(PLO) -Sau khoảng 5 năm thực hiện Nghị quyết 19/2008/QH12 của Quốc hội về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cả nước có 126 người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
|
Để không hình thành những “khu phố Tây”, Bộ Xây dựng sẽ đưa ra những quy định về tỉ lệ nhà người nước ngoài được sở hữu. |
Mở chưa từng thấy cho người nước ngoài
Sau khoảng 5 năm thực hiện Nghị quyết 19/2008/QH12 của Quốc hội về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cả nước có 126 người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Có nhiều lý do khiến cho số người mua được nhà còn quá thấp so với nhu cầu thực tế. Có thể thấy, Nghị quyết 19 chỉ cho phép 5 đối tượng người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, trong khi trên thực tế vẫn còn nhiều đối tượng người nước ngoài khác cũng có nhu cầu này, như người nước ngoài làm việc tại các chi nhánh, văn phòng đại diện nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; người nước ngoài làm việc dưới một năm hoặc làm việc tại các DN nhưng không giữ chức danh quản lý hay người nước ngoài vào Việt Nam học tập, nghiên cứu - giảng dạy cho các cơ sở giáo dục tư nhân…
Mặt khác, quy định cũng hạn chế quyền được lựa chọn mua nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài, chỉ cho phép họ mua và sở hữu căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại chứ không được mua và sở hữu nhà ở riêng lẻ (nhà biệt thự hoặc nhà liền kề).
Họ chỉ được sử dụng nhà ở vào mục đích để ở, không được cho thuê, không được góp vốn, không được kinh doanh như cá nhân trong nước. Trong khi đó, nhiều trường hợp phải di chuyển do làm việc tại nhiều nơi khác nhau thì lại không được cho thuê hoặc kinh doanh nhà ở đã mua khi họ tạm thời không có nhu cầu sử dụng.
Trong quá trình sửa đổi các luật về nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng đề xuất “mở” hơn đối tượng người nước ngoài được mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Theo đó, cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi được phép nhập cảnh vào Việt Nam đều được sở hữu nhà ở không hạn chế về số lượng, được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở để tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch được duyệt.
Đối với cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, sửa đổi theo hướng cho phép những đối tượng được nhập cảnh vào Việt Nam được mua nhà ở. Đối với tổ chức thì không chỉ có các DN nước ngoài mà cho phép các tổ chức tài chính, các văn phòng đại diện, các chi nhánh của DN nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cũng được mua và sở hữu nhà ở. Bộ cũng đề xuất cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu cả nhà ở riêng lẻ gắn liền với đất với thời hạn sở hữu là 70 năm như quy định của pháp luật về đất đai...
Lo ngại “phố Tây”
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, việc đề xuất sửa đổi chính sách được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế, tồn tại, góp phần khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam mua nhà ở nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN kinh doanh BĐS, làm tăng tính thanh khoản cho thị trường, đồng thời khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ (bao gồm cả nhà biệt thự và nhà liền kề) với quy định cụ thể về diện tích, loại dự án. Mức giá cũng sẽ do Chính phủ quy định cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Số lượng và loại nhà ở mà đối tượng này được phép mua và sở hữu chủ yếu là các BĐS trung và cao cấp nên sẽ không tác động xấu đến giá của phân khúc nhà ở dành cho các đối tượng có thu nhập trung bình và thu nhập thấp trong nước.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đề xuất 2 phương án về khối lượng sở hữu nhà ở đối với người nước ngoài. Cụ thể là, với cá nhân sẽ không hạn chế về số lượng, còn đối với tổ chức thì căn cứ vào số lượng người nước ngoài đang làm việc cho tổ chức đó mà cho phép sở hữu nhiều căn hộ chung cư hoặc nhà ở riêng lẻ theo nhu cầu. Phương án khác được tính đến là mọi cá nhân nước ngoài chỉ được phép sở hữu không quá 2 căn hộ, nhà ở riêng lẻ.
Người nước ngoài được bán, tặng cho nhà ở thuộc sở hữu của mình sau thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu về nhà ở. Trường hợp bán nhà ở trước thời hạn 12 tháng thì phải nộp thuế thu nhập gấp 2 lần so với mức thuế thu nhập phải nộp theo quy định hiện hành.
Xem ra cũng dự liệu trước việc mở quá có thể khiến hình thành các “khu phố ngoại” dẫn đến khó khăn, phức tạp trong việc quản lý địa bàn, Bộ Xây dựng cũng khẳng định quan điểm chỉ nên cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư thương mại của dự án hoặc không quá 10% số lượng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn phường .