Dưới sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Tư pháp, trong thời gian qua Sở Tư pháp Vĩnh Phúc đã đề ra nhiều giải pháp đổi mới nhằm kịp thời nắm bắt tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác tư pháp tại cơ sở, thông qua nhiều hình thức. Vì vậy, công tác tư pháp cơ sở trong nhiều năm qua đã từng bước được củng cố, kiện toàn về mặt tổ chức và hoạt động. Chất lượng phục vụ người dân có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần ổn định trật tự xã hội và thực hiện quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật tại địa phương.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây chức năng, nhiệm vụ của công tác tư pháp nói chung và công tác hộ tịch nói riêng ở cơ sở tiếp tục mở rộng với 18 nhóm công việc ở cấp xã và 25 nhóm công việc ở cấp huyện. Trước yêu cầu nhiệm vụ tư pháp ở cơ sở ngày càng nặng nề, đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp - hộ tịch ở cơ sở phần nào bộc lộ những khó khăn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan.
Trước hết, sự quan tâm và đầu tư về nguồn lực (nhân lực và cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin, kinh phí hoạt động) đối với lĩnh vực tư pháp chưa đồng đều ở địa phương; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong thực hiện nhiệm vụ tư pháp chưa chặt chẽ; một số công chức tư pháp - hộ tịch trình độ chuyên môn còn hạn chế, chưa có nhiều kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm chưa cao, một số có trình độ chuyên môn không phù hợp.
Trước yêu cầu thực tiễn và thực trạng trên, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư pháp ở địa phương trên địa bàn tỉnh không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành Tư pháp mà còn là sự chung tay, góp sức của các ngành, các cấp. Để nâng cao chất lượng công tác tư pháp ở cơ sở, tháng 6/2017 vừa qua Sở Tư pháp Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Giám đốc Sở Tư pháp với công chức tư pháphộ tịch trên địa bàn tỉnh năm 2017 đã nhận được sự đồng tình của toàn thể đội ngũ công chức của ngành Tư pháp trước sự đổi mới trong công tác lãnh đạo, điều hành của Sở Tư pháp đối với tư pháp cơ sở.
Thông qua hệ thống 50 câu hỏi tiếp nhận, tổng hợp gửi trước và 28 lượt ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội nghị đối thoại đã được Lãnh đạo Sở Tư pháp Vĩnh Phúc, các đơn vị liên quan giải đáp để thấy được thực trạng công tác tư pháp cơ sở hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong thời gian qua chưa có giải pháp giải quyết triệt để và nhiều khó khăn, vướng mắc tiếp tục phát sinh trước yêu cầu thực thi nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đội ngũ công chức tư pháp-hộ tịch đặc biệt quan tâm, thẳng thắn trao đổi các vấn đề liên quan như đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, không ổn định, còn có cán bộ trình độ chuyên môn chưa đạt chuẩn, dẫn đến chuyên môn bị hạn chế, không chuyên nghiệp, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ chưa kịp thời; cơ sở vật chất thiếu thốn; việc ứng dụng công nghệ thông tin, kinh phí hoạt động chưa được quan tâm đầu tư đúng mức để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ;
Một số chế độ phụ cấp chi trả chưa kịp thời; sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ, giải quyết thủ tục hành chính chưa chặt chẽ và cũng có không ít những khó khăn về thể chế khi áp dụng thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp, nhất là công tác đăng ký quản lý hộ tịch. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thực thi công việc của công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã mà hậu quả pháp lý lại liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và nâng cao chất lượng công tác tư pháp ở cơ sở trong thời gian tới, với góc độ là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực tư pháp, Sở Tư pháp Vĩnh Phúc nhận thức rõ trách nhiệm cần tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường quan hệ phối hợp giữa cấp và ngành để phục vụ tốt cho nhiệm vụ công tác tư pháp ở cơ sở trong việc tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức tư pháp đạt chuẩn;
Đảm bảo thực hiện chế độ, chính sách, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí hoạt động cho tư pháp địa phương được kịp thời, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ chuyên môn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ tư pháp; thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật, lề lối làm việc trong toàn ngành, thẳng thắn nhìn nhận những thiếu sót, tồn tại, khuyết điểm để nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.