Vietbank được nhắc đến như thế nào trong hoạt động kinh doanh trái phép của Bầu Kiên?

(PLO) - Ngân hàng Vietbank đã nhận tiền lòng vòng trong quá trình Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo Công ty Chứng khoán ACB đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB sai quy định. Ngoài ra Vietbank còn được nhắc đến khá nhiều trong hoạt động kinh doanh trái phép của Bầu Kiên. 

Như Báo Pháp luật Việt Nam đã đưa tin, vào ngày 16/4 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) và các đồng phạm. Tuy nhiên, ngay trong phiên xét xử đầu tiên, HĐXX đã phải tuyên bố tạm hoãn phiên tòa do sự vắng mặt của bị cáo Trần Xuân Giá.

Trong vụ án này, Nguyễn Đức Kiên bị truy tố về 4 tội danh: Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bị cáo Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Liên quan đến tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” của Bầu Kiên và đồng phạm, tài liệu của Cơ quan CSĐT cho biết, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) đã nhận tiền lòng vòng trong quá trình Kiên chỉ đạo Công ty TNHH Chứng khoán ACB đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB sai quy định, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB tổng số tiền là 688.474.784.540 đồng.

Nhận tiền lòng vòng

Theo hồ sơ vụ án, do thời điểm cuối năm 2009, giá cổ phiếu của Ngân hàng ACB bị giảm sút, trước sức ép của các cổ đông, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ký thông báo số 4478/CV-TH.09 ngày 5/11/2009 ra chủ trương dùng tiền huy động của dân cấp tín dụng cho Công ty TNHH Chứng khoán (Công ty ACBS) để mua cổ phiếu Ngân hàng ACB nhằm mục đích đẩy giá cổ phiểu Ngân hàng này lên.
Phiên tòa xét xử Bầu Kiên đã bị tạm hoãn. 

Do biết pháp luật không cho phép Công ty ABCS mua cổ phiếu Ngân hàng ABC vì đây là công ty do Ngân hàng ACB sở hữu 100% vốn điều lệ. Bởi vậy, để thực hiện chủ trương nói trên và để tránh sự phát hiện của cơ quan pháp luật, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Công ty ABCS ký hợp đồng đầu tư với Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu (Công ty ACI) và Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (Công ty ACI-HN). Mục đích của Kiên là tiếp tục thông qua 2 công ty này mua cổ phiếu Ngân hàng ACB.

Tiếp đó, do pháp luật quy định Ngân hàng ACB không được cấp tín dụng cho Công ty ACBS, Kiên đã chỉ đạo Công ty này phát hành trái phiếu với trị giá 1.500 tỷ đồng bán cho Ngân hàng Vietbank (500 tỷ đồng), lãi suất trái phiếu Công ty ACBS trả cho Ngân hàng Vietbank và Kienlongbank là từ 11,05% đến 14%/năm, đảm bảo bằng tín chấp.

Để các Ngân hàng Vietbank có tiền mua trái phiếu của Công ty ACBS, Ngân hàng ACB đã chuyển cho các ngân hàng này tổng số tiền là 1.500 tỷ đồng dưới hình thức là các ngân hàng này vay tiền của Ngân hàng ACB thông qua thị trường liên ngân hàng, với lãi suất từ 9,8% đến 11,7%/năm.

Từ tháng 11/2009 đến ngày 10/2012, Công ty ACBS đã dùng số tiền 1.557.165.962.590 đồng từ nguồn vốn phát hành trái phiếu bán cho Ngân hàng Vietbank và Kienlongbank cùng với vốn tự có chuyển cho các Công ty ACI, ACI-HN để 2 công ty này đứng tên mua hộ Công ty ACBS 52.508.538 cổ phiếu Ngân hàng ACB dưới dình thức hợp đồng hợp tác đầu tư.

Trong quá trình thực hiện việc đầu tư cổ phiếu nói trên, Công ty Kiểm tóan PWC (Pricewaterhouse Coopers)  phát hiện việc mua cổ phiếu Ngân hàng ACB thông qua Công ty ACI và ACI-HN của Công ty ABCS là trái pháp luật nên đã yêu cầu  Công ty ACI và ACI-HN trả lại số tiền mà Công ty ACBS đã chuyển cho 2 công ty này để loại bỏ số cổ phiếu Ngân hàng ACB ra khỏi danh mục đầu từ của Công ty ACBS.

