Tính đến tháng 10/2016, toàn tỉnh thu hút được 227 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 219 dự án so với năm 1998, góp phần quan trọng chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội.
Lấy công nghiệp làm ngành mũi nhọn
Vào thời điểm mới tách tỉnh (năm 1997), Vĩnh Phúc là một tỉnh thuần nông, GDP bình quân đầu người chỉ bằng 48% so với bình quân chung của cả nước. Khi đó, toàn tỉnh chỉ có 14 dự án FDI đầu tư được cấp giấy phép, với số vốn đăng ký 303 triệu USD, tổng thu ngân sách chưa đầy 100 tỷ đồng; số lượng doanh nghiệp cũng rất ít với công nghệ lạc hậu, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ.
Tuy nhiên sau 20 năm tái lập, kinh tế - xã hội của tỉnh đã có những bước chuyển mình ngoạn mục. Từ năm 2004, tỉnh đã tự cân đối được ngân sách và có đóng góp cho ngân sách Trung ương 14% tổng thu nội địa. Đến năm 2005, Vĩnh Phúc đứng thứ 6 toàn quốc và thứ 2 miền Bắc về thu nội địa. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2006 – 2010 đạt 18%/năm và tăng trưởng 6,36%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015, cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước. Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng của tỉnh tăng từ 18,85% năm 1997 lên 62,12% năm 2015, giá trị sản xuất ngành này tăng gấp hàng trăm lần so với năm 1997.
Để đạt được những kết quả nổi bật trên, từ ngay khi tái lập, Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh xác định hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư là chìa khóa quan trọng để Vĩnh Phúc phát triển. Với việc ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư về thuế và tạo môi trường thông thoáng hấp dẫn, hàng loạt khu, cụm công nghiệp tập trung mới được hình thành như: Kim Hoa, Bình Xuyên, Khai Quang, Tam Dương, Hương Canh… thu hút nhiều dự án của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí chế tạo, điện - điện tử, sản xuất linh kiện ô tô, xe máy như Honda, Toyota….
Trong 5 năm (2001- 2005), toàn tỉnh thu hút được 450 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD, trong đó có 74 dự án FDI. Với sự phát triển nhanh, mạnh và đa dạng của ngành công nghiệp đã nhanh chóng đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh nằm trong Câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng của cả nước.
Song song với đó, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng ngoài các khu, cụm công nghiệp; xây dựng, bổ sung và công bố công khai các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch phát triển đô thị, khu và cụm công nghiệp. Đến nay, tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển 20 khu công nghiệp với diện tích gần 6.000ha.
Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư
Với phương châm “Các nhà đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”, tỉnh đặc biệt chú trọng đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình hình thành dự án cũng như trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Từ năm 2007, tỉnh đã thiết lập các bộ phận một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục đầu tư đảm bảo công khai, minh bạch, giảm thiếu tối đa thời gian, chi phí phát sinh. Công tác đào tạo đội ngũ lao động có trình độ, tay nghề nhằm đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng là một vấn đề được tỉnh đặc biệt chú trọng. Cùng với đó, mạng lưới các trung tâm giới thiệu việc, sàn giao dịch việc làm cũng được thiết lập và hoạt động hiệu quả, giúp giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động của tỉnh.
Tỉnh đã thiết lập, duy trì hoạt động Cổng thông tin đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền trên Websitehttp://doithoaidoanhnghiep.vinhphuc.gov.vn; hệ thống đường dây nóng, tiếp nhận ý kiến phản ảnh, kiến nghị của doanh nghiệp; khảo sát doanh nghiệp; đối thoại doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính… Đặc biệt, từ tháng 10/2016, đều đặn vào chiều thứ 6 hàng tuần, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ gặp gỡ với các doanh nghiệp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp và kịp thời chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết.
Khẳng định mỗi ý kiến đóng góp của doanh nghiệp là một kênh thông tin quan trọng để lãnh đạo tỉnh đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì cho biết, thời gian tới UBND tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Các sở, ban, ngành tiếp thu, giải quyết thấu đáo các khó khăn, vướng mắc và xử lý nghiêm trường hợp cán bộ gây phiền hà cho doanh nghiệp. Đặc biệt, sau mỗi buổi gặp gỡ, các ngành chức năng phải tự nghiên cứu, đổi mới phương thức hoạt động từ chính quyền quản lý sang chính quyền vừa quản lý vừa phục vụ để hỗ trợ doanh nghiệp.
Cùng với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, Vĩnh Phúc cũng xác định nhân tố quan trọng để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững chính là các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhờ ban hành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với từng giai đoạn, số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, quy mô, cơ cấu và chất lượng. Năm 1997, trên địa bàn tỉnh chỉ có 91 doanh nghiệp, vốn đăng ký 57 tỷ đồng, đến nay đã có 7.394 doanh nghiệp với số vốn đăng ký gần 56 nghìn tỷ đồng (tăng 981 lần về vốn đăng ký).
Có thể nói, với những cơ chế thông thoáng tạo sự đột phá trong xúc tiến đầu tư, sau 20 năm tái lập, Vĩnh Phúc đã trở thành trung tâm sản xuất ô tô, xe máy, thiết bị điện tử và phát triển các loại hình dịch vụ hàng đầu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, từ vị trí thứ 26 năm 2013, vươn lên đứng thứ 6/63 vào 2014 và vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng năm 2015. Đây được coi là nền tảng vững chắc để đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghệ cao của vùng và trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, thành phố trực thuộc Trung ương vào những năm 2020.