Kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư tại Dự án Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 1.760 tấn Ure/ngày (DA Đạm Ninh Bình), Kiểm toán Nhà nước (KTNN) phát hiện Ban QLDA Đạm Ninh Bình (Ban QLDA) cấp cho nhà thầu EPC khối lượng than phục vụ chạy thử vượt so với quy định là không đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và hợp đồng.
Kiểm tra của KTNN cho thấy, tổng khối lượng than đã cấp cho hoạt động chạy thử là hơn 371 ngàn tấn, vượt quy định hợp đồng là hơn 251 ngàn tấn. Trong đó, than cám 4A Cẩm Phả hơn 88 ngàn tấn, than cám 5A hơn 283 ngàn tấn; trong khi hợp đồng quy định cả hai loại than trên chỉ được phép nhập 60 ngàn tấn mỗi loại. Số than vượt so với hợp đồng EPC đã ký gây rủi ro hiện hữu thiệt hại kinh phí của Tập đoàn Hóa chất khoảng 661,3 tỷ.
Đáng chú ý, đối với lượng than mà Ban QLDA cấp vượt là sai phạm, nhưng Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất đã có một số văn bản đồng ý việc làm trái này, thậm chí còn có văn bản chỉ đạo giữ lại khoản tiền tương ứng với lượng than cấp vượt so với hợp đồng EPC.
Báo cáo kiểm toán còn cho thấy, công tác mua, quản lý, theo dõi nhập, xuất than phục vụ chạy thử của Ban QLDA và một số đơn vị liên quan có vấn đề. Theo đó, chủ đầu tư ký hợp đồng nhập than cám 5A với hai đơn vị tư nhân nhưng không có hồ sơ, tài liệu chứng minh sự phù hợp về nguồn gốc than theo quy định của hợp đồng EPC (hợp đồng yêu cầu nguồn gốc than Hòn Gai - Cẩm Phả).
Lý do đề xuất mua than từ hai đơn vị tư nhân và việc mua không đúng quy định tiêu chuẩn nguồn gốc than trong dự án được duyệt, theo báo cáo của Ban QLDA là do tình huống cấp bách để phục vụ công tác chạy thử. Tuy nhiên, giải thích này khó chấp nhận bởi theo KTNN, sau khi kết thúc công tác chạy thử (từ 22/9/2012), Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình vẫn tiếp tục mua 4.652 tấn từ các nhà cung cấp này mà không có kế hoạch hay có giải pháp để xử lý khối lượng than ẩm đã nhập còn tồn kho khoảng 23 ngàn tấn.
Cũng theo KTNN, việc sử dụng than của nhà thầu tại một số thời điểm chưa đúng mục đích chạy thử. Đơn cử, trong 80 ngày từ 11/2011-22/1/2012, trục máy nén hệ thống phân ly không khí dừng hoạt động để sửa chữa, nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục cấp than 5A để duy trì hoạt động của nhà máy nhiệt điện và phát điện lưới để thi công (không hoàn toàn phục vụ cho chạy thử). Điều này dẫn đến hết giai đoạn chạy thử, số lượng than cám 5A sử dụng cho nhiệt điện là 282,6 ngàn tấn, gấp 4,7 lần so với số lượng quy định tại hợp đồng là 60 ngàn tấn.
Đáng chú ý, quá trình Ban QLDA bàn giao than phục vụ chạy thử cho nhà thầu còn 127,3 ngàn tấn/370,8 ngàn tấn than không có chứng từ xuất kho bàn giao cho nhà thầu (từ tháng 5/2012 đến hết thời gian chạy thử), chỉ có biên bản thống nhất lượng than đã sử dụng cho chạy thử là 370,8 ngàn tấn khi đã kết thúc chạy thử. “Do đó, KTNN không có cơ sở để xác định thực tế có mua lượng than trên và chạy thử hay không. Việc không có chứng từ xuất kho là vi phạm quy định của Luật Kế toán”, báo cáo KTNN nêu.
Đề nghị Bộ Công an điều tra làm rõ
Từ kết quả kiểm toán, KTNN đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an điều tra làm rõ sai phạm của tập thể, cá nhân liên quan. Trong đó đề nghị làm rõ việc mua, cấp than phục vụ chạy thử vượt khối lượng theo quy định tại hợp đồng EPC khi chưa làm rõ nguyên nhân và phân định trách nhiệm của các bên liên quan đối với phần than cấp vượt, khối lượng than phục vụ chạy thử mà chủ đầu tư đã cấp cho nhà thầu EPC vượt so với quy định của hợp đồng; làm rõ công tác mua, quản lý, theo dõi nhập, xuất than phục vụ chạy thử thiếu chặt chẽ, có dấu hiệu sai phạm như: Nhập than cám 5A không có hồ sơ, tài liệu chứng minh nguồn gốc than; không có chứng từ xuất kho than đã cấp cho nhà thầu, việc sử dụng than của nhà thầu tại một số thời điểm chưa đúng mục đích chạy thử.