Đẩy lao động ra đứng đường...
Theo phản ánh của 48 công nhân lao động, năm 2000, họ được Công ty CPMT&DV Đô thị Vĩnh Yên ký hợp đồng lao động làm việc với Công ty và đều hoàn thành tốt những phần việc của mình, đảm bảo đúng nội quy của cơ quan.
Tuy nhiên, sự việc bị vỡ lở khi Công ty bị những lao động “đòi” tiền trợ cấp hơn 700 triệu đồng mà đáng ra họ được chi trả. Nghi bị phát hiện những vi phạm của mình, ngày 31/7/2013, Công ty CPMT&DV Đô thị Vĩnh Yên thông báo điều chuyển 48 công nhân của mình sang làm việc tại Liên doanh Công ty CPĐT Quốc Bảo và Công ty CPDV MT Thăng Long.
Điều đặc biệt, việc chuyển các lao động chỉ diễn ra sau một ngày thông báo khiến nhiều người không tránh khỏi ngỡ ngàng và lo lắng. Nhiều lao động đã có ý kiến phản ánh việc Công ty làm như thế là thiếu trách nhiệm, điều chuyển lao động từ công ty này sang công ty khác là trái với Luật lao động... Sau nhiều lần phản đối của người lao động với Công ty. Ngày 19/6/2014, đại diện Công ty CPMT&DV Đô thị Vĩnh Yên mới có buổi làm việc với tập thể người lao động này.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thực - Giám đốc Công ty CPMT&DV Đô thị Vĩnh Yên, đã cam kết “giải quyết đầy đủ các chế độ liên quan cho toàn thể người lao động khi chuyển sang đơn vị mới, như chi trả lương, phụ cấp, chốt sổ bảo hiểm xã hội…”. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 2 năm trôi qua, người lao động vẫn chưa hề nhận được một đồng trợ cấp nào.
Hơn nữa, không chỉ điều chuyển 48 công nhân của mình cho một doanh nghiệp khác, khi bị “đòi” tiền trợ cấp, Công ty CPMT&DV Đô thị Vĩnh Yên còn “bẻ ghi” trách nhiệm sang Liên doanh Công ty CPĐT Quốc Bảo - Công ty CPDV MT Thăng Long và Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc.
Giải thích về việc này, Công ty CPMT&DV Đô thị Vĩnh Yên viện dẫn văn bản 94/BC-UBND ngày 20/07/2015 của UBND tỉnh Vĩnh Yên trả lời kiến nghị cử tri tại kỳ họp thứ 13 - HĐND tỉnh khóa XV và cho rằng người lao động có thể hiểu, Công ty CPMT&DV Đô thị Vĩnh Yên đã không còn trách nhiệm với người lao động nữa.
Mặt khác, trong văn bản số 207/HC-CT ngày 21/10/2015 phúc đáp yêu cầu của người lao động, công ty này thông báo: “Sau khi chuyển giao sang đơn vị mới, công vệc và chế độ khác của người lao động vẫn được thực hiện đầy đủ như đơn vị cũ…”.
Trao đổi về việc trên, một số người lao động không khỏi bức xúc cho biết: “Khi sang làm việc Liên doanh Công ty CPĐT Quốc Bảo và Công ty Dịch vụ MT Thăng Long, chế độ của chúng tôi không đảm bảo được điều kiện cần thiết, thiết yếu để phục phụ công việc bảo hộ lao động, không được đóng bảo hiểm đầy đủ và theo đúng tháng, bậc lương, công ty cũng chỉ cho người lao động ký hợp đồng 12 tháng".
Đến 01/4/2015, Liên doanh Công ty CPĐT Quốc Bảo và Công ty CPDV MT Thăng Long lại chuyển chúng tôi sang làm tại Công ty CPMT&KCN Việt Nam và được ký hợp đồng lao động 12 tháng nhưng phải chịu các điều khoản bất lợi cho người lao động, trường hợp không ký sẽ phải nghỉ việc hoặc chuyển sang hình thức làm khoán”.
