Người dân trên địa bàn phản ánh: họ rất ngạc nhiên khi bỗng dưng mọc lên một dự án quy mô tọa lạc trên sườn núi, không biết bên trong dự án được xây dựng, hoạt động cụ thể như nào, chỉ thấy, hàng ngày, nhiều xe ô tô chở hàng trăm học sinh ra vào.
7,5 ha xây dựng quy mô không phép
Qua tìm hiểu thực tế, PV Báo Pháp luật Việt Nam được biết, Trung tâm trải nghiệm sáng tạo Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (trụ sở số 6 Trần Quốc Hoàn, Cầu Giấy, Hà Nội) được xây dựng “đồ sộ”, quy mô tại Vĩnh Phúc. Bên trong, dự án gồm nhiều dãy nhà (nhà ăn, nhà lưu trú học sinh; văn phòng điều hành, nhà ở cho công nhân); hệ thống đường bê tông nội bộ, tượng đài, hệ thống vườn hoa, cây cảnh… được xây dựng, bố trí bài bản. Đặc biệt, trong khuôn viên dự án có công trình bể bơi, nhà hoạt động thể chất được xây dựng quy mô hoành tráng; kiên cố.
Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, mỗi ngày có khoảng 200 học sinh của nhà trường được đưa từ Hà Nội lên Vĩnh Phúc để thực hành, thực tế, tham quan lao động sản xuất…
Theo điều tra của PV, dự án xây dựng hoạt động khi chưa được cơ quan có thẩm quyền tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép. Nguồn gốc 7,5ha đất của dự án là đất lâm nghiệp (đất rừng sản xuất) đã được UBND huyện Bình Xuyên giao cho 02 hộ (hộ ông Nguyễn Trung Hiếu (hộ khẩu thường trú tại Phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) và hộ ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (hộ khẩu thường trú tại phường Dịch Vọng Hậu, Cầu giấy, Hà Nội). Hai hộ này, đã ký hợp đồng cho nhà trường thuê đất để làm dự án.
|
7,5 ha diện tích xây dựng |
|
Trung tâm thực nghiệm sáng tạo xây dựng không phép vẫn đang thi công hoàn thiện. Ảnh: Xuân Hồng. |
|
Trung tâm thực nghiệm sáng tạo vẫn đang thi công xây dựng không phép để hoàn thiện. Ảnh: Xuân Hồng. |
Ngày 9/8/2017, trao đổi với PV báo Pháp luật Việt Nam, ông Hà Long, Giám đốc Trung tâm trải nghiệm sáng tạo Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết: Trên diện tích 5,5ha, sau khi thuê đất, nhà trường đã cải tạo và xây dựng một số công trình mục đích trải nghiệm sáng tạo, giáo dục hướng nghiệp và lao động sản xuất cho học sinh của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Từ năm 2017, dự án bắt đầu hoạt động. Ban đầu, chỉ có vài chục học sinh, dần dần số lượng học sinh tăng lên nhanh chóng. Để đáp ứng nhiệm vụ giáo dục, dự án được nhà trường đầu tư khoảng 20 tỷ đồng để cải tạo và xây dựng các công trình.
Cũng theo ông Long, mỗi ngày ở dự án là một ngày học sinh trải nghiệm các môn học: Giáo dục thể chất, trong đó học sinh được học bơi, chơi các môn thể thao; Giáo dục Quốc phòng; Thực hành Giá trị và kĩ năng sống (nấu ăn Âu á, làm hoa, học làm diễn viên, chụp ảnh, quay phim…); Thực hành Sinh học và Kĩ thuật Nông nghiệp; Tham gia lao động và lao động sản xuất; Tìm hiểu lịch sử dân tộc và thực hành các họat động văn hóa mang sắc màu các dân tộc Việt Nam; Thực hành tiếng Anh giao tiếp. Tuy nhiên, đến nay, dự án chưa được cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận đầu tư.
Chính quyền buông lỏng, phạt cho tồn tại?
Được biết, ngày 23/3/2017, Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc có báo cáo số 99/BC-STNMT về việc sử dụng đất của trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm tại thôn Hoàng Oanh. Trong báo cáo nêu rõ: “Việc đầu tư xây dựng các công trình trên đất lâm nghiệp đã giao cho 02 hộ sử dụng là không đúng mục đích sử dụng đất được Nhà nước giao”.
Ngày 21/3/2017, Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành kiểm tra về trình tự thủ tục xây dựng dự án. Theo biên bản làm việc, tại thời điểm kiểm tra, nhà trường chưa có thủ tục đầu tư xây dựng dự án; đã thi công một số hạng mục công trình không có giấy phép xây dựng…
Ngày 27/3/2017, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc đã có quyết định số 09/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà trường: Thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng, với mức phạt tiền là 30,000,000 đồng.
|
||
Từng đoàn xe chở học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm tới Trung tâm trải nghiệm sáng tạo ở Vĩnh Phúc.
|
Trao đổi với PV, TS. Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết: Dự án đã trở thành nơi vui chơi, thực hành kĩ năng sống, nơi hoạt động tập thể và trải nghiệm những bài học về cuộc sống thực tế của hơn hai nghìn học sinh của nhà trường. Khi nhà trường triển khai dự án, chính quyền cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đều biết. Trong quá trình xây dựng dự án, nhà trường đã bị cơ quan thẩm quyền tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra, xử phạt vi phạm. Đến nay, nhà trường dừng lại mọi hoạt động xây dựng. Để dự án đi vào hoạt động “chính danh ngôn thuận”, hiện nay, nhà trường đang tích cực hoàn thiện thủ tục hành chính để cơ quan thẩm quyền tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận cho đầu tư.
Trao đổi qua điện thoại với PV báo Pháp luật Việt Nam, ông Đào Xuân Bình - Chủ tịch UBND xã Hương Sơn cho biết: Việc xây dựng hoạt động của Trung tâm trải nghiệm sáng tạo Nguyễn Bỉnh Khiêm chưa được cơ quan chức năng cấp phép. Chính quyền xã đã yêu cầu trường Nguyễn Bỉnh Khiêm dừng mọi hoạt động xây dựng; đưa học sinh lên đây; khi nào cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép thì trung tâm mới được đi vào hoạt động.
Thế nhưng, hiện tại, trung tâm trải nghiệm sáng tạo vẫn đang hoạt động công khai.
Thiết nghĩ, mô hình tổ chức dạy học gắn liền với thực tế, học đi đôi với hành, là rất cần thiết đối với giáo dục. Tuy nhiên, việc xây dựng hoạt động của dự án cần được cơ quan có thẩm quyền tỉnh Vĩnh Phúc vào cuộc kiểm tra, quản lý, giám sát để hoạt động trải nghiệm của học sinh được đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã liên hệ đặt lịch làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Vĩnh Phúc để cung cấp thông tin cho bạn đọc.