Hiện VNPT đang gấp rút phối hợp với các thành viên hệ thống AAE-1 để có thể triển khai mở kênh ngay sau khi tuyến đi vào hoạt động. VNPT cũng đã hoàn thành triển khai hạ tầng truyền dẫn trong nước để sẵn sàng chuyển tiếp và đấu nối dung lượng cáp biển AAE-1 vào mạng lưới của mình.
AAE-1 có tổng chiều dài 23.000 km, kéo dài từ Châu Á, Châu Phi sang Châu Âu, đi qua 19 quốc gia. AAE-1 sử dụng công nghệ ghép bước sóng mật độ cao DWDM, mỗi bước sóng mang dung lượng 100 Gbps. Trong tổng số 21 điểm cập bờ, Việt Nam là một nút giao quan trọng (điểm cập bờ của Việt Nam tại TP Vũng Tàu).
Đây là hệ thống cáp biển quốc tế thứ 5 VNPT tham gia đầu tư xây dựng, với mục tiêu tiếp tục mở rộng dung lượng quốc tế, tạo thêm hướng kết nối trực tiếp đi Châu Âu và chia tải với các hệ thống cáp biển hiện có. VNPT đã dành 12 triệu USD đầu tư cho tuyến cáp quang này và tương ứng sẽ nhận được tổng dung lượng khoảng 1,29Tbps.
Bên cạnh đó, từ đầu năm tới nay, VNPT tiếp tục mở rộng khai thác thêm dung lượng quốc tế trên các tuyến cáp quang hiện có. Tính tới hết tháng 6/2017, tổng dung lượng truyền dẫn quốc tế của VNPT đã đạt gần 1.400 Gbps, tăng thêm 38% so với cuối năm 2016. Trong vài tháng tới, VNPT sẽ tiếp tục mở rộng thêm khoảng 100 Gbpb dung lượng trên 3 tuyến cáp quang biển APG và Faster, AAG.
Tới thời điểm này, tổng dung lượng các hệ thống cache của Google, Facebook, Akamai của VNPT cũng đã được nâng lên thành 5.000G, tăng gần 15% so với cuối năm 2016, tiếp tục giúp VNPT giữ ổn định kết nối internet quốc tế cho khách hàng. Ngày 20/6 vừa qua, tuyến cáp quang biển APG gặp sự cố mất kết nối. Tuy nhiên, VNPT đã nhanh chóng chuyển sang các đường dự phòng, đảm bảo truy cập của khách hàng gần như không bị ảnh hưởng. Việc sửa chữa APG sẽ được tiến hành từ ngày 03/7 và đến ngày 14/7 sẽ hoàn tất.
Theo kế hoạch phát triển mạng lưới, từ nay tới năm 2020, VNPT sẽ đầu tư xây dựng thêm một tuyến cáp quang biển nữa, nâng tổng số tuyến cáp biển quốc tế khai thác lên con số 6. Cùng với 3 tuyến cáp quang đất liền và hạ tầng mạng di động, vệ tinh, internet cáp quang trong nước tạo thành một hạ tầng mạng viễn thông đầy đủ, đảm bảo phục vụ mọi nhu cầu mới của khách hàng.