Danh sách xếp hạng mà Forbes đưa ra hầu hết là các công ty dẫn đầu trong từng lĩnh vực kinh doanh, có nhiều đóng góp vào sự phát triển KT-XH thông qua đổi mới sản phẩm, công nghệ, sáng tạo trong cung ứng dịch vụ. Với tổng giá trị hơn 5,4 tỷ USD, Top 40 thương hiệu năm nay tăng 20% về giá trị so với danh sách công bố năm 2016.
Theo Forbes, danh sách được đưa ra trên cơ sở tính toán vai trò đóng góp của thương hiệu vào hiệu quả kinh doanh của DN. Những thương hiệu giá trị nhất là thương hiệu đạt mức doanh thu lớn trong các ngành mà thương hiệu đóng vai trò chủ đạo.
Sau khi lập danh sách sơ bộ hơn 80 DN có thương hiệu, Forbes Việt Nam tính toán thu nhập trước thuế và lãi vay, sau đó xác định giá trị đóng góp của tài sản vô hình. Việc thu thập số liệu của các DN dựa trên báo cáo tài chính của các công ty, dữ liệu trên thị trường chứng khoán. Một số công ty chưa niêm yết đồng ý cung cấp dữ liệu tài chính để tạp chí này tính toán.
Trên thị trường nội địa, Forbes đánh giá Vietcombank là “Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam” liên tục trong 5 năm qua với nhận xét tích cực về vai trò dẫn dắt thị trường của cổ phiếu VCB khi liên tục duy trì mức giá cao nhất ngành ngân hàng. Bảng xếp hạng “2.000 công ty đại chúng lớn và quyền lực nhất thế giới” của Forbes cũng cho thấy Vietcombank là ngân hàng có thị giá lớn nhất thị trường nội địa.
Với sự phát triển ổn định, hiệu quả trong nhiều năm liên tục, hướng tới tăng trưởng bền vững, tiên phong áp dụng các chuẩn mực ngân hàng hiện đại, Vietcombank đặt mục tiêu trở thành ngân hàng số 1 Việt Nam, 1 trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới vào năm 2020.