Văn kiện của Đại hội XIII của Đảng có rất nhiều điểm mới
Theo Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành các văn kiện của Đại hội XIII của Đảng có rất nhiều điểm mới.
Điểm mới đầu tiên dễ nhận thấy đó là công tác chuẩn bị văn kiện đại hội. Văn kiện là báo cáo trung tâm, thể hiện ý chí, khát vọng, tầm nhìn cũng như tâm nguyện của Đảng, của cả dân tộc trong giai đoạn mới.
“Cho nên Báo cáo chính trị được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, có kế thừa những giá trị cũ, phát huy những điểm mới trên có sở nghiên cứu khoa học rất bài bản. Báo cáo được xây dựng trên cơ sở tổ chức 60 cuộc hội thảo, cử 50 đoàn đi khảo sát thực tế và 80 báo cáo đánh giá từ các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, trải qua 30 lần chỉnh lý. Có thể nói công tác chuẩn bị của đại hội lần này rất bài bản, công phu, chu đáo…” - ông Thành nhận xét.
Điểm mới thứ hai là xác định chủ đề và phương châm của đại hội. Ngoài 5 thành tố mang tính truyền thống của Đại hội XII thì trong chủ đề đại hội lần này đề cập rất sâu, rất cụ thể, rất kỹ về ý chí, khát vọng xây dựng, phát triển đất nước trong môi trường hòa bình, ổn định.
Điểm mới thứ ba là khẳng định rất rõ vị thế của đất nước. “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh rằng chúng ta chưa bao giờ có được vị thế, cơ đồ và tiềm năng như ngày hôm nay. Khẳng định đó được minh chứng bằng rất nhiều số liệu cụ thể, sự kiện cụ thể và con người cụ thể của đất nước ta trong cả nhiệm kỳ vừa qua. Việc xác định đó làm tiền đề, chỗ dựa và điều kiện cơ bản để chúng ta bước vào một nhiệm kỳ mới với một tâm thế mới, một niềm tin mới và quyết tâm mới…” - ông Thành chia sẻ.
Điểm mới thứ tư là văn kiện đại hội lần này đã xác định rõ các mục tiêu. Việc xác định mục tiêu trong văn kiện đại hội lần này bao gồm nhiều mục tiêu đại hội lần trước nhưng có bổ sung, làm rõ thêm một số yếu tố. Ngoài xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn đề cập rất sâu đến việc xây dựng cả hệ thống chính trị, củng cố lòng tin, đặc biệt là xây dựng ý chí, khát vọng của cả dân tộc, đặc biệt là khát vọng đổi mới, khát vọng vươn lên không chỉ của Đảng, của cả dân tộc mà còn của mỗi con người Việt Nam chúng ta.
Điểm mới thứ năm là xác định những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của nhiệm kỳ Đại hội XII có thể nâng lên tầm lý luận của Đảng, lý luận cách mạng trong nhiệm kỳ mới, trong đó đặc biệt lưu ý đến việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch vững mạnh toàn diện; xây dựng mối đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, trong cả hệ thống chính trị và xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực.
Đối với nguyên tắc lấy dân làm gốc thì trong Báo cáo chính trị cũng khẳng định một số nội hàm rất rõ ràng như thế nào là lấy dân làm gốc? Và tất cả mọi chính sách, mọi quan điểm, mọi chủ trương đều xuất phát từ dân và lấy dân làm mục tiêu để chúng ta phấn đấu, làm mục tiêu để chúng ta phục vụ và ý kiến của dân là sự kiểm chứng cho mọi chính sách của chúng ta.
Ngoài ra, trong Báo cáo chính trị cũng đề cập đến rất nhiều điểm mới, trong đó có 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá.
“Có thể nói Báo cáo chính trị đại hội lần này trên cơ sở kế thừa những thành tựu mà chúng ta đã đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII, phát huy sự sáng tạo và được xây dựng trên cơ sở khoa học. Tôi tin tưởng rằng văn kiện Đại hội lần này sẽ là kim chỉ nam soi sáng cho sự phát triển trong 5 năm tới…” - Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc quả quyết.
3 khâu đột phá chiến lược của Vĩnh Phúc
Theo Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, Văn kiện Đại hội XII đã xác định 3 đột phá, văn kiện Đại hội XIII có kế thừa cũng xác định 3 khâu đột phá, đó là đột phá về thể chế, cơ chế chính sách; thứ hai là đột phá về hạ tầng và thứ ba là đột phá về công tác cán bộ.
Trên cơ sở vận dụng sáng tạo các đột phá của Trung ương vào thực tế của tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII cũng xác định 3 khâu đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Đột phá thứ nhất là về cơ chế, chính sách: Vĩnh Phúc xác định xây dựng hệ thống các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực và thu hút đầu tư, tạo một nguồn lực mới, động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội.
Đột phá thứ hai là về hạ tầng: Vĩnh Phúc không dàn trải tất cả lĩnh vực hạ tầng mà tập trung xây dựng hệ thống đô thị hiện đại, có bản sắc; chỉnh trang lại những đô thị hiện có và xây dựng nông thôn mới nâng cao, đồng thời lựa chọn một số điểm để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Đột phá thứ ba là về công tác cán bộ: Tỉnh tập trung vào việc nâng cao nhận thức tư tưởng, hun đúc ý chí khát vọng trong đội ngũ cán bộ. Bên cạnh đó là chấn chỉnh, sốc lại đội ngũ, thực hiện tốt Luật Công chức; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; đánh giá cán bộ trên cơ sở kết quả đầu ra và lấy sản phẩm cụ thể để đánh giá cán bộ. Kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm hoặc không theo kịp yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh…