Hơn 10 nghìn con lợn sắp chết đói và 300 lao động có nguy cơ mất tết
Công ty TNHN Nguyên Hưng có trụ sở tại Thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội là doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp với ngành nghề chính là chăn nuôi lợn thịt, sản xuất gạch xây dựng. Doanh nghiệp này có cơ sở sản xuất kinh doanh tại khu vực bãi bồi sông Hồng thuộc địa bàn xã Cẩm Bình, huyện Phúc Thọ với diện tích khoảng 100 hecta. Đây là khu vực bãi bồi rộng lớn nằm tiếp giáp với địa phận hành chính của 2 xã Liên Châu và Đại Tự, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.
Ông Ngô Xuân Cường, Giám đốc Công ty Nguyên Hưng đã khai phá vùng bãi bồi sông Hồng thuộc khu vực xã Cẩm Đình để sản xuất nông nghiệp từ khoảng 14 năm trước. Gần đây, để mở rộng sản xuất, ông Ngô Xuân Cường tiêp tục thuê khoán diện tích bãi bồi thuộc xã Đại Tự, huyện Yên Lạc với thời hạn thuê khoán là 5 năm. Sau khi được UBND xã Đại Tự giao khoán, ông Ngô Xuân Cường đã đầu tư cải tạo bãi bồi để chuẩn bị sản xuất thủy sản do khu vực bãi bồi này là vùng thùng đấu, quanh năm ngập nước.
|
Khu vực trang trại lợn và xưởng gạch của Công ty Nguyên Hưng trên địa bàn xã Cẩm Đình (Hà Nội), tiếp giáp Vĩnh Phúc |
Hiện nay, trên diện tích bãi bồi mà Công ty Nguyên Hưng sử dụng, Công ty Nguyên Hưng đang có một nhà máy sản xuất gạch xây dựng với công suất 9 triệu viên gạch/năm đã được UBND huyện Phúc Thọ (Hà Nội) phê duyệt và 2 trang trại chăn nuôi lợn thịt. Trong đó, trang trại chăn nuôi lợn thịt có đàn lợn rất lớn với số lượng thường xuyên là khoảng 10 nghìn con lợn. Ngoài ra, Công ty còn có một trang trại chuyên chăn nuôi lợn “đặc sản” cung cấp cho các siêu thị tại Hà Nội.
Với quy mô sản xuất lớn như vậy, hàng ngày Công ty Nguyên Hưng đã sử dụng số lao động nông nghiệp khoảng 300 người, chủ yếu là người lao động của các xã Cẩm Bình (Phúc Thọ), Liên Châu, Đại Tự (Yên Lạc). Việc Công ty sản xuất ổn định đang mang lại cuộc sống ổn định cho hàng trăm hộ gia đình.
Tuy nhiên, khoảng 2 tháng gần đây, Công ty Nguyên Hưng đã lâm vào cảnh bi đát cùng cực do việc sản xuất, kinh doanh bị phá hoại một cách có chủ đích.
Theo phản ánh của ông Ngô Xuân Cường, mặc dù khu vực bãi bồi mà Công ty đang sử dụng thuộc địa bàn hành chính xã Cẩm Đình (Hà Nội) nhưng lại tiếp giáp liền thổ với xã Liên Châu (Vĩnh Phúc) và cách địa giới hành chính của TP Hà Nội cả một con sông Hồng. Do vậy, việc vận chuyển hàng hóa vào và ra phải sử dụng đường dân sinh của xã Liên Châu và xã Đại Tự nối liền với đường đê bê tông chạy dọc tuyến sông Hồng thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Hai tháng gần đây, một “thế lực” đã cố tình phá hoại hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty bằng việc xây một cổng sắt chặn lối đi ra xã Liên Châu và hủy hoại con đường ra xã Đại Tự khiến Công ty hoàn toàn bị cô lập.
Theo anh Quách Văn Na, phụ trách trang trại lợn của Công ty Nguyên Hưng cho biết, từ ngày bị chặn đường, trang trại lợn đã rơi vào cảnh khốn cùng. Bình thường, mỗi ngày trang trại lợn phải sử dụng khoảng 14 tấn cám công nghiệp, được vận chuyển bằng ô tô. Từ ngày bị chặn, dù nỗ lực hết sức thì công nhân cũng chỉ mang vác được khoảng 3 tấn cám. Do không đủ cám ăn, đàn lợn đã xuống sức và đang đối mặt với thảm cảnh bệnh tật. Điều đáng ngại hơn, khoảng 4.000 con lợn đã quá tuổi xuất chuồng với trọng lượng lên đến gần 200 kg nhưng không thể xuất bán do không có đường đi.
Không chỉ đàn lợn nằm chờ chết, hàng triệu viên gạch của Công ty Nguyên Hưng cũng không thể rời xưởng khiến cho người lao động mất việc làm và không có thu nhập. Nếu nói về hậu quả, hành động phá hoại kinh tế đối với Công ty Nguyên Hưng của “thế lực đen” đã đạt mục đích.
