Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc: Gian nan hành trình đòi lại đất

(PLO) - Cho rằng Bản án số 27/2017/DS-ST về việc “Tranh chấp kiện đòi tài sản” của TAND huyện Vĩnh Tường là trái với quy định, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, bà Lê Thị Tuyết (trú tại thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) đã có đơn kháng cáo.
Diện tích đất bà Tuyết cho rằng bà Đào mua bán thiếu căn cứ
Diện tích đất bà Tuyết cho rằng bà Đào mua bán thiếu căn cứ

Bà Tuyết cho biết, bố mẹ bà là cụ Lê Hoàng Hân và Vũ Thị Súc sinh được 2 người con là bà và ông Lên Văn Ngân. Năm 1954, ông Lê Văn Ngân vào miền Nam sinh sống, để con trai Lê Văn Ngọc ở lại cùng với vợ chồng bà Tuyết và bà nội là cụ Vũ Thị Súc. 

Năm 1976 cụ Súc qua đời để lại thửa đất số 117, tờ bản đồ số 55 thuộc thôn Bắc Cường, thị trấn Thổ Tang. Khi anh Ngọc lấy vợ, bà Tuyết đã cho vợ chồng anh Ngọc ra ở riêng trên ngôi nhà 3 gian trên thửa đất. Năm 1979, anh Ngọc và vợ là Vũ Thị Doãn đã viết giấy bán ngôi nhà ba gian trên cho bà Vũ Thị Đào rồi vào Nam ở với bố mẹ. 

Sau khi mua ngôi nhà, bà Đào cho sửa lại nhà và sinh sống tại đó. Đến năm 1980, bà Tuyết có xây một bức tường chắn giữa đất anh Ngọc và phần đất mình đang sử dụng để làm khu chăn nuôi. Đến năm 1982, bà Tuyết dỡ bỏ ngôi nhà bếp và chuồng trại để làm căn nhà cấp 4 ở cùng các con. Đến tháng 8/2016, khi bà Tuyết dỡ ngôi nhà cấp 4 và đập bức tường để xây nhà mới thì bà Đào có đơn cho rằng đất đó của mình. 

Hòa giải không thành, bà Tuyết đã có đơn khởi kiện gửi TAND huyện Vĩnh Tường đề nghị được công nhận quyền sử dụng đối với 87,1m2 đất tại thửa số 117.

Không chấp nhận yêu cầu trên, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 20/9/2017, bà Đào cho rằng 87,1m2 đất tại thửa số 117 có nguồn gốc là do bà nhận chuyển nhượng của vợ chồng anh Ngọc, chị Doãn ngày 18/02/1979 (giá 16.000đ). Đồng thời, bà Đào có yêu cầu phản tố, đề nghị tòa án buộc bà Tuyết phải trả lại cho bà 87,1m2 đất. Các tài sản trên đất, bà Tuyết phải tự thu dọn, tháo dỡ.

Tại Bản án số 27/2017/DS-ST, TAND huyện Vĩnh Tường đã tuyên: “Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị Tuyết. Chấp nhận yêu cầu phản tố của bà Vũ Thị Đào, buộc bà Tuyết phải trả lại cho bà Đào quyền sử dụng thửa đất số 117. Đối với tài sản trên đất là phần gạch lát, 1 phần móng của ngôi nhà cấp 4 thuộc quyền sở hữu của bà Tuyết thì bà Tuyết phải có nghĩa vụ tự tháo dỡ để trả lại đất cho bà Đào, bà Đào không phải thanh toán giá trị tài sản cho bà Tuyết”.

Theo bà Tuyết, việc TAND huyện Vĩnh Tường tuyên như vậy là không đúng, trái với quy định của pháp luật và xâm phạm đến quyền lợi ích hợp pháp của bà. “Việc mua bán nhà là do anh Ngọc tự làm, không được sự đồng ý của anh em bà (là hai người thừa kế tài sản của cụ Súc). Hơn nữa, giấy mua bán này không thể hiện vị trí, diện tích đất và cũng không có xác nhận của chính quyền địa phương nên không có giá trị pháp lý. Việc TAND huyện Vĩnh Tường vẫn buộc tôi phải trả đất cho bà Đào chẳng khác nào việc mua bán đất trên trời vẫn được chấp nhận?”- bà Tuyết nói. 

Luật sư Nguyễn Xuân Việt (Đoàn Luật sư tỉnh Phú Thọ, người bảo vệ quyền lợi cho bà Tuyết) cho rằng, “Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 650 BLDS, di sản của cụ Súc sẽ được chia thừa kế theo quy định của pháp luật. Hàng thừa kế thứ nhất của cụ Súc là bà Tuyết và ông Ngân). Do ông Ngân vào Nam từ năm 1954 bà Tuyết được coi là người quản lý di sản. Tháng 8/2016 bà Tuyết mới dỡ nhà cũ (được bà Đào cũng thừa nhận)  thì mới xảy ra tranh chấp (tức là bà Tuyết đã ở trên đất 36 năm không có xảy ra tranh chấp). 

Mặt khác, tại biên bản hòa giải ngày 20/12/2016 bà Đào khai “khi chuyển nhượng thì không có diện tích cụ thể. Khi đó anh Ngọc, chị Doãn để lại một phần đất trên đất có tài sản là 1 chuồng lợn và 1 gian bếp còn chuyển nhượng toàn bộ cho tôi”. Điều này chứng tỏ rằng bà Đào đã thừa nhận diện tích đất tranh chấp ông Ngọc không bán cho bà Đào.

Bà Đào phản tố nhưng không xuất trình được căn cứ pháp lý chứng minh, ngoài giấy tờ viết tay giao nhận nhà đất ngày 18/2/1979. 

Đọc thêm