Có thể hiểu là từ chỗ đang có việc làm ổn định, doanh nghiệp đã đẩy người lao động đứng trước bờ vực thất nghiệp dài ngày. Điều đáng nói, tại văn bản ngày 19/6/2014 với tập thể người lao động, Công ty CPMT&DV Đô thị Vĩnh Yên cam kết: “Sẵn sàng nhận lại công nhân khi người lao động có nhu cầu”. Thế nhưng, khi người lao động làm đơn với nguyện vọng đó thì Công ty CPMT&DV Đô thị Vĩnh Yên chối bỏ.
Ngay sau khi biết mình bị chối bỏ, những lao động này làm đơn tố cáo lên Công an tỉnh Vĩnh Phúc để được giải quyết.
Đến ngày 09/1/2015, cơ quan CSĐT công an tỉnh Vĩnh Phúc nhận được đơn tố cáo. Sau khi xem xét nội dung đơn tố cáo và ra thông báo số 78/TB-PC46 chuyển đơn đến Cơ quan CSĐT (PC46) - Công an thành phố Vĩnh Yên để giải quyết, nhưng chưa thấy kết quả ở đâu(?!).
Ông NguyênVăn Thực Nguyên Giám đốc Cty CP MT&DV Đô thị Vĩnh Yên trao đô với phóng viên báo PLVN |
... lãnh đạo công ty ăn chặn?
Không chỉ có việc 48 lao động bị chối bỏ, theo điều tra của phóng viên Báo Pháp Luật Việt Nam điện tử, còn có những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng hơn đã kéo dài 10 năm nay.
Cụ thể, ngày 09/2/2015 trong biên bản làm việc người tố cáo là công nhân lao động của Công ty CPMT&DV Đô thị Vĩnh Yên làm việc với Tổ Thanh tra tỉnh đã bức xúc trình bày phải làm rõ: những nội dung đơn tố ông Nguyễn Văn Thực - Nguyên Tổng giám đốc công ty và ông Hoàng Quang Hùng - Nguyên Phó giám đốc về việc "ăn chặn" ước tính của 10 năm là hơn 61 tỉ đồng.
Dẫn giải rõ là tiền làm thêm thứ 7, chủ nhật, ngày lễ, Tết, tiền làm đường Quốc lộ và các công trình như: khách sạn Trung Du, khách sạn Thắng Lợi... Nhưng cho đến nay, những kết quả kiểm tra, xem xét đúng sai ra sao, xử lý đối với người liên quan thế nào thì chẳng ai được biết cụ thể.
Để rộng đường dư luận phóng viên (PV) đặt lịch làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Phúc để trao đổi những vấn đề trên.
Sau khi trao đổi được biết, UBND tỉnh Vĩnh phúc đã ra văn bản số 380/UBND-PC2, ngày 20/1/2015 chuyển giải quyết đơn của công dân sang Thanh tra tỉnh và viết Giấy giới thiệu của UBND tỉnh cho PV đến làm việc.
“Đá bóng” trách nhiệm!
Đến ngày 22/12/2015, được sự ủy quyền của Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc, ông Hoàng Minh Đạo (Chánh văn phòng Thanh tra tỉnh) đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Pháp Luật Việt Nam về vấn đề nêu trên.
Biên bản làm việc Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc với người tố cáo |
Theo ông Đạo, Thanh tra tỉnh đã chuyển báo cáo với UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Đến thời điểm hiện tại chưa có kết luận.
Khi phóng viên PLVN đưa ra rất nhiều tập tài liệu trong đó có phiếu chi tiền có dấu hiệu giả mạo chữ ký để rút tiền để chứng minh, thì ông Đạo cho biết: “Vì UBND tỉnh Vĩnh Phúc chưa ra kết luận thì không được phép tiết lộ nội dung này. Nếu có kết luận thì lúc đấy được phép công khai minh bạch”.
Đến nay đã hơn 12 tháng, Thanh tra tỉnh chưa đưa ra được kết luận mà lại trả lời kết luận là thẩm quyền của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Việc có hay không người “chống lưng” cho Công ty CPMT&DV Đô thị Vĩnh Yên để “ngâm” hồ sơ không chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra?.
Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin đến bạn đọc.