Nhận diện kẻ phá hoại
Có mặt tại khu vực bãi bồi sông Hồng, khu vực tiếp giáp 3 xã Cẩm Đình (Hà Nội) và Liên Châu, Đại Tự (Vĩnh Phúc), phóng viên ghi nhận được đầy đủ những gì mà đại diện Công ty Nguyên Hưng và người lao động phản ánh.
Phần diện tích đất mà Công ty Nguyên Hưng sử dụng có chiều dài tiếp giáp sông Hồng và phía trong tiếp giáp địa giới 2 xã Liên Châu, Đại Tự. Nhìn từ trên cao thì thấy rất rõ, để đi vào bãi bồi này chỉ có các con đường dân sinh đi qua địa bàn xã Liên Châu và Đại Tự. Ngoài ra, muốn vào bãi bồi này thì chỉ còn nước “chắp cánh bay”. Trên thực địa đã hình thành 2 con đường dân sinh để người dân đi vào khu vực sản xuất kinh doanh của Công ty Nguyên Hưng. Các con đường này cũng do chính Công ty Nguyên Hưng tôn tạo và sử dụng liên tục 14 năm qua.
|
Vị trí chiếc cổng sắt được dựng lên trên đường dân sinh qua xã Liên Châu, huyện Yên Lạc để triệt hạ Công ty Nguyên Hưng |
Tuy nhiên, con đường chính đi vào khu sản xuất nằm trên địa bàn xã Liên Châu đã bị chặn đứng bởi chủ sử dụng đất liền kề. Chủ cơ sở này đã cho xây một cổng sắt lớn và có khóa cứng. Với cánh cổng này, xe quân sự có lẽ cũng khó vượt qua chứ chẳng nói gì xe ô tô chở cám và chở lợn của Công ty Nguyên Hưng.
Nhiều lần làm đơn đến chính quyền xã Liên Châu và huyện Yên Lạc đề nghị ngăn chặn hành vi chặn đường bất hợp pháp này nhưng không được giải quyết, Công ty Nguyên Hưng đành mở tạm một lối đi ra đường mòn qua thôn 1, xã Đại Tự để giải cứu đàn lợn và xưởng gạch. Thế nhưng, ngay khi Công ty mở lối đi ra đường mòn này thì chính quyền xã Đại Tự, với sự bảo vệ của Công an huyện Yên Lạc đã đến cưỡng chế đập nát con đường và không cho Công ty Nguyên Hưng sử dụng. Liên tục sau đó, Công an huyện Yên Lạc đã cử cán bộ trực 24/24 tại khu vực này để không cho Công ty Nguyên Hưng sửa đường cứu đàn lợn.
Mục sở thị những gì mà Công ty Nguyên Hưng phản ánh, chiều 2/1/2018, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có mặt và chứng kiến con đường đã bị băm nát. Phần mặt đường bị máy xúc đào một hố lớn như hố bom và không phương tiện cơ giới nào có thể đi qua.
|
Máy xúc được chính quyền bảo vệ để phá đường và chiếc hố lớn ngăn chặn Công ty Nguyên Hưng ra vào qua đường thôn 1, xã Đại Tự, huyện Yên Lạc |
Để làm rõ có hay không việc liên tục có cán bộ của Công an huyện Yên Lạc ứng trực một cách bất thường tại khu vực này để ngăn không cho Công ty Nguyên Hưng sửa đường, mở lối thoát nạn, chúng tôi đã gặp ông Lê Hữu Thịnh, một người dân cư trú tại khu vực này và ông Thịnh khẳng định điều này là sự thật. Tại gia đình ông T, thôn 1, xã Đại Tự, phóng viên cũng đã gặp 2 người “lạ” đang uống trà và được chủ nhà cho biết, đây là cán bộ của Đội cảnh sát trật tự, Công an huyện Yên Lạc. Khi thấy phóng viên đến đây, 2 người này đã dời nhà ông T và đứng cách đó vài chục mét, quan sát. Nhiều nhân chứng cũng cho biết thêm, trong suốt 2 tháng qua, lực lượng này trực chiến cả ngày chỉ vì một mục đích là không để Công ty Nguyên Hưng sửa đường.
Những gì mà người dân, Công ty Nguyên Hưng phản ánh và phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã ghi nhận được trên thực địa cho thấy một sự việc rất nghiêm trọng. Trong lúc Thủ tướng Chính phủ ra sức chỉ đạo xây dựng chính quyền kiến tạo, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển thì tại Yên Lạc, (Vĩnh Phúc), doạnh nghiệp đang bị bóp chết và chính quyền vô cảm đứng nhìn. Trong lúc Nhà nước phải bỏ tiền đầu tư hạ tầng để phát triển kinh tế thì tại Vĩnh Phúc, chính quyền lại phá đường, cản trở doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Những việc làm trái pháp luật này cần phải được giải trình trước công luận và phải bị xử lý nghiêm khắc trước pháp luật.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này trong số báo tiếp theo.