Để các Công ty ACI và ACI-HN có tiền trả lại cho Công ty ACBS, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo 2 công ty này phát hành trái phiếu bán cho Ngân hàng Vietbank với tổng giá trị là 1.693 tỷ đồng. Để Ngân hàng Vietbank có tiền mua trái phiếu của các Công ty ACI và ACI-HN, Kiên lại chỉ đạo Ngân hàng ACB chuyển cho Ngân hàng  Vietbank vay thông qua thị trường liên ngân hàng với lãi suất 9,8% đến 11,7%/năm.

Cơ Quan CSĐT tiến hành xác minh tại Ngân hàng ACB, kết quả cho thấy: số tiền 1.557.165.962.590 đồng mà Công ty ACBS đã chuyển cho các Công ty ACI, ACI-HN để 2 công ty này đứng tên mua hộ Công ty ACBS 52.508.538 cổ phiếu Ngân hàng ACB với giá bình quân 29.566 đồng/cổ phiếu là tiền Công ty ACBS thu được từ việc phát hành trái phiếu bán cho Ngân hàng Vietbank và vốn tự có của công ty này.

Số tiền các Ngân hàng Vietbank mua trái phiếu của Công ty ACBS là tiền do Ngân hàng ACB và Công ty CP SXTM DV Bình Chánh (thuộc sở hữu của Ngân hàng ACB) cho các ngân hàng này vay thông qua liên ngân hàng với lãi suất 11,7%.

Toàn bộ số tiền 1.544.734.192.625 đồng mà Ngân hàng Vietbank mua trái phiếu của các Công ty ACI và ACI-HN trong các năm 2009, 2010 là tiền do Ngân hàng ACB và Công ty TNHH MTV quản lý quỹ ACB, Công ty CP SXTM DV Bình Chánh cho Vietbank vay thông qua liên ngân hàng với lãi suất 13,5%/năm.

Ngân hàng ACB giao cho Công ty ACBS chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ tiền gốc, lãi trái phiếu và cam kết mua lại trái phiếu do Công ty ACI và ACI-HN phát hành tại Vietbank khi đến hạn vào tháng 7/2013.

Cho tới khi “Bầu Kiên” bị bắt tạm giam, Công ty ACBS đã quyết toán các khoản trái phiếu với Ngân hàng Vietbank. Tổng số tiền lãi suất trái phiếu mà Công ty ACBS trả cho các ngân hàng này là 539.696.279.167 đồng; tổng số tiền lãi liên ngân hàng mà Ngân hàng ACB nhận từ các Ngân hàng Vietbank là 18.440.673.613 đồng; tổng số tiền chênh lệch là 60.498.951.805 đồng.

Số trái phiếu mà Công ty ACI và ACI-HN phát hành bán cho ngân hàng Vietbank đến thời điểm “Bầu Kiên” bị bắt tạm giam còn 1.193 tỷ đồng chưa quyết toán. Ngân hàng ACB cũng chưa thu hồi số tiền 1.193 tỷ đồng đã cho Vietbank vay để mua trái phiếu 2 công ty nói trên, trong khi chỉ còn 19.568.538 cổ phiếu Ngân hàng ACB.

Tổng số tiền lãi trái phiếu mà Công ty ACI và ACI-HN đã trả cho Vietbank tính đến ngày 30/4/2013 là 425.413.788.354 đồng, tổng số tiền lãi liên ngân hàng mà Ngân hàng ACB nhận từ Ngân hàng Vietbank là 412.625.561.111 đồng, chênh lệch 12.788.227.243 đồng.

Như vậy, tổng số tiền lãi chênh lệch giữ lãi suất trái phiếu và mà Công ty ACI và ACI-HN phải trả cho cho Ngân hàng Vietbank với lãi suất liên ngân hàng mà các ngân hàng này phải trả cho Ngân hàng ACB là 74.038.179.048 đồng. Con số nàynày phù hợp với kết quả xác minh tại các Ngân hàng Vietbank, và các Công ty ACBS, ACI, ACI-H-N.

Thoát vòng lao lý?

Trong bản kết luận điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ghi rõ về hành vi nhận tiền gửi lòng vòng của Ngân hàng Vietbank từ Ngân hàng ACB để mua trái phiếu do Công ty ACBS, ACI, ACI-HN phát hành rồi mua lại chính cổ phiếu ACB nói trên.
 Vietbank đã nhận tiền lòng vòng từ ABC, tạo điều kiện cho Bầu Kiên mua lại cổ phiếu của chính ngân hàng này.

Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT Ngân hàng Vietbank không biết mục đích của Ngân hàng ACB là để cấp tín dụng cho Công ty ACBS đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB. Số tiền mà Vietbank cũng như Kienlongbank vay từ Ngân hàng ACB nằm trong hạn mức gửi liên ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép với lãi suất theo quy định.

Số tiền lãi trái phiếu Ngân hàng Vietbank thu được từ việc mua trái phiếu của các công ty ACBS, ACI, ACI-HN được các ngân hàng này hạch toán đầy đủ vào sổ sách kế toán. Vì vậy, Cơ quan CSĐT cho rằng chưa có đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân liên quan tại Ngân hàng Vietbank liên quan đến hành vi này.

Ngoài việc nhận tiền gửi lòng vòng từ Ngân hàng ACB nói trên, tên của Ngân hàng Vietbank còn được nhắc đến khá nhiều trong các hoạt động Kinh doanh trái phép của Bầu Kiên.

Theo cáo trạng, mặc dù Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại B&B (Công ty B&B) không được cấp phép ngành nghề kinh doanh tài chính nhưng từ tháng 9/2009 – 3/2011, Bầu Kiên đã chỉ đạo công ty này sử dụng 2.348.995.679.720 đồng để mua cổ phần và góp vốn vào các công ty khác.

Trong đó, ngày 15/12/2010, Công ty B&B đã ủy thác cho Đặng Ngọc Lan 39 tỷ đồng, Đào Văn Kiên 140 tỷ đồng và Nguyễn Tuấn Anh 145.600.000.000 đồng để những người này mua cổ phiếu của Ngân hàng Vietbank.

Cũng giống trường hợp của Công ty B&B, tại Công ty TNHH Đầu tư ài chính Á Châu Hà Nội (Công ty ACI-HN), mặc dù công ty này không được phép kinh doanh tài chính nhưng Nguyễn Đức Kiên vẫn chỉ đạo sử dụng hơn 1,4 nghìn tỷ đồng để góp vốn vào các công ty khác và mua cổ phiếu của một số ngân hàng.

Trong đó, khoảng thời gian từ tháng 12/2008 – 6/2011, Bầu Kiên đã chỉ đạo Công ty ACI-HN sử dụng 8.750.000.000 đồng ủy thác cho Ngân hàng ACB mua 17.500 cổ phiếu Vietbank.

Bên cạnh đó, ngày 29/7/2010, Công ty ACI-HN phát hành 3.500.000 trái phiếu, tổng trị giá 350 tỷ đồng bán cho Vietbank. Sau đó, Công ty ACI-HN sử dụng tiền bán trái phiếu và vốn huy động trả cho Công ty ACBS số tiên 353.484.112.415 đồng để mua lại 11.907.100 cổ phiếu Ngân hàng ACB.

Tại Công ty CP Phát triển sản xuất XNK Thiên Nam (Công ty Thiên Nam), theo cáo trạng, công ty này được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 18/1/1995 và đăng ký thay đổi lần thứ 7 vào ngày 30/6/2000. Ngành nghề kinh doanh của Công ty Thiên Nam là sản xuất hàng may mặc, thêu ren; kinh doanh xuất nhập khẩu các sản phẩm ngành công nghiệp nhẹ, thủ công mỹ nghệ… và không có hoạt động kinh doanh liên quan đến vàng. 

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Bầu Kiên, ngày 30/11/2009, ông Lê Quang Trung – Tổng Giám đốc Công ty Thiên Nam ký thỏa thuận với Ngân hàng Vietbank về việc chuyển giao và tiếp tục thực hiện Hợp đồng kinh doanh vàng trạng thái do Vietbank ký với Ngân hàng ACB.

Từ ngày 30/11/2009 đến ngày 30/07/2010, Nguyễn Đức Kiên đã đại diện cho Công ty Thiên Nam đặt 49 lệnh giao dịch vàng trạng thái với số lượng 150.000 Ounce; Giao dịch mua, bán vàng vật chất trong nước với số lượng 37.500 lượng vàng JSC và giao dịch mua bán vàng với nước ngoài với số lượng là 75.000 Ounce thông qua tài khoản của Ngân hàng ACB. Việc kinh doanh vàng này của “Bầu Kiên” bị lỗ 433.337.386.791 đồng./.

Đọc thêm