Bà Nhung hiện đang bị VKSND huyện Tam Dương truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Cáo trạng số 17/CT-VKSTD ngày 1/3/2019 của VKSND huyện Tam Dương.
Theo trình bày của bà Nhung, từ ngày 20/7/2016, bà cùng với ông Đỗ Văn Thêm, ông Cao Sơn Tinh là ba cổ đông sáng lập nên Công ty Cổ phần sản xuất Hồng Phương. Công ty này đã chấm dứt hoạt động vào tháng 3/2018.
Trong quá trình công ty hoạt động cho đến khi dừng hết mọi hoạt động, do không am hiểu quy định pháp luật về điều hành công ty cũng như hệ thống chứng từ sổ sách kế toán nên ba người tự thỏa thuận với nhau.
Điển hình như các cổ đông không thực hiện góp vốn như đã đăng ký, công ty không tạo lập khối tài sản chung theo quy định pháp luật, cũng không có hệ thống sổ sách kế toán, không ký hợp đồng lao động với bất kỳ ai, lãnh đạo không có văn bản phân công công việc cụ thể cho từng người lao động…
“Thực chất đây chỉ là việc vài cá nhân thỏa thuận cùng nhau thuê nhà xưởng (350 triệu đồng/tháng) để sản xuất gạch bán kiếm lời, lỗ lãi chia theo từng tháng, không có bộ máy quản lý chuyên trách… Khi xuất hàng ra khỏi kho, gặp ai thì người đó tự ghi chép, thu tiền hàng xuất theo sổ cá nhân của mình mà không có ai kiểm soát”, bà Nhung nói.
Đơn của bà Nhung |
Xem xét những tài liệu thu thập được, Luật sư Đào Ngọc Lý, Công ty Luật TNHH Đào Ngọc Lý (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho rằng: Trong vụ án này, cơ quan điều tra chỉ thu giữ một số quyển sổ tay của người lao động (không có hợp đồng) với những nội dung ghi chép không rõ ràng, không ai được biết cũng không đối chiếu với ai, không ai xác nhận tính chính xác, trung thực và do người lao động đem về gia đình mình sau nhiều tháng công ty đã chấm dứt hoạt động.
“Từ đó, CQĐT và VKSND huyện Tam Dương coi những quyển sổ tay cá nhân này là sổ sách kế toán Công ty Hồng Phương (bỏ qua các quy định của Luật Kế toán và Luật Doanh nghiệp về sổ sách kế toán) trong khi công ty không có hệ thống sổ sách kế toán, không có vốn như đã đăng ký với cơ quan Nhà nước. Do đó, không có việc để ngoài sổ sách và không có việc chiếm đoạt tài sản để rồi quy trách nhiệm hình sự cho bà Nhung từ các số liệu suy diễn trong các quyển sổ tay cá nhân đó”, Luật sư Đào Ngọc Lý đánh giá.
Bà Nhung cho rằng, số tiền mà cơ quan điều tra truy tố bà không có tài liệu pháp lý xác đáng nào khẳng định số tiền này là của công ty Hồng Phương và được lấy ra từ Công ty Hồng Phương, vì số tiền này là của cá nhân bà.
“Thậm chí tôi là người duy nhất tự ứng toàn bộ vốn để duy trì sản xuất và trực tiếp điều hành doanh nghiệp nên không có việc chiếm đoạt tài sản. Tự tôi đã bỏ toàn bộ tiền ra để cho công ty hoạt động sản xuất được duy trì… một số khoản chi lớn như tiền thuê xưởng của ông Nho là 350 triệu đồng, tiền điện hai kỳ trong tháng khoảng 200 triệu đồng, trả lương công nhân vào khoảng 400 - 500 triệu đồng. Từ tháng 11/2017 cho đến khi công ty không còn hoạt động thì đều tự tôi bỏ tiền ra chi phí để duy trì hoạt động của công ty”, bà Nhung nói.
Bà Nhung thừa nhận công ty đã hoạt động không tuân thủ quy định của pháp luật về sổ sách chứng từ kế toán và phải chịu trách nhiệm: “Nhưng đó là quan hệ giữa bà với hai người kia chứ không thể nào hình sự hóa bằng việc truy tố tôi thành tù tội. Thậm chí cơ quan tố tụng không xem xét đến lời khai của các bên liên quan như lái xe nhận hàng, bên nhận hàng, đại lý, các cổ đông khác”.
Luật sư Lý đánh giá: “Trong quá trình điều tra, Công an huyện Tam Dương và VKSND huyện Tam Dương đã hình sự hóa một quan hệ dân sự kinh tế, khởi tố và truy tố không dựa trên chứng cứ sự thật khách quan, không tuân thủ đúng nguyên tắc Bộ luật Hình sự. Bởi lẽ công ty không có hệ thống sổ sách kế toán, không có vốn như đã đăng ký với cơ quan Nhà nước nên không có việc để ngoài sổ sách và không có việc chiếm đoạt tài sản.
Hơn nữa, tháng 11/2017, bà Lê Hồng Nhung là người duy nhất tự ứng toàn bộ vốn để duy trì sản xuất và trực tiếp điều hành doanh nghiệp nên không có việc chiếm đoạt tài sản và không cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.