Tuy nhiên, theo ông Tiến để câu chuyện buồn của đời mình có được một cái kết tốt đẹp trọn vẹn thì các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum, TP Kon Tum cần điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến những oan sai trên; xử lý trách nhiệm của những cá nhân, tập thể liên quan khi để xảy ra vấn đề oan sai…
Còn nhiều “điểm mờ” cần làm sáng tỏ
Như Báo Pháp luật Việt Nam trước đó, đã có nhiều bài viết phản ánh về vụ án oan sai từng gây chấn động tại khu vực Tây Nguyên liên quan đến ông Phan Tân Tiến (SN 1968, trú tại phường Thống Nhất, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum); bị kết tội “Vu khống” và bị xử phạt 4 tháng 22 ngày tù giam chỉ vì có đơn tố cáo hành vi vi phạm phạm luật của người khác gây ra cho người thân của mình.
Mặc dù, chỉ là một người dân bình thường, học vấn thấp, tài chính khó khăn nhưng với niềm tin tuyệt đối vào sự công bằng, minh bạch của luật pháp nên ông Tiến vẫn kiên trì mang đơn đi “gõ cửa” khắp các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phường để kêu oan.
Sự kiên trì, lòng quyết tâm của ông Tiến cuối cùng cũng được đền đáp khi VKSND TP Kon Tum có quyết định đình chỉ vụ án hình sự số 03/QĐ- VKS, ngày 26/6/2017 đối với bị can Phan Tân Tiến theo khoản 2 Điều 107 BLHS năm 2003, tuyên bố ông Tiến vô tội.
Quyết định này của VKSND TP Kon Tum không chỉ thể hiện sự công bằng của pháp luật luôn được thực thi mà nó còn củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân, dư luận quan tâm đến vụ việc đối với các cơ quan thực thi pháp luật tại Kon Tum nói riêng và cả nước nói chung.
Tuy nhiên, theo ông Phan Tân Tiến thì kể từ khi có quyết định đình chỉ vụ án, kết luận ông này vô tội đến nay các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum vẫn chưa có bất cứ động thái nào để xin lỗi, minh oan công khai đối với ông.
Bên cạnh đó, ông Tiến cũng cho rằng để câu chuyện buồn của cuộc đời mình có được một cái kết trọn vẹn, cũng như để người dân tin tưởng tuyệt đối vào sự công bằng của pháp luật thì vụ việc oan sai của ông vẫn còn rất nhiều điểm mờ cần được làm rõ.
Thứ nhất, ông Phan Tân Tiến có đồng quan điểm đối với VKSND Tối cao và TAND Tối cao khi trong tất cả các văn bản, kết luận của 2 cơ quan này đều chỉ rõ việc Cơ quan CSĐT, VKSND TP Kon Tum không tiến hành điều tra, khởi tố hình sự đối với hành vi “Cố ý gây thương tích” của ông Nguyễn Đức Hoàng (Khi đó là Chánh thanh tra Sở Y tế tỉnh Kon Tum) là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Theo ông Tiến, Cơ quan CSĐT TP Kon Tum lấy lý do ông Nguyễn Đức Hoàng dùng cuốc bổ vào đầu bà Phan Thị Uyên Trâm (cháu ông Tiến) gây thương tích 10% (tạm thời) trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi vi phạm pháp luật của bà Trâm và gia đình gây ra là thiếu căn cứ pháp luật.
Hình ông Nguyễn Đức Hoàng dùng cuốc bổ vào đầu bà Trâm gây thương tích 10% (tạm thời). Ảnh cắt từ clip |
Điểm nghi vấn thứ 2 của ông Phan Tân Tiến đó là việc nghi ngờ có sự không minh bạch trong quá trình điều tra nên ông Tiến đã có đơn kiến nghị yêu cầu thay đổi điều tra viên và kiểm sát viên trong giai đoạn hủy án điều tra lại nhưng không nhận được sự đồng ý của Công an, VKSND TP Kon Tum.
Ông Tiến rất mong các cơ quan chức năng sớm điều tra làm rõ việc trên theo đúng quan điểm chỉ đạo của VKSDN Tối cao và TAND Tối cao về việc đảm bảo sự minh bạch trong quá trình điều tra vụ việc. Ông Tiến cho rằng Cơ quan CSĐT TP Kon Tum quyết định không khởi tố vụ án hình sự, đồng thời ra quyết định xử lý hành chính đối với ông Nguyễn Đức Hoàng về hành vi “Xâm hại đến sức khỏe của người khác” là trái với qui định của pháp luật.
Vì theo ông Tiến, ông Hoàng vốn là một cán bộ chủ chốt của Sở Y tế tỉnh, có học thức, nắm rõ những quy định của pháp luật. Nên không thể nói hành vi dùng cuốc bổ vào đầu bà Trâm là trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được.
Đặc biệt, khi sự việc xảy ra vẫn còn sự có mặt của một số cán bộ, chiến sỹ công an tại hiện trường. Điều này, có thể nói hành động của ông Hoàng là coi thường pháp luật và mang tính chất côn đồ. Hoàn toàn có thể khởi tố hình sự theo mục i, khoản 1 điều 134 BLHS 2015.
Ông Phan Tân Tiến chia sẻ về những nghi vấn của bản thân về quá trình điều tra gây ra oan sai |
Hiện tại bản thân vẫn phải chịu nhiều áp lực
Chia sẻ với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Tiến cho biết, mặc dù đã có quyết định đình chỉ vụ án của VKSND TP Kon Tum khẳng định mình vô tội từ giữa năm 2017 nhưng đến nay ông Phan Tân Tiến vẫn chưa được bất cứ cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội tại tỉnh Kon Tum tiến hành xin lỗi công khai.
Điều này, khiến ông Tiến tuy đã được minh oan nhưng hàng ngày vẫn phải sống trong tâm lý của một kẻ có tội. Chính sự im lặng đến khó hiểu của các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum trong việc xử lý triệt để vụ việc trên khiến ông Tiến và người thân cảm thấy rất lo lắng.
Hay như việc, trong quá trình hủy án để điều tra lại; mặc dù trong các văn bản, kết luận của VKSND Tối cao, TAND Tối cao đều khẳng định hành vi gửi đơn tố cáo vợ chồng ông Nguyễn Đức Hoàng của ông Phan Tân Tiến là có thật, với mục đích làm rõ hành vi dùng cuốc bổ vào đầu bà Trâm gây thương tích 10% (tạm thời) của ông Hoàng. Nội dung tố cáo là có cơ sở không bịa đặt hay xúc phạm, vu khống đối với vợ chồng ông Hoàng.
Thế nhưng, trong quá trình điều tra lại; tại bản kết luận điều tra số 64/KLĐT ngày 13/6/2016 của Cơ quan CSĐT TP Kon Tum vẫn khăng khăng kết luận ông Tiến phạm tội “Vu khống”. Cho đến hiện tại, mỗi khi nghĩ đến quá trình vụ việc nếu bị điều tra lại ông Tiến lại sợ viễn cảnh như trên sẽ xảy ra một lần nữa.
Bản kết luận điều tra số 64/KLĐT của Cơ quan CSĐT TP Kon Tum khẳng định ông Tiến phạm tội "Vu khống" |
Thời gian, gần đây cuộc sống của ông và gia đình lại bị đảo lộn, tâm lý lo lắng, bất an lại bao trùm mọi người. Vì vậy, ông Phan Tân Tiến mong muốn những nghi vấn của mình sớm được làm rõ, sớm được xin lỗi công khai để trở về cuộc sống của một người công dân bình thường trong xã hội.