VKS đề nghị mức án với cựu Chủ tịch FLC và các bị cáo khác

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Căn cứ tính chất, mức độ, hành vi, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân của từng bị cáo, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt 50 bị cáo mức án từ 18 tháng đến cao nhất 26 năm tù.
Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

Chiều 26/7, phiên tòa xét xử ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Cty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và 49 bị cáo khác về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” tiếp tục diễn ra. Đại diện VKS đã phát biểu quan điểm luận tội với các bị cáo.

Theo đại diện VKS, đây là vụ án được dư luận xã hội quan tâm. Việc truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Căn cứ tính chất, mức độ, hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân của từng bị cáo, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt 50 bị cáo mức án từ 18 tháng đến cao nhất 26 năm tù.

Cụ thể, VKS đề nghị HĐXX xử phạt ông Trịnh Văn Quyết từ 5 – 6 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, 19 – 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tổng hình phạt mà VKS đề nghị đối với ông Quyết là từ 24 – 26 năm tù.

2 em gái của ông Quyết là Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga bị đề nghị mức án từ 10 đến 19 năm tù; Hương Trần Kiều Dung (Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC) bị đề nghị mức án từ 11 – 13 năm tù.

Ông Trần Đắc Sinh (cựu Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM) bị đề nghị mức án từ 8 – 9 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cùng tội danh này, ông Lê Hải Trà (cựu Ủy viên HĐQT, Phó TGĐ thường trực, thành viên độc lập Hội đồng niêm yết Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM) bị đề nghị từ 6 – 7 năm tù…

Theo VKS, các bị cáo đều là người có trình độ, có sức ảnh hưởng đến việc điều hành tại doanh nghiệp nhưng đã chỉ đạo các cá nhân tại Tập đoàn FLC, Công ty Faros nhằm thực hiện hành vi phạm tội, gây tác động xấu đến môi trường đầu tư, phát triển kinh tế, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của doanh nghiệp; tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán.

Quá trình luận tội, đại diện VKS nói “tôn trọng phương án khắc phục hậu quả của bị cáo Quyết và ghi nhận đến nay ông Quyết đã khắc phục hơn 200 tỷ đồng.

Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị các bị cáo tiếp tục khắc phục hậu quả./.

Đọc thêm