBND - HĐND quận Hồng Bàng (số 42 Lê Đại Hành, rộng 0,8 ha). Thứ hai, khu đất số 199 Tô Hiệu (trụ sở cũ của Đài PT - TH Hải Phòng, rộng 0,3 ha). Thứ ba, khu đất Nhà máy đóng tàu sông Cấm (5,1 ha). Thứ tư, các lô đất CH1, CH13, N78 Khu đô thị Hồ Sen - Cầu Rào (2,6 ha). Thứ năm, Khu 2A Sở Dầu (1,1 ha). Thứ sáu, trụ sở cũ VKSND TP (số 22 Phan Bội Châu, rộng 1,1 ha). Thứ bảy, khu đất tại Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, huyện Thuỷ Nguyên (88 ha)”.
Thông tin trên mạng cho rằng: “Như vậy là chỉ với việc cải tạo lại 2 chung cư trên nền đất đã có sẵn, Hoàng Huy đã được trả đến 99 ha đất sạch tại những vị trí được coi là đắc địa nhất của Hải Phòng”.
Trao đổi với PLVN, Giám đốc Sở TN&MT Trần Văn Phương vẻ bức xúc khi phản bác những thông tin này: “Thông tin trên là hoàn toàn bịa đặt, không chính xác”.
Ông Phương cho hay sự việc có thể bắt nguồn từ việc TP có danh sách dự kiến 15 khu đất sẽ dành ra để thanh toán cho các Dự án xây dựng lại các chung cư cũ theo hình thức BT với các nhà đầu tư. Một số đối tượng có ý đồ không tốt sau đó đã dựa vào danh sách dự kiến này để suy luận, suy diễn, quy chụp thiếu chính xác.
Ông Phương khẳng định, với Hoàng Huy là nhà đầu tư xây 2 chung cư HH3-HH4 Đồng Quốc Bình, đến nay TP mới thanh toán 1 quỹ đất diện tích hơn 5 ha, từng là Nhà máy đóng tàu sông Cấm.
Ông Phương phân tích: “Trong 99 ha quỹ đất dự kiến thanh toán cho các dự án BT, chỉ có 3 trụ sở làm việc cũ của cơ quan nhà nước, còn lại hơn 97 ha đất chưa được giải phóng mặt bằng, chủ yếu là đất nhà máy cũ, đất nông nghiệp. Trong đó có 88 ha đất ở huyện Thủy Nguyên hiện đang là đất nông nghiệp, TP đang trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương theo quy định”.
Một lãnh đạo UBND TP Hải Phòng đánh giá: “Việc bài viết gộp chung 88 ha này với các diện tích nhỏ hơn hàng chục lần để gọi chung là “đất vàng”, “đất kim cương”, “đắc địa” là cách gieo thông tin xấu, nhằm kích động dư luận”.
Về phía đại diện Hoàng Huy, cho hay: “Hiện trạng diện tích đất ở Thủy Nguyên đang là đất nông nghiệp, đất nghĩa trang, đất ở nông thôn, chưa hề có hạ tầng giao thông đô thị. Chúng tôi được biết TP đang đề xuất Thủ tướng cho chuyển đổi diện tích này sang đất phát triển đô thị theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Thế nhưng thông tin trên mạng đã “dựng đứng” câu chuyện thành “giao khu đất 88 ha tại Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm cho Hoàng Huy””.
Một cán bộ Sở TN&MT cho hay, thực tế thì Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm của Hải Phòng rộng tới 300 ha, nằm ở vị trí hoàn toàn khác, và hoàn toàn không có trong danh sách quỹ đất dự kiến thanh toán cho các dự án BT. “Tác giả thông tin trên mạng đã cố tình đánh tráo thông tin, hoặc nhầm lẫn, thiếu cập nhật kiến thức”, cán bộ này cho hay.
Trụ sở cũ VKS không có trong danh sách trình Thủ tướng
Một thông tin khác được lan truyền trên mạng thời gian qua được dư luận đặc biệt chú ý, là “Hải Phòng định “gán” cả đất lịch sử, bảo tồn cho Hoàng Huy”. Đó là khu đất trụ sở cũ VKSND TP (số 22 Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng).
Trụ sở cũ VKSND TP tại số 22 Phan Bội Châu không có trong danh sách trình Thủ tướng đề xuất thanh toán cho hợp đồng BT |
Trả lời PLVN, Chánh Văn phòng, người phát ngôn UBND TP Hải Phòng, ông Phạm Hưng Hùng cho biết, từ năm 2016, Bộ Tài chính đã có Quyết định 2000/QĐ-BTC điều chuyển trụ sở làm việc của VKSND TP về địa phương quản lý, sử dụng. Trong danh sách ban đầu dự kiến quỹ đất sử dụng để thanh toán cho các nhà đầu tư thực hiện Dự án BT, có tên khu đất này.
“Tuy nhiên đó chỉ là danh sách ban đầu, danh sách dự kiến, có thể thêm bớt tùy vào tình hình thực tế sau này. Để thực hiện việc thanh toán quỹ đất trụ sở cũ cho nhà đầu tư cần phải thực hiện nhiều thủ tục luật định, trong đó phải được sự chấp thuận của Thủ tướng theo quy định tại Nghị định số 69/2019/NĐ-CP ngày 15/8/2019 của Chính phủ (về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT)”.
“Thực tế, hiện TP chỉ báo cáo đề xuất Thủ tướng chấp thuận cho phép sử dụng Trụ sở cũ quận Hồng Bàng tại số 42 Lê Đại Hành và trụ sở cũ Đài PT&TH tại số 199 Tô Hiệu để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Trụ sở cũ VKSND TP cũ tại số 22 Phan Bội Châu vẫn đang được bảo quản nguyên trạng. Vì vậy đặt vấn đề “Hải Phòng định “gán” cả đất lịch sử, bảo tồn cho Hoàng Huy” là không chính xác”, ông Hùng khẳng định.
Ông Hùng cho biết thêm, sau khi UBND Hải Phòng có Văn bản số 7293 ngày 19/11/2019 báo cáo Thủ tướng vấn đề nêu trên, Văn phòng Chính phủ đã xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan. Ngày 8/5/2020, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 3655/VPCP-CN thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: “UBND Hải Phòng nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ ý kiến Bộ Tài chính tại Công văn số 3704/BTC-QLCS ngày 30/3/2020, báo cáo Thủ tướng”.
“Thực hiện ý kiến chỉ đạo, hiện TP đang giao các Sở, ngành nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ ý kiến Bộ Tài chính. Do đó, đến nay Hải Phòng khẳng định chưa giao bất kỳ trụ sở cũ nào cho Hoàng Huy”, ông Hùng nói.
PLVN cũng đã làm việc với Sở KH&ĐT Hải Phòng, và đã được cơ quan này cung cấp các tài liệu chi tiết nhất về quá trình đấu thầu các dự án BT để chứng minh việc đấu thầu là hoàn toàn minh bạch, đúng luật.
PLVN sẽ phản ánh trong các số báo sau.
Sau khi PLVN có bài viết “Hải Phòng mang tiếng oan “định giá “bèo” đất công”, Sở Tài chính TP Hải Phòng đã liên hệ tòa soạn, cung cấp các hồ sơ tài liệu cho PLVN, mong được báo phản ánh rộng rãi để tiếp tục “minh oan” cho cơ quan chức năng địa phương.
Các hồ sơ tài liệu cho thấy việc định giá khu đất từng là Nhà máy đóng tàu sông Cấm để thanh toán cho Hoàng Huy đã có kết luận của Kiểm toán Nhà nước tại “Chuyên đề việc thực hiện các Dự án đầu tư theo hình thức BT giai đoạn 2014-2018 trên địa bàn Hải Phòng”.
Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, dự án đầu tư xây dựng Hoàng Huy Riverside đã được cơ quan Kiểm toán xem xét hồ sơ, xác định đơn giá đất của quỹ đất dùng thanh toán khối lượng thực hiện lần 1 của Dự án BT không thay đổi so với Quyết định 1191/QĐ-UBND ngày 29/5/2018 đã được UBND TP phê duyệt với đơn giá 5.967.000đồng/m2, diện tích đất ở 32.575,6m2; tiền sử dụng đất của quỹ đất dùng thanh toán gần 194,4 tỷ đồng.
Dự án bao gồm 26.541,0m2 (tương đương 44,9% tổng diện tích đất) đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung cho Dự án theo quy hoạch được duyệt. Sau khi hoàn thành xây dựng, các công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án được bàn giao lại UBND quận Hồng Bàng quản lý.
Cũng theo các tài liệu liên quan dự án này, khu đất tại Nhà máy đóng tàu sông Cấm có nhiều âu đà sâu từ 8-10m, nền bê tông nhiều nên đầu tư dự án chi phí san lấp, phá dỡ các công trình cũ, cải tạo mặt bằng rất lớn. Mặt khác khu vực hạ tầng xung quanh không đồng bộ, thường xuyên bị ngập lụt, xuống cấp nghiêm trọng.
Khi tiến hành thực hiện dự án, Hoàng Huy đã phải đầu tư cải tạo, xây dựng lại toàn bộ hạ tầng; xây kè dọc tuyến giáp bờ sông, san lấp có chỗ sâu hơn 8m, khối lượng san lấp gần 68.000m3; xây dựng đồng bộ đường giao thông, cây xanh, cấp thoát nước… Đồng thời để chỉnh trang đô thị xung quanh dự án, Hoàng Huy đã bỏ kinh phí trang trí chiếu sáng cầu đường bộ Tam Bạc, cải tạo hè đường sắt dọc chân cầu Tam Bạc đến hầm chui Trại Chuối.